Đà Nẵng là trung tâm hội nghị, hội thảo

“Viết ý tưởng ra giấy và nghiên cứu. Đừng lãng phí chúng!”. Đây chính là thông điệp mà Cuộc thi “Ý tưởng xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng” do Câu lạc bộ Cán bộ trẻ khởi xướng gửi đến những người dự thi. Từ những ý tưởng trình bày trong phạm vi vài trang A4, các cán bộ trẻ đã thể hiện phần nào năng lực sáng tạo của mình và hơn thế nữa là tâm huyết, lòng nhiệt tình, ước vọng vươn lên, cống hiến sức trẻ để xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày một văn minh, hiện đại hơn.

“Viết ý tưởng ra giấy và nghiên cứu. Đừng lãng phí chúng!”. Đây chính là thông điệp mà Cuộc thi “Ý tưởng xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng” do Câu lạc bộ Cán bộ trẻ khởi xướng gửi đến những người dự thi. Từ những ý tưởng trình bày trong phạm vi vài trang A4, các cán bộ trẻ đã thể hiện phần nào năng lực sáng tạo của mình và hơn thế nữa là tâm huyết, lòng nhiệt tình, ước vọng vươn lên, cống hiến sức trẻ để xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày một văn minh, hiện đại hơn.

Mô tả ảnh.
Du lịch công vụ có giá trị lớn hơn du lịch nhóm và du lịch cá nhân. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan Bảo tàng Chăm.

Trăn trở với sự phát triển của ngành du lịch Đà Nẵng, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng đã tham gia Cuộc thi “Ý tưởng xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng” với đề tài: “Xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch nghỉ dưỡng”. Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Bình cho rằng, ý tưởng này không xa lạ, không độc đáo nhưng nếu được hiện thực hóa, đưa vào triển khai trên thực tế thì sẽ tạo bước đột phá mới cho sự phát triển của ngành du lịch Đà Nẵng.

Điểm mấu chốt trong ý tưởng mà Nguyễn Xuân Bình đưa ra là làm sao phát triển loại hình du lịch công vụ tại Đà Nẵng vì loại hình này khai thác được lượng khách với khả năng chi tiêu cao gấp nhiều lần so với khách bình thường, giá trị của loại dịch vụ này cũng lớn hơn rất nhiều so với du lịch cá nhân hay du lịch nhóm. Ý tưởng Thạc sĩ Nguyễn Xuân Bình đưa ra dựa trên thực tế sự phát triển của ngành du lịch thành phố những năm qua cùng với những lợi thế sẵn có của Đà Nẵng và sức cạnh tranh so với các địa phương lân cận. Và quan trọng hơn là trên cơ sở hướng đột phá phát triển dịch vụ du lịch mà Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ thành phố đã đề ra.

“Lâu nay ở Đà Nẵng, các dịch vụ du lịch phát triển với quy mô nhỏ lẻ, phân tán, nhiều doanh nghiệp du lịch nhưng mạnh ai nấy làm, thiếu sự đồng bộ và thiếu tính định hướng chiến lược lâu dài. Trong khi đó, Đà Nẵng lại phải cạnh tranh với các địa phương lân cận như Huế, Hội An về khai thác du lịch và lưu giữ du khách. Chính vì vậy, ý tưởng của tôi hướng đến loại hình du lịch khác biệt với các vùng khác. Chúng ta không có lợi thế về sản phẩm văn hóa, tính lịch sử như ở Hội An, Huế thì phải khai thác những điểm mạnh khác. Thời gian đến, nếu tập trung làm tốt dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với hội nghị, hội thảo thì Đà Nẵng sẽ lưu giữ được khách ở lại thành phố. Các sản phẩm văn hóa và những loại hình du lịch khác sẽ là sản phẩm phụ trợ, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển một cách đồng bộ. Chứ nếu cứ để thị trường tự điều tiết như hiện nay thì sẽ không thể hiện được vai trò định hướng của Nhà nước trong phát triển du lịch”, anh Nguyễn Xuân Bình tâm sự.

Ý tưởng “Xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch nghỉ dưỡng” đang được Thạc sĩ Nguyễn Xuân Bình phát triển thành đề tài nghiên cứu cấp cơ sở và dự kiến sẽ trình lên các cấp lãnh đạo vào giữa năm 2011. Theo anh Bình, đề tài này sẽ hiện thực hóa khi 4 nội dung sau đây được triển khai. Trước hết là việc nghiên cứu thành lập một Trung tâm Quản lý hội nghị và khách du lịch Đà Nẵng (trực thuộc UBND thành phố), thành viên của trung tâm là các công ty du lịch, các hãng hàng không trong nước và quốc tế, nhóm khách sạn và các khu vui chơi, giải trí.

Tiếp đó là đầu tư xây dựng Trung tâm Hội nghị với sức chứa trên 1.000 người cùng với một không gian kiến trúc thoáng rộng để tổ chức các hoạt động phụ trợ. Song song với hai nội dung trên là việc xúc tiến quảng bá loại hình dịch vụ du lịch công vụ kết hợp nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng, trong đó, xác định rõ mục tiêu “phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm Du lịch công vụ, Huế và Quảng Nam sẽ là vệ tinh du lịch cho khách của Đà Nẵng”.

Đồng thời, thúc đẩy mở các đường bay quốc tế tới sân bay quốc tế Đà Nẵng ngay khi nhà ga hoàn thành. Ngoài ra, điểm quan trọng để thúc đẩy các nội dung trên là đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đồng bộ về chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ khách. Trước mắt, ý tưởng của Thạc sĩ Nguyễn Xuân Bình đã được công nhận có tính khả thi cao và đoạt giải nhì Cuộc thi “Ý tưởng xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng”. Về lâu dài, khi hoàn thiện xong đề tài này, để đưa vào áp dụng trên thực tế đòi hỏi cả một lộ trình đồng bộ cùng với sự ủng hộ của các cấp có thẩm quyền và sự chỉ đạo cụ thể của lãnh đạo thành phố.

Với những cán bộ trẻ như Nguyễn Xuân Bình, phát kiến ra ý tưởng là một chuyện nhưng làm sao để ý tưởng đi vào cuộc sống mới thực sự là quan trọng. Có những ý tưởng mặc dù mang tính khả thi nhưng không phù hợp với thời điểm hiện tại và do vậy phải gác lại, nằm chờ đến thời cơ thích hợp sẽ khởi động. Nhưng không vì thế mà thế hệ trẻ gác lại những ý tưởng, những ước mơ, hoài bão cống hiến của mình. Ý tưởng nếu chỉ nằm lại trong đầu thì muôn đời chỉ là ý tưởng nhưng nếu mạnh dạn trình bày, đưa vào thực tế để thử nghiệm và hoàn thiện thì sẽ có những ý tưởng phát huy tác dụng tích cực và đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của xã hội.

Bài và ảnh: Hà An

Đọc thêm