Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Vĩnh Long lần thứ IV

(PLVN) - Ngày 28/11, Đại hội Đại biểu các Dân tộc Thiểu số (DTTS) tỉnh Vĩnh Long lần thứ IV - năm 2024 đã diễn ra với sự tham dự của 250 đại biểu đại diện cho hơn 27 nghìn đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Đại hội không chỉ là sự kiện chính trị quan trọng mà còn là dịp để tổng kết những thành quả đã đạt được trong giai đoạn 2019-2024 và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ mới trong giai đoạn 2024-2029. Với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững,” Đại hội lần này mang ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Quang cảnh Đại hội.

Theo báo cáo tại Đại hội, trong 5 năm qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp ủy, chính quyền và sự tham gia tích cực của nhân dân, tỉnh Vĩnh Long đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác dân tộc. Các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã mang lại những kết quả tích cực.

Hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, nước sinh hoạt và các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế được đầu tư mạnh mẽ. Đến nay, 100% xã trong tỉnh đã tiếp cận điện lưới quốc gia và trên 90% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế. Công tác giảm nghèo đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục và chăm sóc sức khỏe được chú trọng. Hệ thống trường học ở vùng đồng bào DTTS được đầu tư, với tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở khu vực này cao hơn mức trung bình của tỉnh. Học sinh DTTS tại các trường phổ thông dân tộc nội trú được miễn học phí, cấp học bổng và hỗ trợ các điều kiện học tập.

Trong lĩnh vực y tế, các trạm y tế tại vùng DTTS đều có bác sĩ phụ trách, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng mở rộng đạt trên 98%, và phụ nữ mang thai được khám định kỳ tăng lên đáng kể.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc cũng đạt được nhiều tiến bộ. Các lễ hội truyền thống như lễ Sen Dolta, lễ hội Oóc Om Bóc của người Khmer được tổ chức thường xuyên, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo và tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc. Nhiều di tích văn hóa, lịch sử của đồng bào DTTS được đầu tư trùng tu, tôn tạo, trong đó có các chùa Nam tông Khmer và các công trình kiến trúc của người Hoa.

Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ông Hầu A Lềnh, đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu của tỉnh Vĩnh Long trong việc thực hiện công tác dân tộc. Đặc biệt, biểu dương sự cố gắng nỗ lực của đồng bào các DTTS số đã chung sức, đồng lòng từng bước làm “thay da đổi thịt” quê hương, góp sức cùng nhân dân cả nước trong công cuộc đổi mới, phát triển và bảo vệ đất nước hiện nay.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Đại hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng chỉ ra một số thách thức còn tồn tại như chất lượng giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng ở vùng dân tộc thiểu số chưa đồng đều; tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao; và việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế chưa đáp ứng kỳ vọng. Đồng thời ông kêu gọi tỉnh Vĩnh Long tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo điều kiện để đồng bào DTTS phát triển toàn diện, từ kinh tế, văn hóa đến giáo dục và y tế.

“Đại đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được bao thế hệ cha anh bền bỉ xây dựng. Tôi rất kỳ vọng các Đại biểu đồng bào DTTS của tỉnh sẽ lan tỏa tinh thần Đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới. Đồng thời, truyền cảm hứng, kết nối đồng bào các DTTS cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đồng lòng chung sức, hiện thực quyết tâm của Đại hội, góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước vững mạnh”, Bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Vĩnh Long là tỉnh nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, tiếp giáp với 6 tỉnh, 1 thành phố. Dân số toàn tỉnh hơn 1 triệu người, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 2,6%, chủ yếu là dân tộc Khmer, Hoa và một số dân tộc khác. Đồng bào DTTS sinh sống rải rác khắp các huyện, thị xã và thành phố, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khối đại đoàn kết dân tộc và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đọc thêm