Đặc sản trà lá sen ở xứ sở sen hồng

(PLO) - Từ lâu, người dân vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp rất tự hào về “đặc sản” sen của mình. Sen gắn bó với đời sống vật chất, tinh thần của người dân; sen là một loại dược liệu quý để chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe con người; sen đi vào ca dao, thơ phú, văn chương, điện ảnh; sen chứng kiến những mối tình sắt son, chung thủy. Không những thế, sen còn là một trong những cây trồng giúp bà con nông dân vượt khó, làm giàu.
Đặc sản trà lá sen ở xứ sở sen hồng

Trước đây, một số nông dân ở huyện Tam Nông tận dụng các ao-hầm, đìa bàu, mương vườn… cạnh nhà trồng sen chỉ để làm cảnh cho đẹp. Nhưng, từ khi thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, nông dân huyện Tam Nông đã chuyển đất ruộng làm lúa kém hiệu quả sang trồng sen bán gương, ngó và hạt… để kiếm nguồn thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, gần đây không ít nông dân ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông đã chuyển sang trồng sen lấy lá tươi bán cho Công ty Cổ phần Tứ Quý Đồng Tháp để chế biến trà lá sen, tạo nguồn lợi nhuận đáng kể cho nông dân. 

Năm 2016, bà Nguyễn Thị Kiêl ở ấp Phú Thọ C, xã Phú Thọ đã chuyển 10.000m2 đất ruộng làm lúa kém hiệu quả sang trồng sen Đài Loan bán gương. Sau khi thu hoạch, bán gương sen đạt lợi nhuận thấp nên bà Kiêl chuyển sang trồng sen bán lá tươi cho Công ty Cổ phần Tứ Quý Đồng Tháp (tọa lạc tại xã Phú Thọ, huyện Tam Nông) để chế biến trà lá sen.

Sau hơn 70 ngày chăm sóc, bước đầu bà Kiêl đã thu cắt được trên 500 kg lá sen tươi, bán 5.000đồng/kg, thu nhập hơn 2,5 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, bà Kiêl còn lãi gần 2 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Kiêl hiện đang tiếp tục thu cắt lá sen tươi bán cho Công ty Cổ phần Tứ Quý…

Bà Kiêl vui vẻ cho biết: “Lấy lá thì dễ còn lấy gương thì khó lắm, mắc xịt thuốc đủ thứ hết trơn. Ví dụ còn giữ chuột cắn phá nữa. Còn lấy lá thì không hao tốn nhiều mà thu hoạch ngon hơn trồng sen lấy gương. Từ đó, lợi nhuận nhiều hơn lấy gương! Lấy gương, khi bạn hàng có nhiều quá nó nhủng giá mình. Còn lá này anh Bình mua bao tiêu hết. Giá cả thì mua chết giá, thành ra tôi bán cho anh Bình”. 

Đúng như chia sẻ của bà Kiêl, trồng sen lấy lá ít chi phí hơn. Sau khoảng 2 tháng trồng là có thể hái lá và thu hoạch liên tục trong 3 đến 4 tháng. Nếu chăm sóc tốt thì có thể cho thu hoạch cả lá và gương. Anh Lê Văn Thuận ở ấp Thống Nhất, xã Phú Thọ trồng 23.000m2 sen Thái, nhờ chăm sóc tốt anh vừa thu hoạch cả gương và lá nên có nguồn thu nhập tăng thêm rất đáng kể. Sau khi bán được được hơn 1 tấn lá sen tươi với giá 5.000đ/kg, trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, anh Thuận thu lãi gần 03 triệu đồng.

