Được sống và làm việc ở Đà Nẵng là một ân huệ lớn của đời tôi. Nơi đây, có đủ những điều kiện tự nhiên và môi trường sống tươi đẹp, có những con người tuyệt vời về lòng nhân ái, luôn biết sẵn sàng dâng hiến vì đại cuộc; và nơi đây cho phép tôi được theo dõi, cảm nhận nhiều sự kiện nóng bỏng diễn ra với sự thay đổi, đi lên từng ngày, nhất là từ khi Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, tạo ra những bước phát triển ngoạn mục, khắc ghi những dấu ấn tuyệt vời, niềm tự hào vô hạn về một thành phố anh hùng, năng động, sáng tạo, giàu tiềm năng và triển vọng tốt đẹp.
|
||
Đồng chí Huỳnh Năm - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đến chào Thủ tướng hai nước tại Cuộc họp Nội các giữa Việt Nam và Thái Lan tại Đà Nẵng ngày 20-2-2004. |
Điều đó, có xuất phát điểm quyết định là những chủ trương, đánh giá đúng đắn và sáng suốt từ Trung ương, thể hiện qua 3 sự kiện lớn tạo tiền đề phát triển cho Đà Nẵng. Đó là Trung ương đồng ý tách Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, rồi công nhận Đà Nẵng là đô thị loại 1 cấp quốc gia, và Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước có tính đặc thù của Đà Nẵng. Rõ ràng nếu thiếu đi 1 trong 3 sự kiện đó, Đà Nẵng cũng khó hội tụ đủ yếu tố thời cơ để cất cánh.
Không tuyệt vời sao được, khi từ xuất phát điểm ấy, thành phố đã vận dụng sáng tạo và thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách, khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế so sánh, tạo nên động lực phát triển nhanh và bền vững. Nên có thể nói, sức mạnh hành động của Đà Nẵng, là do chính con người tại đây, tự hào và đoàn kết, linh hoạt và quả quyết, dám nghĩ dám làm, dám hy sinh và hợp tác, đồng thuận và liên kết giữa chính quyền và công dân, giữa doanh nghiệp và Nhà nước, cùng xây dựng và thực hiện ước mơ chung.
“Thương hiệu” riêng có, độc đáo, nổi tiếng của Đà Nẵng là chương trình “thành phố 5 không” và “thành phố 3 có”, một hình thức sáng tạo, kết hợp tài tình, nhuần nhuyễn đường lối tăng trưởng kinh tế gắn với an sinh xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân, phát triển con người toàn diện. Qua đó, Đà Nẵng không chỉ thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa và phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” gắn với quy chế dân chủ cơ sở, mà còn huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Với tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn từ 1996 đến nay ước đạt tới 83,6 ngàn tỷ đồng, tăng trung bình hơn 15% mỗi năm (*), năng lực kinh tế-xã hội tăng lên nhanh chóng, diện mạo của thành phố thay đổi từng ngày tạo điều kiện cải thiện đời sống của nhân dân và môi trường thuận lợi hội nhập kinh tế hiệu quả.
Trong đó, trước hết, phải kể đến kết quả đáng tự hào của phương thức “tạo vốn từ quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng” từ việc điều tiết hợp lý phần giá trị gia tăng của đất. Tính đến hết năm 2009, tổng số tiền chuyển quyền sử dụng đất nộp ngân sách thành phố hơn 16 ngàn tỷ đồng, chiếm 55% vốn đầu tư từ ngân sách, bằng 34% nguồn thu nội địa.
Liên tiếp 2 năm liền 2008, 2009, thành phố được xếp thứ nhất về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), là minh chứng cụ thể về sự nỗ lực, mạnh dạn đổi mới cơ chế quản lý, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, trở thành xu thế mới, ngày càng đóng vai trò quan trọng với kinh tế thành phố. Đến hết năm 2009, thành phố có hơn 12.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, thì trên 11.700 đơn vị ở ngoài Nhà nước với số vốn 29 ngàn tỷ đồng, chiếm 96% số doanh nghiệp, chưa kể gần 26.500 hộ kinh doanh cá thể.
Đồng thời, thành phố đã mở cửa, thu hút tích cực nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn tài trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn viện trợ phi chính phủ (NGO). Đến nay, Đà Nẵng đã tiếp nhận hơn 160 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký vượt ngưỡng 2,6 tỷ USD và gần 700 triệu USD vốn ODA, góp phần tăng cường nguồn lực tài chính - ngân sách, đáp ứng hiệu quả các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội,...
Chính từ các giải pháp đó, thời gian qua, kinh tế Đà Nẵng liên tục tăng trưởng, năm sau luôn cao hơn năm trước, với tốc độ tăng GDP bình quân khoảng 11% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 4,3 triệu năm 1996 lên 28,1 triệu đồng năm 2009 (tương đương 1.650 USD). Kinh tế thành phố từng bước chuyển sang cơ cấu hiện đại: “dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp” với tỷ trọng giá trị sản xuất các ngành công nghiệp - dịch vụ Đà Nẵng năm 2009 đạt tới 97%, cao nhất so với các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, riêng giá trị dịch vụ đã vượt mức 50% và tổng kim ngạch xuất khẩu đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD…
Năm 2010 là năm kỷ niệm 35 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng. Với lịch sử hào hùng của mình, đây sẽ là mốc son để Đà Nẵng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và toàn diện, khởi đầu tốt đẹp cho một thời kỳ tăng tốc mới, vươn tới những tầm cao mới, khắc ghi những dấu ấn tuyệt vời hơn trong phát triển. Chủ động, tích cực tái cấu trúc nền kinh tế, phát huy tối đa mọi nguồn lực, các lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế hướng tới một thành phố công nghệ cao, thành phố môi trường, thành phố dịch vụ - du lịch, thành phố an sinh xã hội. Đẩy mạnh với hiệu quả thiết thực cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” phấn đấu để Đà Nẵng trở thành địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, xứng với lịch sử, tầm vóc, vị thế và tiềm năng của mình.
Huỳnh Năm
(*) Các chỉ tiêu ở bài viết này được tính toán từ “Niên giám thống kê Đà Nẵng” các năm; báo cáo của UBND thành phố tại các kỳ họp HĐND và thông tin từ các sở, ban, ngành.