HDV tiếng Trung “chui” gây khó
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượng khách tham quan, du lịch đến TP đạt hơn 4 triệu lượt, tăng 29,4% so với cùng kỳ 2017. Trong đó khách quốc tế đạt 1,6 triệu lượt, tăng 47,1%. Thế nhưng, lớn nhất phải kể đến Trung Quốc với 368.086 lượt, tăng 36%, chiếm tỉ lệ 23% khách quốc tế đến Đà Nẵng. Tuy nhiên, báo cáo của Sở Du lịch cũng nêu, chính thị trường truyền thống này đã và đang gây nhiều lo ngại trong lĩnh vực lữ hành, HDV…
Anh Chế Viết Đông, một HDV tiếng Trung chia sẻ, trong những năm qua, vì thu nhập mà nhiều HDV người Việt chấp nhận “ngồi đồng” trên các xe du lịch để làm bình phong đối phó với cơ quan chức năng, còn hầu hết các thao tác như hướng dẫn, thuyết minh đều do người Trung Quốc. Một số ít vì danh dự nghề nghiệp, lòng tự trọng về hình ảnh đất nước không chấp nhận hành nghề theo kiểu này, hiện đã tự nghỉ hoặc bị các công ty lữ hành buộc thôi việc.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hùng, chủ một doanh nghiệp và thành viên CLB Lữ hành khai thác thị trường Hoa ngữ tiết lộ, Đà Nẵng hiện có hơn 40 doanh nghiệp lữ hành khai thác khách Trung Quốc, nhưng thực chất do ông chủ Trung Quốc đứng đằng sau điều hành và chỉ thuê pháp nhân Việt Nam làm “bình phong”. Họ chủ yếu sử dụng lao động người Trung Quốc, vì vậy mới có sự thật tréo ngoe, dù khách Trung Quốc vào rất nhiều nhưng HDV tiếng Trung ở Đà Nẵng vẫn không có việc làm.
Ông Trần Trà, Chi hội trưởng Chi hội HDV thừa nhận, khoảng 80 đến 100 HDV du lịch tiếng Trung thuộc quản lý của Chi hội HDV đang thất nghiệp ngay mùa cao điểm du lịch. Hiện có khoảng 10/45 doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn có người Trung Quốc đang hoạt động bất hợp pháp. Đặc biệt, theo ông Trà, lượng khách đến với TP ngày càng đông một phần nhờ vào các tour giá rẻ, tour “0 đồng”.
Đây là hình thức cạnh tranh bằng giá để thu hút khách của các công ty lữ hành; phần ăn uống, lưu trú hay HDV được bán cho khách với giá bằng 0 so với chi phí thực tế Công ty lữ hành tổ chức tour cho khách. Tuy nhiên, doanh nghiệp lữ hành có nhiều cách bù lỗ, thu được lợi nhuận nhờ vai trò của nhà tổ chức tour, thông qua việc đưa du khách đến các cơ sở mua sắm hay dịch vụ.
Tour giá rẻ đến Đà Nẵng chủ yếu xuất hiện ở thị trường Trung Quốc và một phần thị trường Hàn Quốc. Dù mang lại số lượng lớn du khách nhưng nguồn thu lại rất hạn chế, lại ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường du lịch như đã nêu trên.
Thất thu thuế và nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ
Ông Trà phân tích, “Tour “0 đồng” đồng nghĩa, không có đồng nào chảy vào tài khoản các doanh nghiệp “bình phong”, trong khi cơ quan thuế chỉ có thể dựa vào tài khoản doanh nghiệp để kiểm tra thuế”, ông Trà nhấn mạnh. Và với việc trốn được thuế, họ lại càng giảm giá và lại càng đẩy mạnh tour “0 đồng”.
Không chỉ khách Trung Quốc đến bằng đường hàng không mà khách đường biển cũng vậy. Đáng nói, qua thanh tra về tour giá rẻ, Sở Du lịch Đà Nẵng ban hành 28 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 197 triệu đồng. Điều này khiến ông Trà và nhiều đại diện công ty lữ hành thẳng thắn cho rằng, con số mà cơ quan chức năng thanh, kiểm tra và xử phạt theo báo cáo hết sức khiêm tốn và có phần “nực cười”.
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng thông tin, nhằm tăng cường đảm bảo môi trường du lịch, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm trên lĩnh vực lữ hành, HDV. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã có nhiều cách thức thủ đoạn đối phó, ví dụ khi kiểm tra bị phát hiện thì lập tức thành lập 5, 6 đơn vị lữ hành khác để tránh sự kiểm soát, thậm chí thành lập ở các địa phương khác rồi đến thành phố hoạt động, báo cáo lượng khách không trung thực, trốn thuế... Mặc dù Sở Du lịch và các cơ quan chức năng đã rất tích cực thanh tra, kiểm soát song vẫn chưa xử lý được hết.