Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

(ĐNĐT) - Năm thứ hai liên tiếp, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)

(ĐNĐT) - Năm thứ hai liên tiếp, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)

Đà Nẵng, nhìn từ sông Hàn (Ảnh: Lê Hải)

Sáng nay, 14-1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI) tổ chức hội thảo công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Theo đó, năm 2009, Đà Nẵng đạt 75,96 điểm (trên thang điểm 100), tiếp tục tục dẫn đầu PCI, xếp vị trí thứ hai là Bình Dương (74,01 điểm).

Lào Cai (70,47 điểm), Đồng Tháp (68,54 điểm), Vĩnh Long (67,24 điểm) và Vĩnh Phúc (66,65 điểm) nằm trong nhóm có chất lượng điều hành xuất sắc. Cao Bằng, Đắk Nông và Bắc Kạn nằm cuối bảng xếp hạng.

Trong bảng xếp hạng năm 2009, TP.HCM đứng vị trí thứ 16, Hà Nội vị trí thứ 33, Hải Phòng vị trí thứ 46, Cần Thơ vị trí thứ 21, Quảng Nam vị trí thứ 25...

PCI là chỉ số đánh giá và xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trong việc tạo lập môi trường chính sách thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Đây là năm thứ 5 xây dựng và công bố chỉ số PCI, trong đó Bình Dương dẫn đầu 3 năm 2005, 2006 và 2007, sau đó bị Đà Nẵng vượt qua và dẫn đầu trong hai năm 2008 và 2009.

Bảng xếp hạng PCI năm 2009

Theo kết quả xếp hạng PCI, điểm trung vị năm nay tiếp tục tăng, điều đó thể hiện chất lượng công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh năm qua có nhiều tiến bộ. Trong 9 chỉ số thành phần, có nhiều chỉ số được cải thiện đáng kể.

Liên quan đến chi phí gia nhập thị trường, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, thời gian đăng ký kinh doanh bình quân đã giảm từ 12,25 ngày xuống còn 10 ngày. Hoặc chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước cũng đã có những cải thiện sau nhiều năm giậm chân tại chỗ. Tổng thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính của các nhà quản lý doanh nghiệp giảm từ 22% xuống còn 15%. Trong khi đó, thời gian trung bình của mỗi đợt thanh tra thuế cũng giảm từ 8 giờ xuống còn 5 giờ…

Kết quả này cho thấy việc cải cách hành chính đã có những tiến bộ.Ngoài hai chỉ số nói trên, ba chỉ số khác là tiếp cận đất đai, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý cũng được các doanh nghiệp đánh giá tốt hơn hẳn năm ngoái.

Còn đó những hạn chế 

Tính minh bạch, chỉ số thành phần có trọng số cao nhất, tuy đạt được những bước tiến dài trong nhiều năm qua nhưng lại thể hiện sự đảo chiều trong năm nay. Trước hết, khả năng tiếp cận các tài liệu kế hoạch của tỉnh giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng phải có “mối quan hệ” mới tiếp cận được các tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh đã trở về mức của năm 2006 (khoảng 61,26%).

Một chỉ số khác cũng không có sự cải thiện đáng kể là chi phí không chính thức. Có tới 52% số doanh nghiệp tại một tỉnh được xếp khoảng giữa tin rằng cán bộ tỉnh sử dụng các quy định riêng của tỉnh với mục đích trục lợi. Tỷ lệ này tăng so với năm 2008 và 2007 (37%). Kết quả này cũng phù hợp với phân tích ở trên về tính minh bạch.

Ngoài ra, 53% số doanh nghiệp cho biết cần phải trả hoa hồng khi tham gia đấu thầu để có được hợp đồng với các cơ quan nhà nước. Đây là những dấu hiệu đáng lo ngại về môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Đồng thời, năm 2009, cảm nhận của doanh nghiệp về tính năng động của chính quyền tỉnh cũng sụt giảm về mức của năm 2007.

Số doanh nghiệp tham gia điều tra: 9.890, trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm 35%, công ty TNHH 45%, công ty cổ phần 18%.

• Về lĩnh vực kinh doanh: hơn một nửa thuộc lĩnh vực dịch vụ hoặc thương mại; 32% thuộc lĩnh vực sản xuất và xây dựng.

• Về quy mô vốn: khoảng 43% số doanh nghiệp có vốn 1-5 tỉ đồng, 29% có vốn dưới 1 tỉ và 27% có vốn trên 5 tỉ đồng.

• Về quy mô lao động: 41% doanh nghiệp có 10-50 lao động, 6% có trên 200 lao động và 50 doanh nghiệp có trên 1.000 lao động.

ĐNĐT - TBKTSG

Đọc thêm