Cung vượt quá cầu
Sau một giai đoạn phát triển nóng với hệ thống khách sạn nghỉ dưỡng, các resort... được đầu tư xây dựng hàng loạt, ngành Du lịch Đà Nẵng đang phải đối diện với thách thức dư thừa phòng, có thể dẫn đến hệ lụy là giảm giá thuê và giảm chất lượng dịch vụ.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, tính đến hết năm 2016 trên địa bàn thành phố có 575 cơ sở lưu trú du lịch với trên 21.300 phòng, trong đó loại hình cơ sở lưu trú là khách sạn chiếm 95%. Trong 3 năm từ 2014 - 2016 mỗi năm có thêm khoảng 2.000 phòng khách sạn gia nhập thị trường lưu trú Đà Nẵng, riêng trong năm 2016 có thêm 85 cơ sở lưu trú du lịch đăng ký hoạt động với số phòng tăng thêm gần 3.100 phòng.
Số lượng cơ sở lưu trú và phòng khách sạn tại Đà Nẵng tăng bình quân từ 10 - 14%/năm. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của Sở Du lịch Đà Nẵng trên địa bàn đã xuất hiện tình trạng cung vượt quá cầu, hệ thống khách sạn không hoạt động hết công suất phòng ngay cả trong mùa cao điểm về du lịch, nhiều khách sạn rơi vào tình trạng không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng trong mùa thấp điểm.
Đại diện Phòng Quản lý cơ sở Lưu trú - Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, đối với phân khúc khách sạn đạt 4 - 5 sao, đặc biệt là khách sạn nghỉ dưỡng có công suất buồng phòng đạt bình quân 75% trong năm. Khách sạn hạng 3 sao vào mùa thấp điểm chỉ đạt 35% công suất, đặc biệt đối với khách sạn quy mô nhỏ hạng 1 - 2 sao mùa cao điểm cũng chỉ đạt 50% và mùa thấp điểm đạt 25% công suất.
Siết chặt việc thẩm định, quản lý, xử phạt
Hiện nay có khoảng 75% tổng số khách sạn 3 - 5 sao tại Đà Nẵng được Tổng cục Du lịch thẩm định xếp hạng và công nhận hạng trong thời gian qua vẫn giữ được trang thiết bị cơ sở vật chất dịch vụ tốt, diện tích rộng rãi, đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định.
Tuy nhiên, việc quản lý cấp giấy phép hoạt động của các cơ sở lưu trú hạng dưới 3 sao gặp nhiều khó khăn, phần lớn do các cơ sở này đều được xây dựng tự phát từ các cá nhân, hộ gia đình sau đó chuyển sang kinh doanh lưu trú. Các cơ sở này thiếu thông tin về tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn, thiếu nguồn nhân lực vận hành.
Bên cạnh đó, một số khách sạn khi đưa vào hoạt động không phù hợp về thiết kế và công năng sử dụng, không đạt các tiêu chuẩn nghiệp vụ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, số lượng dịch vụ... theo quy định. Ở hạng 3 sao trở xuống xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu nhiều hơn so với các hạng cao hơn.
Một số khu dân cư tại các quận trung tâm và quận ven biển Đà Nẵng trở thành “phố khách sạn” gây ra tình trạng quá tải về hệ thống hạ tầng, tình trạng xây dựng khách sạn tràn lan không theo quy hoạch ảnh hưởng đến không gian du lịch và mỹ quan đô thị.
Đại diện Phòng Quản lý cơ sở Lưu trú - Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết thêm, nhận thấy được những thực trạng này, từ năm 2015 Sở Du lịch đã thực hiện nhiều biện pháp từ tuyên truyền, khuyến khích đến việc thực hiện những chế tài xử phạt bằng tiền, thu hồi quyết định công nhận hạng... theo quy định của Luật Du lịch.
Trong đợt kiểm tra mới đây, Sở Du lịch Đà Nẵng đã nhắc nhở trên 50 khách sạn, xử phạt 14 đơn vị không đảm bảo chất lượng theo hạng sao... Trong đó, 18 khách sạn không đảm bảo tiêu chuẩn đã bị chuyển hạng nhà nghỉ và 10 khách sạn bị hạ hạng sao.
Đà Nẵng là thành phố du lịch biển, số lượng khách du lịch đến đây tăng trưởng đều đặn qua các năm, đây là cơ sở để hoạt động kinh doanh lưu trú, khách sạn phát triển. Đối với loại hình kinh doanh này, thành phố cần phải quy hoạch tổng thể khu vực cho phép xây dựng và kinh doanh khách sạn, không để tình trạng kinh doanh tự phát xảy ra và cần phải siết chặt hơn nữa vấn đề thẩm định, quản lý chất lượng cơ sở vật chất - dịch vụ để tránh những rủi ro có thể xảy ra.