Đà Nẵng ban hành quy định mới về cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại phường, xã

(ĐNĐT) - Từ ngày 18-12, quy định mới với 104 điều về việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại UBND phường, xã do UBND TP Đà Nẵng ban hành theo Quyết định 43/2010 (thay thế Quyết định 21/2008 ngày 7-4-2008; Quyết định 44/2008 ngày 20-10-2008 của UBND TP Đà Nẵng) chính thức có hiệu lực.

(ĐNĐT) - Từ ngày 18-12, quy định mới với 104 điều về việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại UBND phường, xã do UBND TP Đà Nẵng ban hành theo Quyết định 43/2010 (thay thế Quyết định 21/2008 ngày 7-4-2008; Quyết định 44/2008 ngày 20-10-2008 của UBND TP Đà Nẵng) chính thức có hiệu lực.

Theo Sở Nội vụ, các quy định về thành phần hồ sơ; thời hạn giải quyết; mức thu phí, lệ phí; quy trình tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ; mối quan hệ và trách nhiệm của các cơ quan hành chính trong quá trình xử lý hồ sơ tại UBND phường, xã theo cơ chế một cửa (đối với hồ sơ thuộc lĩnh vực: hộ tịch; chứng thực; đất đai; xây dựng nhà ở); theo cơ chế một cửa liên thông (đối với hồ sơ thuộc lĩnh vực: giáo dục; bảo trợ xã hội và chính sách đối với người có công) được điều chỉnh theo hướng thuận lợi nhất cho tổ chức, công dân.

Đặc biệt, quy định này đã thể chế hóa trách nhiệm của lãnh đạo và công chức phường, xã trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hồ sơ thủ tục hành chính tại phường, xã. Hiện Sở Nội vụ Đà Nẵng đã triển khai tại 100% phường, xã phần mềm quản lý hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông kết hợp với trang http://www.motcua.danang.gov.vn hiển thị tình hình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, phục vụ tra cứu thủ tục hành chính và tình trạng giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ: “Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hiện đại hóa tác nghiệp và quản lý hồ sơ thủ tục hành chính tại phường, xã sẽ giúp người dân đỡ tốn thời gian đi lại, tiến độ giải quyết công việc nhanh chóng, chất lượng hơn, đồng thời tạo cơ chế giám sát hoạt động của cán bộ, công chức trong quá trình thi hành công vụ, góp phần tích cực hạn chế các hành vi tiêu cực có thể phát sinh!”.

UBND TP Đà Nẵng cũng nghiêm cấm tự đặt thêm thủ tục hành chính; sử dụng thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính làm điều kiện để vận động thu ngân sách ngoài quy định hoặc thực hiện các giao dịch khác; yêu cầu tổ trưởng dân phố, trưởng thôn xác nhận hồ sơ của cá nhân trước khi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ (trừ trường hợp có văn bản pháp luật của cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết); nghiêm cấm UBND các phường, xã trả lại hồ sơ của công dân mà không nêu rõ lý do bằng văn bản.

Những hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết đã được UBND phường, xã tiếp nhận nhưng không thể giải quyết do không hợp pháp, hợp lệ hoặc chưa đầy đủ thì trả lại cho người nộp hồ sơ trong thời gian không quá 2 ngày kể từ ngày nhận; đồng thời kèm văn bản do lãnh đạo UBND phường, xã ký, thông báo rõ lý do vì sao hồ sơ liên quan không thể giải quyết.

Cẩm An

Đọc thêm