Nhà thu nhập thấp ế ẩm, hàng loạt hình thức PR (quảng cáo) rầm trời nhưng căn hộ và đất nền cũng không được nhiều người ngó ngàng đến. Trong khi đó, một số DN đã chuyển hướng kinh doanh, xem bất động sản (BĐS) không còn là thế mạnh và là nguồn thu chính như vài năm về trước.
|
Ảnh minh họa |
Nhà đất kiêm... trồng rừng
Kinh doanh BĐS trong thời kỳ trầm lắng, nhưng ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Cty Phát Đạt vẫn là người giàu thứ 7 trên sàn chứng khoán năm 2011 với tài sản khoảng 1,444 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2011, DN này đã phải điều chỉnh giảm lợi nhuận trước thuế chỉ còn 8 tỷ đồng.
Trước đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2011 do Cty chứng khoán VnDirect, Cty Phát Đạt có tổng giá trị hàng tồn kho lên đến 3.300 tỷ đồng. DN này nợ hơn 2.642 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ chiếm hơn 1.141 tỷ đồng.
Trả lời báo chí đầu năm 2012, ông Nguyễn Văn Đạt nói rằng, thị trường BĐS trong năm nay sẽ còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, người đứng đầu DN này cho hay, sẽ đủ tiền để tiếp tục triển khai các dự án và trả lãi vay cho ngân hàng khi tiếp tục bán căn hộ ở The EverRich 2 và khu villars ở dự án The EverRich 3.
Từ cơn “bĩ cực” của lĩnh vực BĐS, Cty Phát Đạt chính thức bổ sung thêm nghành nghề kinh doanh mới là… trồng rừng. Dù vẫn thừa nhận BĐS là ngành cốt lõi của DN, nhưng ông chủ Cty Phát Đạt thừa nhận trồng rừng “sẽ đảm bảo nguồn thu ổn định”, từ đó lấy ngắn nuôi dài.
Ở miền Bắc, những dự án một thời sôi động cũng nằm trong tình cảnh đìu hiu. Dù, các dự án này không chuyển đổi mục đích, và DN không bớt hay thêm ngành nghề kinh doanh, nhưng thực sự chủ đầu tư đang đối đầu với nhiều trở ngại.
Đầu năm mới 2012, giới đầu tư hết sức bất ngờ khi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tuyên bố “thoái lui” khỏi dự án tòa tháp PVN Tower tại Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đây là dự án có mức đầu tư được công bố ban đầu lên hàng nghìn tỷ đồng. Theo giới đầu tư, ngoài lý do PVN rút lui khỏi dự án vì phải chấp hành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, thì cũng có ý kiến cho rằng tại thời điểm thị trường BĐS trầm lắng như hiện nay, việc “chôn” vốn vào dự án để hy vọng sinh lời sẽ rất khó khăn.
Hết thời “sáng công bố dự án, chiều thu tiền ngay”
Trong khi đó, dự án Saigon South Center tại Tp. HCM do Cty Đầu tư BĐS Việt Nam làm chủ đầu tư, theo thông báo, cũng chính thức được “chuyển hướng” từ một dự án khu trung tâm thương mại và chung cư trở thành một khu trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống. Trong lúc chờ dự án được phê duyệt, DN này sẽ sử dụng 6.000m2 đất ở đây để làm chợ tạm.
Lấy ngắn nuôi dài, tận dụng tài sản hiện hữu để sinh lời cho mục đích sau này được DN địa ốc này thực thi triệt để. Trong khi chưa thể ký hợp đồng góp vốn, hay “đóng tiền theo tiến độ”, thì việc thu bạc lẻ từ các gian hàng vẫn là lựa chọn hiện thời của Cty Đầu tư BĐS Việt Nam.
Trong khi đó, việc chuyển hướng đầu tư đã được ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thực hiện từ nhiều năm trước. Ông chủ tập đoàn này nói rằng, thời điểm 2007 (giai đoạn nóng nhất của thị trường BĐS), khi công bố bán nhà thì người dân xếp hàng để mua., sáng công bố dự án, chiều có thể thu tiền ngay.
Mặc dù thắng lớn bởi nhu cầu của người dân quá cao với thị trường BĐS, nhưng ông chủ này vẫn âm thầm qua Lào đầu tư vào cao su, thủy điện. Ông giải thích cách chuyển hướng đầu tư của mình, rằng “những DN đổ tiền vào chứng khoán đã gần như mất trắng, những DN lao vào BĐS cũng sống dở chết dở”.
Còn ông Đức tự tin nói rằng bây giờ “là lúc hái quả”. Với cách tính của vị doanh nhân này, khi trong tay đang có 51.000 ha đất trồng cao su, tương đương khoảng 125.000 tấn mủ cao su và giá cao su tăng từ 1.400 USD/tấn lên 4.500 USD/tấn hiện nay, chỉ riêng doanh thu từ cao su mỗi năm của ông cũng đạt khoảng 500 triệu USD.
Sẽ không còn thời vàng son “sáng công bố dự án, chiều thu tiền ngay” như đỉnh điểm thị trường BĐS sốt nóng, việc chuyển hướng đầu tư của các DN nhà đất đang cho thấy xu thế tái cơ cấu lại ngành nghề đầu tư bắt đầu manh nha và có dấu hiện “phố biến” rộng rãi, khắp từ Bắc vào Nam…
Việt Hưng