Trong ấn bản thứ hai của báo cáo Become Index do Mastercard và Harvard Business Review vừa công bố cho thấy, trong năm qua, sự gia tăng nhu cầu về các giải pháp ưu tiên kỹ thuật số và trải nghiệm cá nhân hóa đã khiến các công ty chú trọng hơn vào sự đổi mới.
Kết quả khảo sát cho thấy, 53% các nhà điều hành chia sẻ rằng DN của họ dành sự ưu tiên cao độ cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Gần một nửa các DN được khảo sát (42%) đã nâng mức ngân sách cho đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng những nhu cầu nêu trên. Các DN đã xây dựng nhiều cách thức, phương hướng mới để bảo vệ sự an toàn cho người lao động và kết nối, phục vụ, đồng thời đảm bảo sức khỏe và sự an tâm của khách hàng.
Become là một sáng kiến về nghiên cứu đổi mới sáng tạo thường niên và dài hạn, được tài trợ bởi Mastercard và hỗ trợ bởi nghiên cứu Chỉ số các nhà đổi mới kinh doanh của Dịch vụ phân tích thuộc Harvard Business Review (HBR).
Sáng kiến này mang lại hiểu biết và lộ trình thiết thực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, dựa trên nghiên cứu sâu rộng và dữ liệu đầu vào đa dạng từ các DN đột phá chủ chốt trên toàn cầu.
Trong ấn bản thứ hai, Become đã khảo sát hơn 1.800 lãnh đạo DN và trên 10.000 người tiêu dùng thuộc nhiều lĩnh vực trên toàn thế giới, nhằm xác định các đặc tính của những DN tân tiến nhất.
Đó là: Nhạy bén về kỹ thuật số (Bắt kịp với việc áp dụng những công nghệ kỹ thuật số đang được đẩy mạnh và nhu cầu của khách hàng trong thời gian thực, đặc biệt là trải nghiệm không tiếp xúc); Phân tích đa chiều (Biến những quyết định dựa trên dữ liệu trở thành sợi chỉ đỏ trong công tác điều hành DN); Hệ thống an ninh dữ liệu vững chắc (Bảo vệ khách hàng và dữ liệu khách hàng); Đầu tư chiến lược (Chấp nhận những rủi ro có chủ đích và xem thất bại như một phần tất yếu trong cả quá trình); Gần gũi với khách hàng (Duy trì sự gắn kết với khách hàng là động lực dẫn dắt quá trình đổi mới sáng tạo)
“Trong bối cảnh thế giới đang trên đà trỗi dậy sau đêm trường đại dịch, nhịp độ và tốc độ đổi mới sáng tạo đã mang lại nhiều cơ hội cùng với một số thách thức mới. Nhiều DN đã chứng minh được sự nhanh nhạy, linh hoạt và vươn lên mạnh mẽ, sẵn sàng cho mọi cơ hội và thách thức đang chờ đợi phía trước...” - ông Alex Clemente, Giám đốc Điều hành Dịch vụ Phân tích của Harvard Business Review chia sẻ.
Song ông Alex Clemente cũng lưu ý, vẫn còn đó sự khác biệt giữa điều mà các DN coi trọng với nhu cầu của người tiêu dùng trong và sau đại dịch. “Tôi tin rằng các DN và xã hội giờ đây buộc phải xác định lại ý nghĩa của công cuộc đổi mới cũng như đánh giá lại khả năng duy trì tốc độ và nhịp độ thay đổi mới”- ông Alex Clemente khẳng định
Còn ông Michael Miebach, Giám đốc Điều hành của Mastercard cho rằn, kết quả báo cáo đã củng cổ sự thật rằng chúng ta không thể và cũng không muốn quay trở lại với thực trạng trước đây.
“Để làm được như vậy, chúng ta cần thấu hiểu những cơ hội - chính là nhu cầu thực sự của khách hàng - và cung cấp những đổi mới có mục đích, mang lại tác động thiết thực cho khách hàng. Mọi người đang hướng về phía trước, mang theo những trải nghiệm và sở thích mới đã hình thành trong năm vừa qua. Đó chính là điều các thương hiệu cần mang tới cho khách hàng. Các DN không cần hướng tới sự hào nhoáng, mà cần có chiến lược tiếp cận đúng đắn nhằm hiện thực hóa những hứa hẹn về sự đổi mới và duy trì lòng tin nơi khách hàng” - ông Michael Miebach đưa ra lời khuyên.
|
Become là một sáng kiến về nghiên cứu đổi mới sáng tạo thường niên và dài hạn, được Mastercard tài trợ |
Theo Báo cáo Become, để gặt hái thành công trong tương lai, giải quyết rủi ro và đáp ứng nhu cầu khách hàng ở hiện tại, các DN cần tập trung vào 5 mảng chính:
• Phát huy tinh thần nhân đạo. Nghiên cứu cho thấy 71% người tiêu dùng có xu hướng mua các sản phẩm phản ánh được giá trị thương hiệu, đồng thời chăm sóc chu đáo cho khách hàng cũng như nhân viên của chính thương hiệu đó.
• Phá bỏ những rào cản đối với hoạt động phối hợp từ xa - Hơn 1/3 các nhà điều hành (38%) nhìn nhận hình thức làm việc từ xa như một thách thức đối với công cuộc phát triển và đổi mới sáng tạo trong tương lai. Việc các đội ngũ bị phân tán không chỉ gây ra trở ngại trong việc phối hợp (đặc biệt đối với những công việc nhóm có thể xảy ra bất chợt) mà còn khiến mọi người khó tiếp cận với những công cụ và cơ sở vật chất hỗ trợ cho hoạt động đổi mới.
• Ưu tiên đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Bất chấp những thành tựu đã đạt được trong công cuộc nghiên cứu vắc-xin và liệu pháp điều trị, viễn cảnh kinh tế bất ổn và khả năng sụt giảm doanh thu vẫn là một trong những thách thức phổ biến nhất đối với công cuộc đổi mới sáng tạo. Hơn một nửa (63%) số người tham gia khảo sát cho rằng viễn cảnh kinh tế bất định và gần một nửa (46%) cho rằng thất thoát doanh thu là thách thức đối với đổi mới sáng tạo, do đó rất khó để quyết định nên theo đuổi hay cân nhắc những nỗ lực đổi mới nào.
• Ngăn chặn cuộc khủng hoảng về an ninh và bảo mật dữ liệu. Tầm quan trọng của niềm tin và sự an tâm là không thể phủ nhận. Yếu tố này được xếp ở vị trí thứ ba trong danh sách ưu tiên, chỉ sau an toàn và sức khỏe, cùng với sự tiện lợi. Tuy nhiên, chỉ 37% các DN cho biết họ mới hoặc đang lên kế hoạch đầu tư cho bảo mật dữ liệu và quản lý an ninh mạng nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng. Tương tự, chỉ 35% số người trả lời khảo sát cho biết gần đây họ có thực hiện đầu tư cho an ninh và bảo mật dữ liệu nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.
• Cá nhân hóa hoạt động tiếp cận khách hàng. Trên 1/3 số người tiêu dùng (36%) sẵn sàng chia sẻ nhiều thông tin cá nhân hơn nếu qua đó trải nghiệm dịch vụ khách hàng được cá nhân hóa và phản hồi nhanh chóng hơn. Đầu tư vào các công cụ số có khả năng dự đoán, dựa trên dữ liệu và thời gian thực có thể giúp các DN gắn kết và thực sự thấu hiểu nhu cầu của khách hàng.