Cần giải ngay bài toán về công trình qua sông Hàn trước áp lực dân cư
Những ngày qua, việc Đà Nẵng vừa công bố lựa chọn hầm chui qua sông Hàn, lập tức nhận được nhiều dư luận trái chiều. Ông Lê Văn Trung cho biết, từ tháng 10/2015 đến tháng 6/2016, Sở đã mời các giáo sư đầu ngành để tổ chức hội thảo và nhận được nhiều phản hồi, tổng hợp báo cáo lên TP. Đến tháng 7/2016 cho tổ chức cuộc thi công trình vượt sông Hàn. Đến tháng 9/2016 có 7 phương án chọn xây cầu và 2 phương án chọn xây hầm. Hiện tại, TP vẫn đang tiếp tục nghiên cứu chứ chưa đưa ra quyết định.
Tuy nhiên, đối với quy hoạch chung, công trình hầm chui phải đảm bảo tất cả các yếu tố có lợi như giải tỏa được sức ép giao thông cho cầu sông Hàn, khi di dời ga tàu lửa cũ (đường Hải Phòng, quận Hải Châu) sẽ hình thành tại đây khu dân cư mới và tạo ra trục giao thông cần thiết để phát triển giao thông ở quận Sơn Trà.
Liên quan đến các ý kiến của ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng chỉ cần hơn 1.000 tỷ đồng để nâng cấp cầu Thuận Phước hoặc tăng diện tích cầu sông Hàn sẽ đáp ứng được nhu cầu về giao thông của TP vừa tiết kiệm chi phí, ông Trung khẳng định, không thể nâng cấp cầu Thuận Phước vì cầu này không đáp ứng về kỹ thuật để nâng cấp. Còn mở rộng cầu sông Hàn, về mặt diện tích thì được, nhưng về kết cấu sẽ làm ảnh hưởng chất lượng của cây cầu này và mất luôn hình ảnh cây cầu quay. Thậm chí, nếu mở rộng sẽ kéo theo lượng lưu thông tăng lên gây tắc nghẽn.
Làm rõ thêm vấn đề, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, ý kiến của hội đồng chấm chọn phương án thiết kế công trình giao thông qua sông Hàn đã chỉ rõ, nếu làm cầu sẽ mất không gian mặt nước và hai bên đầu cầu (trong bán kính bảo vệ cầu), đồng thời rất khó xử lý nút giao thông phía đường Bạch Đằng. Thực tế, áp lực mật độ dân cư hai bờ sông Hàn, phương tiện lưu thông nội thị đang ngày một gia tăng. “Tính riêng 5 năm trở lại đây, phương tiện tăng gấp đôi. 10 năm nữa chắc chắn phải tăng gấp 2-3 lần. Mỗi ngày TP phải ký 3-4 giấy phép xin xây cao ốc, căn hộ, trung tâm thương mại nên nếu không giải quyết bài toán về công trình qua sông Hàn ở đây sẽ bị chậm trễ”, ông Thơ viện dẫn.
TP đã chuẩn bị kỹ cho dự án
Vấn đề băn khoăn về kỹ thuật làm hầm chui, ông Thơ thông tin, thế giới và cả Việt Nam đã và đang áp dụng phổ biến công nghệ hầm chui. So với hầm Thủ Thiêm (TP HCM), giải pháp thi công hầm chui sông Hàn sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn do nền đất ổn định (cát và đất sét, trong khi hầm Thủ Thiêm nền đất yếu) và chỉ sâu 5-6m (hầm Thủ Thiêm sâu 16-18m). Việc có ít phương án thiết kế hầm (2 phương án) so với thiết kế cầu (7 phương án) tại cuộc thi phương án đầu tư công trình giao thông vượt sông Hàn (từ tháng 9-10/2016), theo ông Thơ, do tính chất “hiện” nên cầu dễ dàng thể hiện bằng các hình thức, kiểu dáng. Còn hầm “ẩn” vào trong nên rất khó để thiết kế.
Trước việc xây dựng hầm vượt qua sông Hàn gây nhiều tranh cãi, ông Nguyễn Xuân Anh chia sẻ, chưa có dự án nào mà được TP chuẩn bị kỹ như dự án này. Từ tháng 10/2015 ra chủ trương, đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã phải họp tới 3 phiên (27/4, 22/6, 18/10) và tuần tới sẽ có phiên họp thứ 4 để bàn phương án tài chính thêm.
Sau hơn 1 năm nghiên cứu, ông Xuân Anh cho rằng, phần lớn thành viên Ban Thường vụ chọn phương án xây hầm. Lý do, xây hầm là phương án “nhân văn”, hỗ trợ người dân di chuyển trong điều kiện thiên tai, mưa bão. Làm hầm tốn hơn khoảng trên dưới 1.000 tỷ đồng so với xây cầu, nhưng vấn đề nằm ở tính hiệu quả, hữu dụng. Nhanh nhất năm 2018 công trình mới có thể khởi công, mất 5-7 năm mới có thể hoàn thành, khi đó điều kiện kinh tế - xã hội sẽ thay đổi, giao thông phải đi trước mở đường.
“Nói chúng tôi vội vã là chưa chính xác. Còn nói yêu TP này, chúng tôi khẳng định mình luôn tâm huyết, luôn vì TP. Và chúng tôi không ngồi trên dư luận, không bỏ qua dư luận, nhưng chúng tôi cần có cái nhìn xa, rộng hơn để đưa ra quyết định. Chúng tôi chịu trách nhiệm với quyết định của mình”, ông Nguyễn Xuân Anh chốt lại.