Đà Nẵng tăng cường hợp tác với các địa phương Lào

Với vị trí địa lý thuận lợi là cửa ngõ của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các hoạt động hợp tác hữu nghị với các địa phương của Lào nói riêng và giữa Việt Nam và Lào nói chung.

Với vị trí địa lý thuận lợi là cửa ngõ của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các hoạt động hợp tác hữu nghị với các địa phương của Lào nói riêng và giữa Việt Nam và Lào nói chung.

Mô tả ảnh.
Đoàn lãnh đạo TP. Đà Nẵng viếng tượng đài Cayxỏn Phômvihản tại Savannakhet (năm 2008).Ảnh: N.THÀNH

Trong những năm qua, nhiều đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và lãnh đạo nhiều tỉnh đã thăm và làm việc tại Đà Nẵng. Hằng năm, thành phố Đà Nẵng cũng cử các đoàn cán bộ sang thăm và làm việc tại các địa phương Lào.

Thành phố Đà Nẵng đã ký kết 24 văn bản thỏa thuận và ghi nhớ với các địa phương của Lào, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực trao đổi đoàn, thương mại, hỗ trợ quy hoạch, phát triển nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa. Năm 2009, thành phố Đà Nẵng đã lập Ban quản lý các dự án Nam Lào, Văn phòng đặt tại thị xã Pakse, tỉnh Champasak. Ban Quản lý có nhiệm vụ triển khai các dự án, chương trình hợp tác đã ký kết giữa Đà Nẵng với các tỉnh: Savannakhet, Champasak, Salavan, Sekong và Attapu.

Từ năm 2001 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ các địa phương của Lào nhiều dự án về nông nghiệp, quy hoạch kinh tế-xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, giao thông, huấn luyện thể thao với tổng kinh phí gần 36 tỷ đồng (chưa tính một số dự án sắp triển khai).

Hiện có 152 cán bộ, sinh viên Lào đang theo học các khóa đào tạo tại Đà Nẵng theo chương trình học bổng của thành phố. Ngoài ra, còn hơn 150 cán bộ, sinh viên Lào đến học tại Đại học Đà Nẵng bằng nguồn kinh phí khác. Nhìn chung, các tỉnh Nam Lào có xu hướng cho con em sang Việt Nam học ngày càng đông. Trong năm 2010, thành phố đã cấp mới 28 suất học bổng cho cán bộ, sinh viên Lào đang theo học đại học và sau đại học tại Đà Nẵng. Đến nay Đại học Đà Nẵng đã tiếp nhận hơn 400 lưu học sinh Lào theo học tiếng Việt, các chuyên ngành sư phạm và kinh tế và có chương trình trao đổi đào tạo với Đại học quốc gia Lào, Đại học Champasak. Năm 2009-2010, Đà Nẵng cũng cử 5 cán bộ theo học tiếng Lào theo chương trình học bổng của tỉnh Champasak. Trong các chuyến thăm Lào, thành phố Đà Nẵng đã tặng các tỉnh Nam Trung Lào nhiều trang thiết bị trường học như máy vi tính, máy in, bàn ghế học sinh…

Mô tả ảnh.
Trong chợ mới ở trung tâm thị xã Pắc-xế, Chăm-pa-sắc, một trong những trung tâm giao thương hàng hóa Việt-Lào. Ảnh: N.THÀNH

Đà Nẵng đã hỗ trợ xây dựng và tài trợ trang thiết bị cho hai Trung tâm đào tạo tiếng Việt tại thị xã Pakse (tỉnh Champasak) và thị xã Khanthabuli (tỉnh Savannakhet) của Lào, đồng thời cử giáo viên đến dạy tiếng Việt ở hai trung tâm này. Năm 2010, thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ tỉnh Sekong gần 10 tỷ đồng để xây dựng Trường Chính trị, hỗ trợ 50.000USD cho Trường Hữu nghị của tỉnh. Thành phố cũng sắp khởi công xây dựng Trung tâm tiếng Việt tại thị xã Cayxỏn Phômvihản, tỉnh Savannakhet với tổng kinh phí hỗ trợ gần 3,5 tỷ đồng.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, Đà Nẵng đã hỗ trợ tỉnh Savannakhet xây dựng nông trại Pacpo và đầu tư cây, con giống; hỗ trợ tỉnh Salavan tu sửa trang trại Nondeng; hỗ trợ các tỉnh này và tỉnh Sekong xây dựng trạm trộn thức ăn gia súc. Năm 2009 và 2010, thành phố tiếp tục hỗ trợ nâng cấp và hỗ trợ cán bộ kỹ thuật cho các dự án này.

Đà Nẵng đã cử cán bộ giúp bạn quy hoạch thị xã Pakse (tỉnh Champasak) và quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội huyện Đắc Chưng (tỉnh Sekong). Doanh nghiệp lữ hành hai bên đã hợp tác triển khai chương trình du lịch đường bộ từ Thái Lan đến Lào, Việt Nam trên Hành lang Kinh tế Đông Tây. Ngoài ra, giữa Đà Nẵng và các địa phương của Lào đã trao đổi, giao lưu nhiều hoạt động văn hóa-nghệ thuật.

SƠN TRUNG
(tổng hợp tư liệu của Sở Ngoại vụ)

Đọc thêm