Sông Đà Thăng Long cam kết sẽ tái khởi động lại dự án Usilk City từ 30/9 đối với cụm CT1, sau đó sẽ tái khởi động đối với các tòa còn lại từ 10/10. Tuy nhiên, không ít khách hàng lo ngại liệu có dính “bẫy” của chủ đầu tư nếu cả tin thực hiện ký lại phụ lục hợp đồng.
Nhiều khách hàng lo chủ đầu tư Usilk City “cài cắm” điều khoản bất lợi khi ký lại phụ lục hợp đồng. Ảnh minh họa |
Chuẩn bị thi công trở lại
Những ngày này, tại công trường dự án Usilk City, khách hàng có thể nhận thấy chủ đầu tư đang cho dọn dẹp “để lấy chỗ chuyển máy móc chuẩn bị cho tái khởi động lại dự án”.
Việc dự án này tiếp tục thi công thời điểm nào đang là vấn đề được thị trường BĐS Hà Nội quan tâm, bởi đây là dự án lớn, có hàng ngàn khách hàng, và chủ đầu tư đã thu đủ 100% tiền của nhiều người trong số đó, nhưng dự án đã nằm đắp chiếu gần 1 năm nay. Dự án cũng thu hút được sự chú ý của dư luận bởi những lùm xùm liên quan đến dòng tiền, vấn đề tỷ giá, sàn thương mại,…
Trong buổi làm việc mới đây với khách hàng, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Sông Đà Thăng Long cam kết sẽ tái khởi động và tiếp tục thi công các tòa nhà của Usilk City. Cụ thể đối với các tòa CT1 – 101, 102 và 103 bắt đầu từ 30/9/2012 và các tòa còn lại từ 10/10/2012. Hiện tòa 102 đã cất nóc, tòa 101 đã xây xong thô đến tầng 25 và 103 đến tầng 30. Theo như cam kết của Sông Đà Thăng Long thì cụm công trình này sẽ bàn giao nhà từ tháng 3 đến tháng 6/2013.
Để dự án Usilk City có thể triển khai tiếp, nhiều ngân hàng đã phải “vào cuộc”. Suốt mấy tháng nay, nhiều khách hàng của dự án đã được mời đến ký lại phụ lục hợp đồng, trong đó tiền sẽ được đóng vào tài khoản của ngân hàng. Đổi lại, ngân hàng sẽ cho chủ đầu tư vay tiền để tiếp tục thi công dự án. Thông tin khách hàng nhận được, BIDV, MB… sẽ tiếp tục tham gia vào việc cung cấp tín dụng cho dự án này. Các tổ chức tín dụng cùng chia sẻ tài sản đảm bảo, tỷ lệ tài sản đảm bảo tối thiểu tương ứng với tỷ lệ cho vay của BIDV Thanh Xuân so với các tổ chức tín dụng khác.
Được biết, hiện nay tiền chủ đầu tư thu được từ khách hàng là 4.062 tỷ, số tiền còn lại phải thu theo hợp đồng là 4.606 tỷ. Chi phí đã thực hiện dự án là 4.100,8 tỷ, chi phí còn phải chi là 4.577 tỷ.
Vừa hy vọng vừa lo ngại
Khách hàng của dự án Usilk city đã phải trải qua thời gian dài chứng kiến dự án đắp chiếu, trong khi lại nhận đủ những thông tin khác nhau, đa phần là thông tin thiếu tích cực về tương lai dự án. Một khách hàng cho biết, giờ nghe thông tin dự án có thể khởi động lại, khách hàng tràn trề hy vọng có thể có cơ hội được nhận nhà.
Tuy nhiên, một khách hàng của tòa 103 bày tỏ, việc ký lại phụ lục hợp đồng là chuyện nhỏ, nhưng anh này phân vân khi hiện nay hệ số tổng Nợ/ tổng tài sản của chủ đầu tư khá cao, và như thế nếu ký phụ lục hợp đồng để họ có thể vay tiền thì cũng là đang tạo điều kiện cho chủ đầu tư gia tăng công nợ. “Công nợ của chủ đầu tư càng cao, càng chồng chéo thì khi xảy ra vấn đề gì người mua nhà sẽ thiệt nhiều hơn” – khách hàng này lo lắng.
Nguy cơ bị “cài cắm” các điều khoản hoặc các kẽ hở pháp luật nào đó để bắt bí người mua nhà sau này cũng là một điều mà các khách hàng lo ngại. “Liệu việc ký phụ lục hợp đồng có bất lợi cho khách hàng không, ví như liên quan đến quyền rút tiền, đơn phương chấp dứt hợp đồng, phạt… Nếu đồng ý ký phụ lục hợp đồng, có nghĩa khách hàng phải chịu thêm một áp lực là thực hiện nghĩa vụ với ngân hàng số tiền còn lại. Liệu có rắc rối gì phát sinh từ vấn đề này không?” – chị Thương, một khách hàng tòa CT1-102, bày tỏ.
Một khách hàng đồng ý ký phụ lục hợp đồng bày tỏ, khách hàng đồng ý ký phụ lục chứ “chưa bao giờ thoả thuận hay chấp nhận gia hạn thời gian bàn giao nhà trong hợp đồng mua bán. Thế mà chủ đầu tư lại viết là khách hàng đồng ý gia hạn thời gian bàn giao nhà khi ký phụ lục này. Như thế là không hợp lý”.
"Theo phụ lục hợp đồng, BIDV Thanh Xuân được quyền thu nợ trước đối với phần nguồn thu còn lại của dự án. Như vậy, chúng tôi trở thành con nợ của BIDV ư” – một khách hàng khác bày tỏ.
Thừa nhận rằng mình có “lo xa” một chút, nhưng anh Hiếu, khách hàng mua căn hộ tòa CT1-103 cho rằng, nộp tiền qua ngân hàng là tốt hơn vì ngân hàng sẽ quản lý luồng tiền và đảm bảo đúng mục đích sử dụng khoản tiền đó vào công việc xây dựng tòa nhà đó. “Dù sao, điều đó khiến tôi có cơ hội nhận nhà hơn” – anh Hiếu nói.
Bách Nguyễn