Thân thiện, nhiều cái lợi…
Tuyến số 8 đi từ Thọ Quang (quận Sơn Trà) đến đường Phạm Hùng (quận Cẩm Lệ) xuất phát 5 giờ đến 21 giờ hàng ngày, với tần suất 10 phút/chuyến vào giờ cao điểm và 20 phút/chuyến vào giờ bình thường, đi qua rất nhiều tuyến đường, trạm dừng chân. Đây là 1 trong 5 tuyến xe buýt được đưa vào hoạt động có trợ giá trên địa bàn Đà Nẵng từ ngày 10/12/2016.
Theo Giám đốc Sở GTVT thành phố, ông Lê Văn Trung, với 61 xe buýt tiêu chuẩn B40 được đầu tư mới, trang bị hệ thống điều hòa, hệ thống kiểm soát vé, niêm yết rõ ràng các thông tin về tuyến, cùng với chính sách trợ giá của thành phố, chính sách miễn phí ưu tiên các đối tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng, người khuyết tật, người cao tuổi, học sinh, sinh viên, công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, hộ nghèo… mong muốn sẽ thu hút được người dân và du khách sử dụng xe buýt cho nhu cầu đi lại của hàng ngày.
Hiện tại, các tuyến có giá vé chung 5.000 đồng/lượt. Đối với hành khách đi theo tháng có giá 45.000 đồng/tháng (áp dụng cho đối tượng ưu tiên); 90.000 đồng/tháng (áp dụng cho đối tượng không ưu tiên). Để khuyến khích người dân làm quen và sử dụng 5 tuyến buýt mới, UBND thành phố cũng phê duyệt chủ trương miễn phí cho mọi hành khách đi trên 5 tuyến xe buýt có trợ giá trong vòng 1 tháng kể từ ngày khai trương.
Với những người đã lựa chọn phương tiện này, khi được hỏi đều tỏ ra thích thú. Anh Hồ Nghĩa Hùng (ngụ quận Cẩm Lệ) cho biết, bước lên xe buýt trợ giá của Đà Nẵng, mọi người sẽ cảm nhận ngay sự khác biệt so với xe buýt công cộng trước đây. Đầu tiên, cánh cửa xe đóng mở hiện đại, bên trong không gian xe thoáng mát, sạch sẽ, ghế ngồi hành khách thiết kế rộng rãi, thoải mái. Đặc biệt, máy lạnh bật liên tục suốt hành trình. Trên xe còn có loa và bảng điện tử thông báo tự động về trạm dừng tiếp cho hành khách. Ngoài ra, góc xe còn đặt một túi cứu thương dùng để sơ cứu những trường hợp khẩn cấp. Mỗi hành khách lên xe đều được nhân viên soát vé hỏi nơi đến và hướng dẫn ghế ngồi.
Tương tự, bà Lê Thị Minh (ngụ đường Nguyễn Tất Thành) chia sẻ, nếu đã chọn phương tiện này, hầu hết hành khách trên xe đều tỏ ra thiện cảm. Bản thân bà, từ khi xe buýt trợ giá hoạt động, ngày nào bà cũng chọn để làm phương tiện di chuyển của mình. “Tôi khá bất ngờ và có cái nhìn khác về xe buýt ngay. Đi loại này sạch sẽ, bác tài và nhân viên rất vui vẻ. Tôi cũng không lo lắng quan sát điểm dừng vì có người nhắc nhở. Từ Thuận Phước (quận Hải Châu), tôi lên Hoà Minh (quận Liên Chiểu) hay ghé tới chợ Hoà Cường (quận Hải Châu) một cách dễ dàng. Người lớn như tôi đi xe buýt này rất tiện, có thể bồng theo trẻ con, không phải nhờ ai chở nữa”, bà Minh nói.
…nhưng người dân không mặn mà!
Tuy nhiên, dù đã đi vào hoạt động gần 2 tháng song phần lớn xe buýt thu hút rất ít người dân tham gia. Thậm chí, quan sát tại điểm dừng chân đường Dương Văn Nga (quận Sơn Trà), nhiều người dân lắc đầu tiếc nuối: “Từ lúc khai trương đến giờ, chưa thấy ai bước lên xe”.
Xuất phát từ bãi xe đường Xuân Diệu, tuyến số 7 đi qua các tuyến đường 3/2 - Trần Phú - Quang Trung - Trần Cao Vân… rồi quay trở lại, song trên xe này cũng chỉ có dăm, bảy hành khách. Đặc biệt, vẫn điệp khúc xe chạy qua nhiều chặng dừng mà không hành khách nào lên thêm.
Theo nữ nhân viên soát vé trên xe buýt số 7, hầu như các hành khách đi xe đều cảm nhận sự thích thú nhưng vẫn không thu hút thêm lượng người nào. “Có thể mới đầu bà con chưa quen với xe buýt nên đón xe chưa nhiều”, nữ nhân viên lý giải.
Nhà xe thì nói thế nhưng người dân lại có cái nhìn khác. Anh Nguyễn Lê Vân (ngụ đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu) cho biết, anh cảm thấy bất tiện bởi phải tới bãi xe Xuân Diệu mới có thể đón tuyến xe khác về lại. Thực tế, trên quãng đường không có trạm dừng liên thông giữa hai tuyến xe buýt.
Nói về vấn đề này, bà Lê Thị Minh phân tích thêm, rõ ràng bà cảm nhận được sự thân thiện của xe buýt nhưng trạm dừng đón xe xa quá. “Chẳng hạn như ở khu vực quận Liên Chiểu bà hay lên chơi, thông thường, tại đường Nguyễn Chánh thông với khu công nghiệp rất đông người đi, nhưng lại không có điểm dừng xe buýt nào. Người dân muốn đi xe buýt phải đi bộ mất hơn cây số mới tới trạm Xuân Thiều, như vậy rất bất tiện. Nhiều người thấy xa quá nên thôi. Cần mở thêm một trạm lên xuống giữa đường đoạn này sẽ thuận tiện hơn”, bà Minh thông tin và kiến nghị.
Tài xế lái xe buýt tuyến số 5 thừa nhận: “Đưa xe buýt vào hoạt động nhằm giảm ùn tắc giao thông, tuy nhiên, hành khách thường xuyên phản ánh, đi thì dễ nhưng khó đón tuyến về. Nếu có trạm liên tuyến để họ thuận tiện khi đi xe buýt sẽ thuận tiện hơn, chứ xuống xong họ lại phải đi bộ đoạn xa đón xe khác, họ ngại không muốn đi…”.
Trao đổi với PLVN, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng bày tỏ, trước khi đưa 5 tuyến xe trợ giá vào hoạt động, Sở đã thực hiện nhiều hình thức truyền thông đến người dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người dân chưa quan tâm sử dụng dịch vụ. Sắp tới, Sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội và các công sở, trường học để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt. Bên cạnh đó, sau thời gian vận hành, Sở sẽ điều tra, khảo sát, tham vấn người dân đi xe buýt, đánh giá tình hình hoạt động nhằm đề xuất thành phố nhiều giải pháp như: Điều chỉnh lộ trình cho phù hợp, tăng hoặc giảm số điểm dừng, giám sát biểu đồ xe chạy…