Đại án OceanBank: Ocean Bank có thiệt hại 1.576 tỷ đồng?

(PLO) - Tại phiên xét xử sáng ngày 9/9, ông Đỗ Anh Quân (đại diện Đoàn giám định của Ngân hàng Nhà nước khai: “Cơ quan Cảnh sát điều tra với các số liệu cung cấp đã xác định thiệt hại. Chúng tôi chỉ xác định những sai phạm và vi phạm theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)”. Lời khai bất ngờ của ông Quân đã hướng sự quan tâm của dư luận vào các vấn đề: Con số thiệt hại trên 1576 tỷ đồng của Ocean Bank do cơ quan nào xác định? Và việc xác định đó dựa trên cơ sở nào? 
Ông Đỗ Anh Quân tại tòa án
Ông Đỗ Anh Quân tại tòa án

Nội dung giám định của NHNN

Ngày 18/6/2915, Cơ quan Điều tra – Bộ Công an có Quyết định trưng cầu giám định tư pháp, nội dung yêu cầu NHNN giám định về một số nội dung liên quan đến vụ án Ocean Bank, trong đó yêu cầu giám định số tiền Ocean Bank chi trả lãi ngoài huy động vốn 1.576 tỷ đồng có trái với quy định của pháp luật, của NHNN không? Nếu có đã gây thiệt hại cho Ocean Bank là bao nhiêu?

Ngày 28/7/2015, Thống đốc NHNN ban hành các quyết định thành lập Đoàn giám định và cử cán bộ tham gia giám định Tư pháp theo yêu cầu của Cơ quan Điều tra. Về số tiền Ocean Bank chi trả lãi ngoài huy động vốn 1.576 tỷ đồng, Bản Kết luận giám định số 4605/KLGĐ-NHNN ngày 20/6/2016 của NHNN xác định như sau (tóm tắt):

Thứ nhất, nguồn tiền chi trả lãi ngoài và chi cho mục đích khác tại Ocean Bank từ năm 2011 đến năm 2014. Việc hạch toán vào tài khoản chi phí trả lãi tiền gửi (TK801) không có hóa đơn chứng từ, tài liệu chứng minh mục đích chi hợp lệ theo quy định số tiền 988.342.225.961 đồng. Con số này được xác định từ tài khoản bà Vũ Thị Thùy Dương 104.356.540.865 đồng; Từ tiền mặt 162.462.315.781 đồng hoàn ứng; Từ nguồn tạm ứng của Ocean Bank đến nay chưa hoàn: 331.077.090.000 đồng.

Thứ hai, việc sử dụng số tiền 1.576.012.242.219 đồng được xác định: Lãnh đạo Ocean Bank trực tiếp nhận và chi trả 1.022.882.970.500 đồng; Hội sở Ocean Bank chuyển cho các chi nhánh chi trả 475.641.592.438 đồng; Hội sở chuyển tiền chi trả lãi ngoài vào tài khoản khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại các Chi nhánh 66.413.529.737 đồng; Bà Nguyễn Thị Minh Thu sử dụng chi trả lãi ngoài 11.074.149.544 đồng.

Thứ ba, số liệu Ocean Bank chi trả lãi ngoài từ năm 2011 đến năm 2014 là 1.080.947.332.972 đồng, trong đó số tiền chi vượt trần lãi suất huy động theo quy định của NHNN  là984.748.194.517 đồng, cụ thể: Chi trả lãi ngoài cho khách hàng là tổ chức kinh tế, đối tác chiến lược 730.616.608.476 đồng, trong đó chi vượt trần lãi suất huy động theo quy định của NHNN 640.542.512.231 đồng ; Chi trả lãi ngoài cho khách hàng là hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại các Chi nhánh (bao gồm các khoản Chi nhánh trực tiếp chi và các khoản Hội sở chuyển vào tài khoản khách hàng) là 350.330.724.496 đồng, trong đó chi vượt trần lãi suất huy động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước 344.250.682.286 đồng.

Ở đây cần nói thêm rằng, NHNN căn cứ chủ yếu vào Hồ sơ của Cơ quan Điều tra để xác định các số liệu. Trong đó có nhiều số liệu đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được kiểm chứng. Ví dụ như về ông Nguyễn Xuân Sơn, Bản Kết luận giám định (trang 13) nêu: “Ông Nguyễn Xuân Sơn nhận 246.603.989.000 đồng từ Ocean Bank chi trả lãi ngoài cho PVN thông qua ông Nguyễn Xuân Thắng: 226.603.989.000 đồng và ông Võ Việt Trung 20.000.000.000 đồng trên cơ sở số dư huy động bình quân của PVN tại Ocean Bank”.

Như vậy, số tiền hơn 246 tỷ đồng do ông Sơn nhận của Ocean Bank đã được NHNN thống kê vào tổng số tiền chi trả lãi ngoài, nhưng Cáo trạng của Viện Kiểm sát lại quy buộc ông Sơn chiếm đoạt số tiền này. Nếu tin vào cáo buộc của viện kiểm sát, thì các số liệu giám định của NHNN sẽ không còn chính xác.

Căn cứ các số liệu nêu trên, NHNN kết luận số tiền Ocean Bank chi trả lãi ngoài huy động vốn 1.576 tỷ đồng là vi phạm quy định của pháp luật về chế độ kế toán thống kê; vi phạm các quy định của NHNN về trần lãi suất huy động vốn tối đa bằng VND, USD từng thời kỳ; vi phạm quy định nội bộ về chế độ tài chính do chính Ocean Bank ban hành.

