Là một trong những chương trình chính tại Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018, nên lễ hội thu hút sự quan tâm đông đảo của người dân và du khách đến với Gia Lai.
Lễ hội đường phố diễn ra lúc 15h - 17h ngày 30/11, xuất phát từ nhà Thiếu nhi tỉnh rồi đi qua các đường như Hoàng Văn Thụ - Trần Phú - Trần Hưng Đạo – Quang Trung - Lê Lợi – Đường D1, Quảng trường Đại Đoàn Kết.
Ở mỗi đoạn đường mà đoàn đi qua đều nhận được những tràng vỗ tay, reo hò của người dân đứng hai bên theo dõi. Một du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh phấn khởi: “Tôi đã tham dự rất nhiều lễ hội, nhưng khi đến với lễ hội này, thực sự bản thân đã bị lôi cuốn ngay từ đầu. Bản sắc văn hóa Tây Nguyên được thể hiện rõ nét qua từng chương trình cụ thể. Ở lễ hội đường phố này, khi được hòa mình vào không khí sôi động của tiếng cồng, tiếng chiêng bản thân tôi như bị mê hoặc theo từng điệu nhảy. Một kho tàng văn hóa lớn mang đậm bản sắc Tây Nguyên đã được khắc họa sống động qua từng cử chỉ, hành động trong lễ hội”.
Lễ hội đường phố đã tạo nên một không khí sôi động ở phố núi Pleiku, với sự đa dạng màu sắc văn hóa, cộng hưởng giữa tài năng trình diễn của các nghệ sĩ, nghệ nhân cùng với sự cổ vũ đầy hào hứng, nhiệt tình của người dân và du khách.
Người dân Gia Lai bày tỏ hạnh phúc và tự hào khi bản hùng ca cồng chiêng vang lên. Với họ, đây là lễ hội lớn nhất trong năm trên địa bàn tỉnh nên sự háo hức, đợi chờ đã được đền đáp một cách xứng đáng.
“Tôi thực sự rất hạnh phúc khi được hòa mình vào lễ hội này. Với Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng thì cồng chiêng không thể thiếu trong các ngày lễ. Hôm nay, tôi đứng đây, được hòa mình vào đoàn diễu hành trên các tuyến phố trong nội đô với niềm hân hoan và hạnh phúc viên mãn”, anh Ksor Min, một người dân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Gia Lai, chia sẻ.
Đây là sự kiện văn hóa lớn có ý nghĩa, góp phần quan trọng cho thành công Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018, khẳng định và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam; Tôn vinh nét văn hóa đặc sắc, động viên khích lệ nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, sáng tạo những giá trị văn hóa mới của đồng bào các dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới.