Đại biểu Quốc hội Hải Phòng có sự chuẩn bị chu đáo với tinh thần trách nhiệm cao

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 12 khai mạc ngày 20- 10 tại Hà Nội. Trong phiên khai mạc, phóng viên Báo Hải Phòng phỏng vấn đồng chí Dương Anh Điền, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng về một số nội dung  của kỳ họp và hoạt động của đoàn tại kỳ họp.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 12 khai mạc ngày 20- 10 tại Hà Nội. Kỳ họp diễn ra trong thời gian hơn 1 tháng, bàn và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Trong phiên khai mạc, phóng viên Báo Hải Phòng phỏng vấn đồng chí Dương Anh Điền, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng về một số nội dung  của kỳ họp và hoạt động của đoàn tại kỳ họp.

    - Thưa đồng chí, đây là kỳ họp áp chót của Quốc hội khóa 12, bàn và quyết định nhiều nội dung quan trọng của đất nước. Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng có sự chuẩn bị như thế nào để đóng góp thiết thực vào nội dung và sự thành công của kỳ họp?

Đại biểu Quốc hội Hải Phòng có sự chuẩn bị chu đáo với tinh thần trách nhiệm cao ảnh 1

Đồng chí Dương Anh Điền, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng

    -  Kỳ họp lần này vừa có nhiều nội dung công việc, lại vừa có ý nghĩa rất quan trọng, đánh giá những nỗ lực của Việt Nam trong việc khắc phục ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, đánh giá kết quả kế hoạch 5 năm (2006- 2010), chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11… Cùng với đó là công tác xây dựng pháp luật và thảo luận, bàn một số vấn đề mới như đóng góp ý kiến vào văn kiện Đại hội Đảng, tình hình Vinashin… nên nhiệm vụ của kỳ họp khá nặng nề. Nhận thức được điều đó, phát huy kết quả tốt đẹp của 7 kỳ họp trước, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng có sự chuẩn bị chu đáo với tinh thần trách nhiệm cao của người đại biểu trước cử tri thành phố và cả nước, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các tài liệu, văn bản để có những nhận xét, đánh giá, thể hiện quan điểm cá nhân đại biểu và đóng góp với Quốc hội. Đoàn cũng chủ động thực hiện nhiều cuộc giám sát có chất lượng như giám sát về dịch vụ xuất khẩu lao động, cải cách hành chính, thực hiện các gói kích cầu, sử dụng các nguồn vốn, giám sát về sử dụng đất đai, quản lý môi trường… Đoàn tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, kết hợp giữa mô hình tập trung cử tri của nhiều phường, nhiều xã với tiếp xúc cử tri của một đơn vị cụ thể nhằm ghi nhận những ý kiến đa dạng, nhiều chiều của cử tri thành phố phản ánh tới Quốc hội. Ngoài ra, Đoàn thường xuyên tổ chức tiếp dân, góp phần giải quyết kiến nghị của cử tri. Việc lấy ý kiến của các chuyên gia vào các văn bản luật tiếp tục được thực hiện với chất lượng cao hơn, có nhiều ý kiến xác đáng hơn.
Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương gặp gỡ các đại biểu Quốc hội Hải Phòng và các tỉnh tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội.

Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương gặp gỡ các đại biểu Quốc hội Hải Phòng và các tỉnh tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội.

    -  Đồng chí có ý kiến gì về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2010, phương hướng năm 2011 được trình bày trong phiên khai mạc?

    -   Tôi đánh giá cao báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày. Bản báo cáo không dài nhưng súc tích, phản ánh khá trung thực, sát đúng tình hình của đất nước, bám sát vào nghị quyết của Quốc hội, nhiệm vụ và tình hình phát triển kinh tế- xã hội của năm 2010 để kiểm điểm. Chúng tôi hoan nghênh, đồng tình với báo cáo, đặc biệt là những nhận định lớn về tình hình kinh tế -xã hội của đất nước, về những thành tựu cũng như những tồn tại, yếu kém, có tính tự phê bình cao, chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ đến đâu, các Bộ, ngành như thế nào. Trong bối cảnh Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của khủng hoảng và suy thoái kinh tế nhưng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn đạt 6,7% là một mức cao so với thế giới, tổng hợp lại 5 năm ta đạt mức tăng trưởng bình quân 7% là một thành công lớn. Kết quả này phản ánh nỗ lực của Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành. Cuối tháng 9, tôi vinh dự được là thành viên của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp Đại hội đồng Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 31 tại Hà Nội. Tại đây, tôi có dịp gặp gỡ với nghị sỹ các nước Đông Nam Á cũng như các nước là đối tác lớn hàng đầu trên thế giới, tôi cảm thấy rất tự hào khi thành tựu của Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, vị thế của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế đúng như đánh giá của Chính phủ.

      Tuy đạt được kết quả đáng phấn khởi nhưng cũng cần chỉ rõ một số tồn tại được nói tới từ lâu, được tập trung giải quyết nhưng chuyển biến chậm như chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế chưa cao; việc phòng chống tham nhũng, lãng phí tuy có chuyển biến nhưng chưa đạt yêu cầu; hầu hết các chỉ tiêu về môi trường chưa đạt, rồi các vấn đề mới nảy sinh về đạo đức xã hội, an toàn giao thông… đang khá nhức nhối, đòi hỏi phải có biện pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới.     

    -  Đồng chí có ý kiến như thế nào về một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu năm 2011 do Chính phủ đề xuất?

    - Về cơ bản, tôi đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, trong thời điểm này, chúng ta phải lấy quan điểm lớn của Đảng, cũng là quan điểm của Chính phủ là phát triển nhanh nhưng phải bền vững. Vì vậy, Chính phủ đề xuất tăng trưởng kinh tế năm 2011 là 7,5%, tôi nghiêng về hướng 7% nhưng đi kèm theo đó là giảm lạm phát và bội chi ngân sách. Nếu lạm phát ở mức 8% sẽ gây khó khăn rất lớn cho nền kinh tế, cho đời sống nhân dân, vì vậy cần kiềm chế ở mức 7%. Bội chi ngân sách nên giảm xuống mức 5% nhưng vấn đề quan trọng là phải có biện pháp thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu quả đầu tư, không thể đầu tư tràn lan mà cần có lộ trình, có ưu tiên trọng tâm, trọng điểm; đồng thời cũng cần dành một tỷ lệ vốn đầu tư cho vùng sâu, vùng xa để giải quyết công bằng xã hội. Điều này rất quan trọng bởi chúng ta phải nâng cao hiệu quả đồng vốn ngân sách. Đành rằng chúng ta phải đi vay nhưng khi nợ công, nợ Chính phủ đã tới ngưỡng an toàn thì giảm bội chi ngân sách, tăng cường tính hiệu quả của đồng vốn ngân sách sẽ là một trong những giải pháp quan trọng nhất góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh năm 2011 và những năm tiếp theo.

   - Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

                                                                             Thanh Hiệp thực hiện

Đọc thêm