Ông Lê Văn Thuận cho biết: “Trước đây, tui trồng lấy gương, nhưng sau này bên Cty Tứ Quý triển khai mô hình thu lá sen để làm trà sen tui tận dụng vừa lấy gương, bên cạnh đó thì tui hái lá bán trực tiếp cho Cty Tứ Quý luôn. Tui thấy hai mô hình kết hợp nhau có hiệu quả. Thấy bên Công ty Tứ Quý thu mua lá sen rất dễ dàng cho bà con chúng tui, chúng tui dự định nếu mô hình lá có hiệu quả thì tui sẽ chuyển hẳn qua trồng để lấy lá bán cho Công ty Tứ Quý để sản xuất trà lá sen”.

Nông dân huyện Tam Nông đã trồng trên dưới 100 ha sen bán gương, ngó và hạt. Trong đó, xã Phú Thọ là địa phương có diện tích trồng sen cao nhất huyện, với gần 50ha. Từ tháng 11/2016 đến nay, đã có khoảng 10 ha trồng sen lấy lá tươi bán cho Công ty Cổ phần Tứ Quý Đồng Tháp để sản xuất trà lá sen. Theo ông Đỗ Công Bình - Giám đốc Cty Cổ phần Tứ Quý Đồng Tháp cho biết: Trung bình mỗi ngày, Công ty thu mua từ 400 - 600 kg lá sen tươi chế biến ra trà lá sen mang tên “Tứ Quý”.

Ông Đỗ Công Bình cho biết: “Tiêu chuẩn để sử dụng lá sen không phải lá nào cũng sử dụng được. Lá sen không phải lá non mà cũng không phải lá quá già. Tức là lá vừa đủ độ của nó. Theo cảm quan, mặt trên, mặt dưới lá đều màu xanh đậm đẹp. Tức là không bị bệnh hay những vết sâu. Nhưng khi mình mua của bà con nông dân là mua chung không phân loại 1, loại 2. Giống như mua xô vậy đó. Về mình chọn lọc ra những lá nào mình sử dụng được thì mình sử dụng, lá nào không sử dụng được thì mình bỏ đi…”. 

Trung bình 13 kg lá sen tươi, sau khi xắt sợi, sấy khô, xay nhuyễn sẽ cho ra một ký trà sen thành phẩm. Hiện tại, Công ty Cổ phần Tứ Quý Đồng Tháp chế biến thành 2 loại trà lá sen xắt sợi loại vô bịch 80gram và 160gram, loại trà xay nát thành bột vô túi lọc đóng hộp 30 túi (60gram) và 45 túi (90gram)…

Để tạo được vùng trồng sen lấy lá tươi nguyên liệu cung cấp cho Công ty sản xuất trà lá sen ổn định và bền vững, cũng như giúp nông dân địa phương an tâm trồng sen lấy lá… Công ty Cổ phần Tứ Quý Đồng Tháp hiện đang liên kết bao tiêu lâu dài sản phẩm lá sen của người trồng sen. Hiện nay, từ 10 ha trồng sen lấy lá đang được Công ty thu mua ổn định, với giá 5.000đ/kg. Dự kiến tới đây, Công ty sẽ mở rộng liên kết tiêu thụ lá sen tươi lên khoảng 30ha…

Ông Đỗ Công Bình cho biết: “Bước đầu, Công ty đang làm thủ tục đối với bà con để tiến tới làm chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, để hướng cho bà con người ta trồng. Bởi vì, mình đang lấy lá thì lá bao giờ cũng là lá sạch không sử dụng thuốc trừ sâu thì mình mới sử dụng được. Tại vì, đây là sản phẩm lá để làm trà mà. Về mặt thủ tục hành chánh nữa là mình phải ký hợp đồng với bà con nông dân liên kết lâu dài để mang tính chất ổn định, nhằm ổn định nguồn nguyên liệu của mình và cũng để cho bà con an tâm. Trồng sen là tui sẽ bán lá được, Công ty sẽ đảm bảo mua cho tôi có hiệu quả!”.

Việc chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen lấy lá bán cho Công ty sản xuất trà lá sen ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, nhằm góp phần thực hiện thành công Đề ái Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, mang lại nguồn thu nhập kinh tế gia đình bền vững cho nông dân, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển. 

Đọc thêm