Đà Nẵng phải thu hồi quyết định ’cấm cửa’ SV tại chức

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Đà Nẵng phải thu hồi quyết định không tuyển dụng SV tại chức vào cơ quan Nhà nước vì tại chức cũng có người giỏi và chính quy cũng có người kém, cái đó không phải nhìn vào bằng cấp mà phân biệt được...

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Đà Nẵng phải thu hồi quyết định không tuyển dụng SV tại chức vào cơ quan Nhà nước vì tại chức cũng có người giỏi và chính quy cũng có người kém, cái đó không phải nhìn vào bằng cấp mà phân biệt được...

- Thưa giáo sư, mới đây TP. Đà Nẵng có quyết định không tuyển dụng sinh viên tại chức vào các cơ quan Nhà nước trên địa bàn TP khiến dư luận quan tâm và có nhiều luồng ý kiến khác nhau, giáo sư thấy quyết định của Đà Nẵng thế nào?

Tôi rất có cảm tình với Đà Nẵng vì họ có những quyết định mạnh mẽ, tạo nên nhiều thành tựu trong xây dựng TP và những tiến bộ rõ rệt trong an toàn trật tự xã hội.
GS Nguyễn Lân Dũng
GS Nguyễn Lân Dũng
Tuy nhiên, lãnh đạo Đà Nẵng cũng có những quyết định không khoa học, ví dụ hồi có cúm gia cầm lãnh đạo TP có ra quyết định “Ai bắn được chim thì được thưởng” vì chim có khả năng truyền virus H5N1 - nhưng đó là quyết định phản khoa học và sai luật vì không được phép bắn động vật hoang dã. Hay ví dụ Đà Nẵng cũng có quy định “Ai thu gom được người ăn mày thì được thưởng tiền”, phải có kiểu khác chứ “túm cổ” người ăn mày kéo về là không được, quan trọng là phải làm sao để nhân dân không đói khổ, không phải đi ăn mày. Trước đây Đà Nẵng cũng có quy định thi chọn hiệu trưởng, tôi thấy rất hay, thi tuyển sợ không trong sáng nên thêm hình thức phỏng vấn, chứng tỏ Đà Nẵng đã có những quyết sách rất tốt trong việc chọn người có thực tài. Kỳ này tôi ngạc nhiên với quy định không tuyển dụng sinh viên tại chức vào cơ quan Nhà nước của Đà Nẵng! Quyết định gì thì cũng phải căn cứ vào luật pháp, căn cứ vào cơ sở khoa học, nếu thiếu khoa học và sai luật pháp là… nguy hiểm. - GS có thể nói rõ hơn về sự thiếu khoa học và sai của Đà Nẵng khi ra quyết định trên? Thực tế hiện nay trên diện rộng thì tại chức còn kém chất lượng. Cái kém đó nhiều người biết nhưng không vì thế mà có thể ra cái lệnh như ở Đà Nẵng được.
"Lãnh đạo Đà Nẵng có những quyết định không khoa học, ví dụ hồi có cúm gia cầm lãnh đạo TP có ra quyết định “Ai bắn được chim thì được thưởng” vì chim có khả năng truyền virus H5N1 - nhưng đó là quyết định phản khoa học và sai luật vì không được phép bắn động vật hoang dã. Hay ví dụ Đà Nẵng cũng có quy định “Ai thu gom được người ăn mày thì được thưởng tiền”, phải có kiểu khác chứ “túm cổ” người ăn mày kéo về là không được, quan trọng là phải làm sao để nhân dân không đói khổ, không phải đi ăn mày."    
Thứ nhất là sai luật, Luật Giáo dục không phân biệt giá trị của hai loại đào tạo chính quy và tại chức. Thứ hai, quy định này xóa đi triển vọng của những người cố gắng vượt lên số phận, rất nhiều người không có điều kiện học chính quy, họ học tại chức và học rất giỏi. Thứ ba, quyết định cũng không đúng với chủ trương học tập suốt đời, một chủ trương lớn của Nhà nước ta. Thứ tư, quyết định không công bằng vì tại chức vẫn có nhiều người giỏi, trong đa số người kém có những người thực sự giỏi, tôi đã gặp những người học tại chức rất giỏi, ngược lại chính quy cũng không thiếu gì những người có bằng tốt nghiệp nhưng thực tế là kém cỏi. Quyết định này cũng không phù hợp với xu thế chung trên thế giới, tôi đã có điều kiện theo dõi việc đào tạo đại học tại Mỹ, ở đó việc thi theo tín chỉ là rất hay, đầu vào không hạn chế nhưng đầu ra rất chặt chẽ, trừ những trường đặc biệt đối với một số trường chất lượng cao thì người ta chọn đầu vào rất nghiêm ngặt, còn nói chung đầu vào đại học là mở, ai cũng có thể ghi tên học nhưng từng năm một sẽ tuyển chọn rất chặt chẽ qua thi cử, cho nên vào năm thứ nhất rất đông nhưng từ năm thứ 2 trở đi là giảm dần. Vì thế, nên khi ở Mỹ có tấm bằng trong tay thực sự là có chất lượng. Tôi cũng cho rằng quyết định này của Đà Nẵng cũng xúc phạm đến một hệ đào tạo, mà hệ đào tạo đó dành cho số đông