Theo đó, Hội thảo này được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng phát triển đô thị, tìm kiếm những giải pháp và đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền nghiên cứu xem xét các cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện khuyến khích thu hút đầu tư, định hướng quản lý toàn bộ, nhất quán và khoa học nhằm kiểm soát hữu hiệu quá trình phát triển đô thị Đà Nẵng…
Tại Hội thảo, KTS. Hoàng Sừ, nguyên Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam cho rằng, trường hợp đặt sân bay Đà Nẵng tại Chu Lai sẽ phục vụ cho cả vùng như Quảng Ngãi, Quảng Nam lẫn Đà Nẵng…, nhờ kết hợp với các tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường sắt tốc độ cao quốc gia.
Ông Sừ đề nghị chính quyền TP Đà Nẵng nên chủ động xin Chính phủ nghiên cứu chuyển sân bay Đà Nẵng về Chu Lai sau năm 2030. Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng đánh giá, với tầm nhìn dài hạn, đề nghị nghiên cứu ngay việc di dời sân bay Đà Nẵng hiện có là hợp lý.
Từ các ý kiến này, trong dư luận đã có nhiều làn sóng trái chiều. Một số nguồn thông tin còn cho rằng, lãnh đạo TP muốn khai thác quỹ đất sân bay hay “bị tác động của nhóm lợi ích, doanh nghiệp sân sau” để hưởng lợi thị trường bất động sản…
Vì vậy, ngày 13/9, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TP Đà Nẵng cho biết, ý kiến có nên di dời sân bay để lấy quỹ đất xây dựng khu đô thị đa trung tâm, mang tầm vóc quốc tế…, không nằm trong chủ đề trọng tâm của Hội thảo khoa học “Định hướng quy hoạch phát triển trung tâm các khu vực đô thị TP Đà Nẵng”. Song, Hội thảo vẫn tiếp thu và xem như ý tưởng được ghi nhận.
Trong vai trò chủ tọa, điều hành Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng cho biết, hiện Đà Nẵng đang tích cực tổ chức điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới mục tiêu phát triển mô hình “TP môi trường, đô thị thông minh”. “TP Đà Nẵng kiên định lấy yếu tố đặc trưng, giá trị thiên nhiên của TP làm ý tưởng chính để tổ chức không gian, hình thành hệ thống cấu trúc khung thiên nhiên trong lòng đô thị là yếu tố tạo dựng bản sắc riêng cho đô thị Đà Nẵng (núi, đồi, sông, suối, biển, hệ sinh thái nông, lâm nghiệp cần được gìn giữ như là trụ cột phát triển môi trường sinh thái, đô thị bền vững).
Xác định khả năng dung nạp, ngưỡng phát triển tối ưu phù hợp với tầm nhìn của đô thị Đà Nẵng cùng với việc phát huy tối đa mối quan hệ liên kết vùng (không nhất thiết phải có quy mô dân số quá lớn, khai thác hết quỹ đất để phát triển nóng mà điều quan trọng là chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị và dự trữ nguồn tài nguyên đất đai phát triển bền vững trong tương lai)” – ông Dũng nói.
Theo đó, cần tái cấu trúc khu trung tâm TP theo hướng mô hình đô thị kết hợp phát triển hệ thống không gian xanh, không gian cộng đồng, xây dựng hình ảnh đô thị thông thoáng với giao thông và phương thức vận tải công cộng số lượng lớn, chú trọng phát triển hệ thống không gian ngầm.
Với những nội dung đã nêu, lãnh đạo TP hoàn toàn không có chủ trương hoặc tiếp nhận ý tưởng “di dời sân bay quốc tế Đà Nẵng vào sân bay Chu Lai”. Đặc biệt, trong định hướng phát triển không gian đô thị, phát triển hạ tầng cũng xác định “Tiếp tục đầu tư mở rộng, đầu tư trang thiết bị để nâng cao khả năng khai thác của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng công suất tối đa từ 28-30 triệu hành khách/năm”.