"Đã uống thì không lái"

Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG) cho biết, trong 10 ngày đầu năm Tân Mão có tới 500 người thiệt mạng, nguyên nhân chính vẫn là do lái xe uống rượu, bia khi tham gia giao thông.

Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG) cho biết, trong 10 ngày đầu năm Tân Mão có tới 500 người thiệt mạng, nguyên nhân chính vẫn là do lái xe uống rượu, bia khi tham gia giao thông.

Một vụ tai nạn liên hoàn do tài xế lái xe ô tô trong tình trạng say xỉn.

Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/7/2009, đã cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu, bia đối với lái xe ô tô khi tham gia giao thông và hạn chế đến mức rất thấp nồng độ cồn trong máu đối với người lái xe gắn máy.

Nghị định 34/CP/2010 cũng quy định rõ mức xử phạt tăng nặng với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà có nồng độ cồn trong máu, với mức phạt 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1lít khí thở, phạt 2-3 triệu đồng với người có nồng độ cồn vượt quá 50-80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4mg/1lít khí thở. Tuy nhiên, việc vi phạm vẫn không giảm, thậm chí nhiều người còn tỏ ra coi thường khi bị cơ quan chức năng xử lý thì còn biểu hiện chống đối, trốn tránh sự kiểm tra.

Theo thống kê của Viện Chiến lược chính sách y tế, có tới 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu, bia mang lại. Xu hướng này đang ngày càng gia tăng đáng lo ngại trong giới trẻ, qua điều tra về sức khỏe vị thành niên và thanh niên cho thấy: 69% nam và 28% nữ đã từng uống bia, rượu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã thống kê: Rượu, bia có liên quan đến 3,2% tổng số tử vong trên thế giới và 4% người mắc bệnh tật có liên quan đến bia, rượu (58,3 triệu người/năm). 

Chương trình “Hành động toàn cầu phòng, chống lạm dụng đồ uống có cồn” là hoạt động cộng đồng vừa chính thức được triển khai tại Việt Nam nằm trong dự án “Phòng, chống lạm dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện giao thông” nhằm cải thiện đáng kể tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn trong giai đoạn 2010-2012.

Chương trình do Ủy ban ATGTQG, Trung tâm Quốc tế về chính sách chất có cồn (ICAP) phối hợp cùng một số Tập đoàn sản xuất và kinh doanh đồ uống hàng đầu thế giới như Diageo, Pernod Ricard, Tập đoàn đồ uống Châu Á Thái Bình Dương (APB)... thực hiện, tập trung vào ba lĩnh vực chính là: Cải thiện tình trạng sử dụng đồ uống có cồn và điều khiển phương tiện; Tự chịu trách nhiệm về quảng cáo và tiếp thị sản phẩm; và Rượu bia phi thương mại.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ tư vấn cho các cấp quản lý địa phương, trung ương tình trạng sử dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện trên toàn cầu; đánh giá thực trạng sử dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện tại Việt Nam; các sáng kiến phòng chống lạm dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện khả thi; giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện...

Đà Nẵng là thành phố đầu tiên được lựa chọn thực hiện dự án, các học viên tham gia khóa học sẽ là cán bộ nòng cốt, tổ chức thực hiện dự án: Ban An toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông, cán bộ y tế, truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội... áp dụng được các kinh nghiệm quốc tế phù hợp với chương trình mục tiêu quốc gia, phù hợp với tập quán văn hóa dân cư và môi trường xã hội ở địa phương.

Ông Brett Bivans - Phó Chủ tịch ICAP cho biết: Chương trình này được phát động trong khuôn khổ một chủ trương thống nhất và toàn diện hơn về chính sách chất có cồn ở Việt Nam, hướng đến kết quả là người sản xuất, người chưng cất rượu bia và các bộ, ban ngành của Chính phủ cùng hợp tác để cải thiện tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn, nhằm giảm số vụ tai nạn giao thông do dùng rượu bia và chất có cồn khi tham gia giao thông và điều khiển phương tiện giao thông.

Đức Trường 

Đọc thêm