những người không có điều kiện thuận lợi để học chính quy. Nếu coi loại bằng tại chức là bằng vô giá trị thì khác gì bảo nên đóng cửa các trường lớp tại chức lại (!). Đó là bằng của Nhà nước không thể coi là vô giá trị được! Nếu trong thực tế bằng đó có chất lượng còn thấp thì chúng ta phải tìm cách nâng cao giá trị thực của nó lên chứ không nên phủ định nó, vì đã coi nó là vô giá trị thì người ta còn học tại chức để làm gì nữa! Khắc phục việc này đòi hỏi các trường có hệ tại chức phải đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo. - Vậy theo GS phải làm thế nào để chọn được người đủ năng lực làm việc trong bộ máy công quyền? Còn làm thế nào để tuyển dụng được cán bộ tốt, thì cứ làm đúng như Đà Nẵng đã làm trước đây khi chọn hiệu trưởng: thứ nhất là thi tuyển, thứ hai là phỏng vấn, vì người ta vẫn sợ thi tuyển có thể gian lận cho nên phỏng vấn là hình thức bổ sung chắc ăn nhất. Các công ty nước ngoài thường xuyên tổ chức thi tuyển nhân sự, người có bằng cấp cao tiếng Anh chẳng hạn mà khi phỏng vấn không trả lời được thì… cũng thôi. Cái bằng chỉ là điều kiện cần thiết, nhưng chưa phải là điều kiện đủ. Chọn được người có thực tài các công ty nước ngoài mới có thể trả lương cao được, họ chọn được người giỏi vì dựa trên cả bằng cấp lẫn phỏng vấn trực tiếp. - Đánh giá năng lực một con người trong thi tuyển vào cơ quan Nhà nước thì việc phân biệt bằng tại chức hay bằng chính quy ở đây có là công bằng? Rõ ràng là không công bằng rồi! Vì tại chức cũng có người giỏi, và chính quy cũng có người kém, cái đó không phải nhìn vào bằng cấp mà phân biệt được, như tôi đã đề cập, muốn công bằng và chính xác cần phải thi tuyển kết hợp với phỏng vấn. - Theo giáo sư thì Đà Nẵng nên xử lý thế nào với quyết định không tuyển dụng sinh viên tại chức vào cơ quan Nhà nước? Quyết định này Đà Nẵng phải thu hồi, vì sai luật và nó có tác hại lớn là phủ định cả một hệ đào tạo – hệ đào tạo đó là có giá trị, tuy còn nhiều mặt yếu kém mà ta phải nâng cao. Nếu tất cả các tỉnh mà bắt chước Đà Nẵng thì chắc là phải đóng cửa hệ đào tạo này mất. Một tỉnh làm được thì tỉnh khác l‎ý gì không làm theo. - Thưa GS, tuyển dụng cán bộ bằng phỏng vấn theo GS cũng khó mà loại được việc chạy chọt hối lộ để có một chỗ làm việc trong biên chế nhà nước. GS nghĩ thế nào về điều này? Cũng chẳng khó! Theo tôi, một là nên sửa luật về chuyện đưa hối lộ để hạn chế việc “chạy việc”. Hai là, làm nghiêm việc kiểm tra tài sản của mọi cán bộ như các nước phát triển vẫn làm, đố anh nào giấu được tài sản. Việc Đà Nẵng đưa ra quyết định như vậy tưởng là gọn, đỡ mất thì giờ chọn những người kém, nhưng vấn đề quan trọng hơn mà ít người nói đến là tuyển nhân sự hiện nay nhiều nơi đã không căn cứ vào năng lực mà lại căn cứ vào số tiền chạy việc, ai cũng nói mà không biết làm sao chấm dứt được chuyện tiêu cực còn rất phổ biến này. Ai cũng nói muốn có việc làm hợp với chuyên môn đào tạo thì cần phải chạy bằng tiền, nhưng không ai chịu cung cấp bằng chứng vì theo luật của mình thì đưa hối lộ cũng là phạm tội rồi. Có những người nói với tôi “cháu xin được việc mất nhiều tiền lắm”, tôi bảo vậy tố cáo đi nhưng họ nói nếu tố cáo thì “cháu vừa phạm tội vừa bị đuổi việc ngay”. Theo tôi nếu người đưa hối lộ vì bị bó buộc sau đó tố cáo thì được miễn hình phạt. Hai là thực hiện việc kiểm tra tài sản của mọi cán bộ một cách nghiêm túc thì mới có thể chấm dứt được việc “chạy việc” và các loại “chạy” khác. - Trong kỳ họp Quốc hội tới, GS có nêu vấn đề của Đà Nẵng ra trước Quốc hội không? Cái này dư luận nói nhiều nên chắc Đà Nẵng sẽ sửa thôi. Kỳ họp Quốc hội tới vì thời gian họp ngắn nên chỉ thảo luận về một số luật và thực hiện việc tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội, không có phần chất vấn. Tuy nhiên nếu chuyện này không thay đổi thì trong các diễn đàn khác tôi sẽ lên tiếng trên cương vị Đại biểu Quốc hội. Mong muốn của tôi là việc đào tạo tại chức phải được nâng cao về chất lượng và việc tuyển chọn cán bộ phải thực chất, tránh hình thức và tránh tiêu cực qua chuyện chạy chọt. - Xin cảm ơn giáo sư!
Theo Kiều Minh
VTC news

Đọc thêm