Đà Nẵng: Xem xét sai phạm tại Công ty CP Môi trường đô thị

(PLO) - Ngày 14/10, UBND TP Đà Nẵng cho biết vừa có văn bản yêu cầu Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở TN&MT xem xét trách nhiệm, năng lực của người đại diện vốn nhà nước tại Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng (Cty MTĐT) trong việc quản lý, điều hành để xảy ra những bất cập kéo dài.
Người dân tập trung phản ứng về việc bãi rác gây ô nhiễm

Giao Sở TN&MT chủ trì

Cụ thể, trong đó có việc chậm triển khai các giải pháp thu gom, xử lý rác, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống người dân tại Bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu).

UBND thành phố giao nhiệm vụ cho Sở TN&MT chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, các đơn vị liên quan và chỉ đạo Cty MTĐT Đà Nẵng tăng cường triển khai các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn thành phố, đảm bảo đúng quy định và hợp vệ sinh. Trước mắt, yêu cầu khẩn trương dọn dẹp vệ sinh tại Bãi rác Khánh Sơn và các khu vực bãi đất trống trên địa bàn các quận Sơn Trà và Liên Chiểu. Đồng thời có phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị tại các khu vực nêu trên; làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có liên quan trong việc quản lý các lô đất trống, gây ô nhiễm môi trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Doanh nghiệp nói gì?

Trước đó, giữa tháng 9/2018, UBND TP Đà Nẵng từng có Công văn yêu cầu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty MTĐT Đà Nẵng không để xảy ra tồn lưu rác và phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP và Giám đốc Sở TN&MT nếu để xảy ra tình trạng thiếu phương tiện, thiết bị vận chuyển rác thải như thời gian vừa qua.

Theo tìm hiểu của PV, Cty MTĐT Đà Nẵng đã tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu ngày 30/9/2015 và chính thức hoạt động với hình thức Công ty CP từ tháng 10/2015. Trong đó, Nhà nước nắm cổ phần chi phối 51%. Sau khi Cty cổ phần hóa, việc đảm bảo vệ sinh MTĐT trên địa bàn TP lại ngày càng đi xuống, gây bức xúc trong dư luận. Nhiều năm liền, người dân phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) thường xuyên kéo ra đường Hoàng Văn Thái, lối duy nhất dẫn vào bãi rác Khánh Sơn, tổ chức dựng lều để phản đối ô nhiễm gây mất an ninh. Đỉnh điểm vào những ngày cuối tháng 9 vừa qua, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Đàm Quang Hưng cùng cấp dưới cũng phải đến hiện trường và ở lại hàng tiếng đồng hồ vào trưa, chiều trong ngày để ghi nhận ý kiến của người dân.

Mới đây, vào ngày 9/10 ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có buổi đối thoại với công dân sống quanh khu vực Bãi rác Khánh Sơn. Ông Tuấn thừa nhận, mặc dù TP Đà Nẵng đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng lên, gây bức xúc cho người dân, dẫn đến phản ứng tiêu cực là chặn xe chở rác thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc di dời bãi rác cũng phải tuân thủ theo lộ trình, dự kiến di dời bãi rác vào năm 2022. Trước mắt, yêu cầu Cty lắp đặt 2 camera quan sát tại khu vực bãi đổ rác hiện tại để giám sát công tác xử lý rác thải. Thu hẹp phạm vi đổ rác còn khoảng 2.000m , đồng thời phủ đất với tần suất 2 ngày/lần. Tăng cường phun chế phẩm sinh học xử lý mùi hôi lên 6 lần/ngày. Đối với các loại chất thải của nhà máy bia và bùn cống, bùn thủy sản, tiến hành tách biệt ra khỏi rác thải sinh hoạt; tập trung về khu vực phía Tây của hộc rác số 5 và xử lý trong ngày…

Trao đổi với PLVN, ông Trần Văn Tiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP MTĐT Đà Nẵng giải thích, Đà Nẵng là địa phương duy nhất trên cả nước hoạt động theo nguyên tắc tự thu, tự chi, không sử dụng ngân sách nhà nước. Nếu không phục vụ tốt người dân, Công ty không có nguồn thu. Vì thế, khi xảy ra hiện tượng người dân đổ rác thải ra đường, Công ty nhận thức được đây là lỗi của mình và đã xây dựng hệ thống trang mạng xã hội riêng, thường xuyên tiếp nhận phản hồi của người dân để kịp thời khắc phục. Còn nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thu gom rác thải không đạt yêu cầu là do khối lượng rác phát sinh nhiều, nhưng lại thiếu xe vận chuyển. Với tốc độ phát triển của các khu dân cư ở Đà Nẵng như hiện nay, tình trạng này sẽ tiếp tục là vấn nạn với người dân thành phố. Bên cạnh đó, công tác thu phí vệ sinh môi trường cũng gặp nhiều khó khăn do các hộ dân chây ì hoặc trốn tránh đóng phí.

“Không có cơ sở gì phải tăng cường thêm lực lượng trong khi doanh thu không phát triển. Vấn đề sinh tử của Công ty là phải thu được tiền để tái đầu tư vì Công ty là mô hình cổ phần. Anh có nhu cầu nhưng anh không trả tiền, tôi không thể được phục vụ”, ông Tiên nói.

Đọc thêm