Quá trình xét hỏi cho thấy, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng của VKSNDTC đã truy tố.
Theo cáo trạng, tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án có đủ cơ sở xác định bà Hứa Thị Phấn lợi dụng việc nắm giữ gần 85% vốn điều lệ của TrustBank, là cổ đông lớn của ngân hàng, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của TrustBank… nên đã thâu tóm, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của HĐQT, Ban điều hành và cán bộ, nhân viên 2 Chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang thông qua Bùi Thị Kim Loan (Kế toán Công ty Phú Mỹ và là một trợ thủ đắc lực của bà Phấn).
Bị cáo Phấn chỉ đạo lãnh đạo và các cán bộ, nhân viên TrustBank – chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang thuộc Phòng Kế toán và Phòng Ngân quỹ thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc lập và hạch toán chứng từ thu, chi khống không sử dụng tiền mặt, thực hiện giao dịch… Sau đó mới lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục để bị cáo Hứa Thị Phấn lấy tiền và sử dụng bất hợp pháp với tổng gần 5,3 ngàn tỷ đồng.
Không chỉ thế, bà Hứa Thị Phấn còn lợi dụng Công ty Phương Trang là doanh nghiệp có nhiều bất động sản dùng làm tài sản bảo đảm, muốn vay tiền mở rộng hoạt động kinh doanh, bị cáo Phấn đã chỉ đạo buộc Công ty Phương Trang ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt; phê duyệt cho vay và giải ngân không thông báo cho công ty này.
Quá trình giải ngân cho vay, bị cáo Phấn đã không giải ngân hoặc giải ngân không đủ tiền vay cho Công ty Phương Trang. Sau đó, Hứa Thị Phấn và đồng phạm lập các chứng từ chi khống để cấn trừ với các chứng từ thu khống để không làm chênh lệch tồn quỹ tiền mặt thực tế so với số liệu tiền mặt trên sổ sách, che giấu hành vi phạm tội và đẩy dư nợ khống cho Công ty Phương Trang.
Nhận thấy hành vi này của Hứa Thị Phấn có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nên trong quá trình điều tra, VKSNDTC đã có yêu cầu điều tra làm rõ hành vi chiếm đoạt để xử lý nhưng Cơ quan điều tra chỉ kết luận về hành vi cố ý làm trái. Do đó, VKSNDTC đề nghị HĐXX tiếp tục làm rõ hành vi chiếm đoạt của Hứa Thị Phấn.
Cũng theo cáo trạng, đến cuối năm 2017, trên sổ sách tại ngân hàng CB, Công ty Phương Trang (gồm 13 công ty và 13 cá nhân) còn dư nợ gốc của 46 khoản vay và 1 khoản phát hành trái phiếu là hơn 9,4 ngàn tỷ đồng (không tính khoảng nhận nợ bắt buộc 35 tỷ đồng của Công ty Phương Trang).
Quá trình điều tra đến nay, xác định Công ty Phương Trang đã thực nhận hơn 3,9 ngàn tỷ đồng và phải chịu trách nhiệm thanh toán số tiền này cho ngân hàng (chưa tính lãi). Số tiền gốc còn lại là hơn 5,4 ngàn tỷ đồng, ngân hàng hạch toán là khoản dư nợ vav của Công ty Phương Trang, đến nay không thu hồi được, gây thiệt hại cho TrustBank (nay là Ngân hàng CB).
Còn lại hơn 208 tỷ đồng nằm trong số tiền hơn 4,5 ngàn tỷ đồng thủ quỹ chính Ngô Thị Ngân (là cháu Hứa Thị Phấn) nhận tiền mặt từ NHNN, không đem về nộp vào kho quỹ ngân hàng theo Lệnh điều chuyển vốn, mà tự ý đem đến phòng làm việc của Hứa Thị Phấn tại tầng 6 Tòa Nhà Lam Giang (không phải trụ sở ngân hàng) giao cho khách hàng mà không ký chứng từ. Đến nay không chứng minh được ai sử dụng số tiền này, gây thiệt hại cho TrustBank, nay là Ngân hàng CB, nên bị can Ngô Thị Ngân phải chịu trách nhiệm về sổ tiền này.
Hành vi của Hứa Thị Phấn, thông qua Bùi Thị Kim Loan, chỉ đạo nhân viên Công ty Phú Mỹ và nhân viên TrustBank thuộc Chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang (các đồng phạm), lập khống chứng từ thu để giúp bị can Phấn lấy hơn 5,2 ngàn tỷ đồng sử dụng bất hợp pháp. Trong đó, Hứa Thị Phấn trực tiếp ký 11 chứng từ thu khống hơn 416 tỷ đồng.
Hành vi cố ý làm trái của Hứa Thị Phấn và đồng phạm, trong việc hạch toán thu - chi khống vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho TrustBank hơn hơn 5,2 ngàn tỷ đồng và đẩy dư nợ cho Công ty Phương Trang như trên là vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước, của Ngân hàng Nhà nước cũng như của ngân hàng TrustBank./.