Đại án buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu: Thu lợi bất chính 102 tỷ đồng hay 156 tỷ đồng?

(PLVN) -  Hôm qua (28/10), phiên tòa xét xử vụ án buôn lậu xăng dầu liên tỉnh (giai đoạn 1 Chuyên án 920G) đã bước vào phần xét hỏi. 74 bị cáo bị TAND tỉnh Đồng Nai đưa ra xét xử về các tội “Buôn lậu”, “Nhận hối lộ”.
Bị cáo Phan Thanh Hữu .

Theo hồ sơ vụ án, Phan Thanh Hữu (GĐ Cty TNHH Thương mại Phan Lê Hoàng Anh), Đào Ngọc Viễn (SN 1968, ở TP HCM) và một số người khác đã góp 53,4 tỷ đồng để mua xăng lậu từ Singapore về Việt Nam. Từ đây, xăng lậu được bán cho hàng loạt công ty, cửa hàng xăng dầu ở khu vực phía Nam và bán qua Campuchia.

Cơ quan chức năng xác định từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, nhóm của Hữu vận chuyển 48 chuyến với tổng số hơn 198 triệu lít xăng lậu (trị giá gần 2.800 tỷ đồng). Trong đó, hơn 196 triệu lít xăng đã được tiêu thụ.

Số tiền thu được từ việc bán xăng nhập lậu vào Việt Nam sau khi trừ đi chi phí vận chuyển và chi phí đưa hối lộ cho các cá nhân trong các cơ quan chức năng (quân đội, hải quan…) Hữu được hưởng 40% lợi nhuận, những người khác được hưởng 60% lợi nhuận.

Sau bục khai báo, bị cáo Đào Ngọc Viễn khai mình không biết buôn bán mà chỉ biết làm nghề vận tải. Theo lời khai của Viễn, ban đầu ông chỉ hợp đồng vận chuyển xăng cho bị cáo Phan Thanh Hữu. Tuy nhiên sau đó, bị cáo Hữu đề nghị góp vốn để mua xăng từ Singapore chở về Việt Nam thì ông mới cùng với một số người khác góp vốn để mua xăng. “Bị cáo không nghĩ mình vi phạm pháp luật, vì bị cáo Hữu là người điều hành mua bán xăng, còn bị cáo chỉ làm vận tải”, bị cáo Viễn nói và cho biết khi bị cáo Hữu bị bắt, ông được người nhà báo có Công an Đồng Nai tìm nên mới ra đầu thú. Sau khi cơ quan điều tra giải thích, Viễn mới nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. “Bị cáo rất ân hận”, Viễn nói tại tòa.

Bị cáo Đào Ngọc Viễn

Về số tiền thu lợi bất chính hơn 46 tỷ đồng, ông Viễn cho rằng con số này trong cáo trạng là sai. Bị cáo Viễn phân trần, cho rằng lúc bắt đầu kết hợp làm ăn với Hữu, giữa hai người đã xảy ra mâu thuẫn về việc ăn chia lợi nhuận, có nhiều tháng, ông và các đồng phạm khác được chia lời rất ít. Do đó, bị cáo Viễn mong Hội đồng xét xử xem xét lại. “Thực chất số tiền thu lợi chỉ khoảng 36 tỷ đồng”, bị cáo Viễn nói.

Và theo lời bị cáo Viễn, có những lúc tiền chiết khấu bán hàng bị Hữu giấu, bỏ túi riêng một ít mà không chia cho những người khác. Dù biết song do cần tiền nên Viễn làm lơ.

Phản bác lại lời khai của bị cáo Viễn, bị cáo Phan Thanh Hữu nói rằng việc mua bán xăng là do Viễn phụ trách vì bản thân Hữu không biết tiếng Anh. “Việc chuyển tiền là do A Hùng (chưa rõ lai lịch) thực hiện, bị cáo chỉ là trung gian”, bị cáo Hữu nói.

Khi bị hỏi về việc nhập xăng lậu ra sao, bị cáo Hữu khai đã đưa các tàu Nhật Minh ra ngoài biển để nhận xăng ở hai tàu Pacific Ocean, Western Sea nhập về. Để ra biển tiếp nhận xăng lậu, Hữu gọi cho thuyền trưởng hai tàu trên. Tuy nhiên, để hai tàu này vào được, Hữu phải làm việc và xin cảnh sát biển, biên phòng. Họ cho thì tàu chở xăng ở Singapore mới vào giao xăng cho các tàu của Hữu điều ra được.

Về cách thức mua hóa chất pha xăng, bị cáo Hữu khai khi bán xăng lậu ra thị trường thì bị khách hàng chê vì xăng có màu trắng. Do đó, Hữu đã lên mạng móc nối với một người để được hướng dẫn mua hóa chất về pha chế vào xăng lậu cho có màu vàng như thị trường rồi bán cho các đầu mối đưa đi tiêu thụ.

Quá trình khai báo, bị cáo Hữu cũng phân bua, cho rằng số tiền bản thân thu lợi bất chính là 102 tỷ đồng chứ không phải 156 tỷ đồng như cáo trạng truy tố. “Số lượng xăng lậu đưa về Việt Nam khoảng 197 triệu lít, trong đó 70 triệu lít được đưa qua Campuchia bán. Thế nên, số xăng tiêu thụ ở Việt Nam chỉ còn 127 triệu lít, tức số tiền thu lợi bất chính là ít”, bị cáo Hữu nói.

Đọc thêm