Riêng về kết quả giám định thiệt hại cho Ocean Bank, NHNN đưa ra con số 1.319.419.315.961 đồng (không phải trên 1.576 tỷ đồng). Tuy nhiên, bản Kết luận giám định không hề có chữ nào nói đây là thiệt hại của Ocean Bank, mà chỉ xác định đây là số tiền vi phạm, như trích nguyên văn tại trang 20: “Như vậy, từ năm 2011 đến năm 2014 những vi phạm về chế độ kế toán thống kê và vi phạm các quy định về trần lãi suất huy động của NHNN, Ocean Bank đã hạch toán ghi nợ tài khoản chi phí trả lãi tiền gửi không có chứng từ chứng minh các khoản chi hợp lệ theo quy định 988.342.225.961 đồng và 331.077.090.000 đồng tạm ứng từ hoạt động nghiệp vụ đến nay chưa hoàn ứng, Ocean Bank đã trích dự phòng 100% khoản tiền tạm ứng này, tổng cộng 1.319.419.315.961 đồng”.

Theo nội dung Kết luận giám định, thì phải chăng ông Đỗ Anh Quân đã đúng khi cho rằng: “ Cơ quan Cảnh sát điều tra với các số liệu cung cấp đã xác định thiệt hại đó rồi. Chúng tôi chỉ xác định những sai phạm và vi phạm theo các quy định của NHNN”?

Căn cứ nào để xác định thiệt hại của Ocean Bank?

Mặc dù Cơ quan Điều tra ra Quyết đinh trưng cầu giám định về thiệt hại của Ocean Bank và NHNN đưa ra con số 1.319.419.315.961 đồng, song Kết luận điều tra và Cáo trạng của Viện Kiểm sát lại xác định thiệt hại của Ocean Bank là 1.576.012.242.219 đồng do hành vi Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế của Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và các đồng phạm. Cho thấy Cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát đã tự mình xác định thiệt hại của Ocean Bank mà không căn cứ vào Kết luận giám định của NHNN.

Quan điểm của cơ quan tố tụng về thiệt hại của Ocean Bank gặp phải sự phản đối gay gắt từ phía các bị cáo. Nhiều bị cáo cho rằng, việc chi tiền ngoài lãi suất thậm chí làm lợi cho Ocean Bank và giúp Ngân hàng này vượt qua khủng hoảng. Theo Bị cáo Hà Văn Thắm: “Nếu không chi tiền, chúng tôi sẽ không huy động được vốn, không có vốn để kinh doanh dẫn đến không có lãi. Vốn huy động được theo Báo cáo tài chính, Ocean Bank đã sử dụng cho vay có lãi, lãi suất cho vay cao hơn lãi suất huy động cộng phần chi chăm sóc khách hàng”.

Trong một bối cảnh khác, Hà Văn Thắm khẳng định: “Bị cáo như đã trình bày, các nguồn chi như vậy để kinh doanh, sau khi mua hàng đã bán hết hàng để có lãi. Bị cáo khẳng định Ocean Bank không thiệt hại”.

Trở lại thời điểm khi Ocean Bank phải chi lãi ngoài cho khách hàng để huy động tiền gửi, NHNN liên tục siết chặt mức trần lãi suất huy động vốn đối với các tổ chức tín dụng. Chỉ từ năm 2010 đến năm 2014, trần lãi suất huy động vốn thay đổi tới 19 lần từ các thông tư và quyết định của NHNN.

Nếu theo Văn bản số 9779/NHNN-CSTT ngày 14/12/2010, lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam của các tổ chức (trừ tổ chức tín dụng) và cá nhân, bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không được vượt quá 14%/năm, thì đến Quyết định 498/QĐ-NHNN ngày 7/3/2014 của Thống đốc NHNN, mức lãi suất huy động tối đa tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng như sau: “Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không ký hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm; mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6%/năm”.

Sự thay đổi liên tục về trần lãi suất huy động vốn như vậy, đã dẫn đến thực tế là, cùng một mức lãi suất, có thể hợp lệ ở thời điểm này, nhưng lại vượt trần ở thời điểm khác. Nếu NHNN không có chủ trương khống chế trần lãi suất huy động như giai đoạn 2010 -2014, thì việc chi lãi của Ocean Bank cho khách hàng gửi tiền đã không vi phạm pháp luật, và có lẽ sẽ không bị xem là gây thiệt hại cho chính nó, vì Ngân hàng luôn phải điều tiết hợp lý tương quan lãi suất tiền gửi và lãi suất tiền vay để hoạt động kinh doanh có lãi.

Vậy thì phải chăng số tiền 1.576.012.242.219 đồng mặc nhiên được coi là thiệt hại là do các bị cáo đã sử dụng số tiền đó trái với quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, chứ không phụ thuộc vào tác động trực tiếp của nó lên hoạt động và kết quả kinh doanh của Ocean Bank, kể cả khi việc sử dụng số tiền này đã giúp Ocean Bank vượt qua khủng hoảng, huy động được nhiều nguồn vốn để kinh doanh hiệu quả?

Về vấn đề này, Luật sư Tạ Quốc Cường, công ty Luật Hợp danh sự thật (Đoàn luật sư Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Dường như có sự nhầm lẫn ở đây. Thiệt hại do hành vi phạm tội chính là hậu quả trực tiếp từ tác động khách quan của hành vi đó lên đối tượng bị tác động, chứ không phải do hành vi đó có phải là hành vi phạm tội hay không. Trong trường hợp của Ocean Bank, tôi cho rằng cần có sự đánh giá chính xác về tương quan giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, hiệu quả của nguồn vốn huy động được trong chu kỳ sinh lời của nó. Qua đó mới thấy việc sử dụng số tiền bị coi là vi phạm của các bị cáo đã tác động như thế nào tới tài sản của Ocean Bank. Việc chi vượt trần lãi suất, nếu đem lại hiệu quả kinh tế cho chính Ngân hàng này, thì số tiền chi đó không thể là thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo”.

Đọc thêm