Với chất lượng giáo dục được nâng cao nhanh chóng, các trường đại học châu Á đang thu hút ngày càng nhiều sinh viên từ những nơi khác đến học tập, đặc biệt là sinh viên Mỹ và sinh viên châu Âu.
|
Các trường đại học châu Á đang trở thành điểm đến của nhiều sinh viên nước ngoài. (Ảnh minh họa từ Chosun) |
Theo Chosun, số lượng sinh viên quốc tế tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi từ 110.844 người vào năm 2004 lên 223.500 người vào năm 2008. Trong đó, số lượng sinh viên Mỹ tăng 2,35 lần và sinh viên châu Âu tăng 2,29 lần.
Singapore cũng được đón nhận “làn sóng” sinh viên quốc tế đến học tập. Ovidia Lim-Rajaram, giám đốc Phòng Đối ngoại trực thuộc Trường đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết “Tại NUS, 20% sinh viên đại học, 60% sinh viên cao học và một nửa giảng viên là người nước ngoài. Tính ra có khoảng 13.000 người đến từ hơn 100 quốc gia trên khắp thế giới tề tựu về NUS”.
Một trong những lý do chính của “hiện tượng” này chính là sự nổi lên của châu Á như “đầu tàu” của nền kinh tế thế giới, nhưng quan trọng hơn chính là việc nâng cao nhanh chóng trong chất lượng giáo dục. Bảng xếp hạng các trường đại học thế giới do tờ Times và Quacquarelli Symonds bình chọn trong 6 năm gần đây đã cho thấy một cuộc “khủng hoảng” giữa các trường đại học Mỹ, châu Âu và bước đột phá đáng kinh ngạc của những trường đại học ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong và Nhật Bản.
Khi danh sách xếp hạng các trường đại học thế giới năm 2009 được công bố vào tháng 10/2009, tờ Guardian đã đăng tải một bài viết với tựa đề “Oxford trượt chân trong bảng xếp hạng các trường đại học quốc tế khi các đối thủ châu Á bám sát gót”. Trong khi các trường đại học châu Á leo lên các vị trí cao hơn trong danh sách này thì trường đại học danh tiếng Oxford của Anh rớt xuống từ vị trí thứ hai năm 2007 xuống vị trí thứ 4 vào năm 2008 và vị trí thứ 5 vào năm 2009.
Các quốc gia châu Á đang tích cực đầu tư vào các trường đại học với tham vọng trở thành những cơ sở giáo dục đẳng cấp thế giới. Trường đại học Hong Kong, ngôi trường với hơn một nửa sinh viên theo học là người nước ngoài, đã cấp học bổng cho tất cả các sinh viên cao học. Hàng năm, chính quyền Hong Kong đầu tư trung bình tới 510.000 đôla Hong Kong (khoảng 1,2 tỷ đồng) cho việc học của mỗi sinh viên. Hơn 90% học phí được chính quyền trợ cấp và lấy từ các nguồn quỹ bên ngoài.
The Chronicle, tạp chí giáo dục Mỹ trong một bài viết có tựa đề “Các quốc gia châu Á đổ tiền tỷ vào các trường đại học” đăng trên ấn bản ngày 5/10/2009 đã viết: “Việc tiếp cận của châu Á với nền giáo dục cao tương phản rõ rệt với Mỹ, nơi mà thậm chí trước thời suy thoái kinh tế toàn cầu thì tỷ lệ phần trăm nguồn ngân sách nhà nước dành riêng cho giáo dục đại học đã bị giảm mạnh”.
Alison Richard, Phó hiệu trưởng trường ĐH Cambridge (Anh), tỏ ra ngạc nhiên với sự tiến bộ của các trường đại học châu Á ở cả tốc độ, quy mô và chất lượng, đặc biệt là khi ông so sánh lịch sử phát triển chỉ vài thập kỷ của các trường đại học châu Á so với lịch sử dài hàng thế kỷ của các trường đại học châu Âu.