“Mẹ ơi cứu con, mẹ ơi!...”
Sương vừa kêu vừa chạy, càng chạy càng lao sâu vào rừng rậm. Con thú gầm gừ phía sau khiến cô thấy lạnh xương sống. “Phen này chết chắc rồi”. Đang chạy gặp một cái hốc nhỏ cô liều chui vào. Cô ngồi co mình nín thở... Rồi cô ngủ lịm đi lúc nào không biết. Khi thức dậy cô thấy mình trơ trọi giữa màn đêm đen đặc quánh ngột ngạt, âm u... Cô lại nghĩ đến mẹ, nhưng lúc này mà kêu to sẽ rất nguy hiểm, cô chỉ dám khẽ rên trong cổ họng: “Mẹ ơi! Mẹ ở đâu, cứu con mẹ ơi!”. Sợ lắm mà không dám kêu to, không dám khóc, Sương ơi là Sương! Chợt có tiếng sột soạt. Sương nhắm mắt lại. Cô hình dung thấy một con thú hình thù quái dị đang nhe nanh như muốn ăn tươi nuốt sống mình. Cô thét lên hoảng loạn: “Không, mẹ ơi! Mẹ ơi!”.
Trạng thái mê sảng của Sương kéo dài đến cả tuần nay rồi. Có vài lần tỉnh dậy, cô chỉ lặng lẽ khóc, ai hỏi gì cũng lắc đầu không nói. Mẹ Sương lo lắng, thương con đứt ruột mà chẳng biết làm sao. Hàng bữa, mẹ túc trực bên con, đút cho con từng thìa cháo, ngụm sữa, nhưng Sương hầu như không nuốt được là bao. Bác sĩ bảo Sương bị chấn động mạnh về tinh thần, đang trong trạng thái hoảng loạn, phải có thời gian tĩnh dưỡng may ra mới hồi phục được...
“Chuyện của Sương dài lắm!...”
Sương ngượng nghịu nói trong tiếng thở dài khiến Hân cũng thấy mủi lòng thương cô bé. Theo lời kể của mẹ, Sương đang học lớp 10, mười sáu tuổi. Sương học không đến nỗi nào, gia đình kinh tế cũng khá giả... Vậy mà nghe bạn bè rủ rê, Sương lén theo lên biên giới để “buôn đồ ngoại kiếm lời, dành làm vốn riêng...”.
“Mà bây giờ kể lại chuyện này, Sương xấu hổ lắm!...”
Nghe cô bé nói như vậy, Hân mừng thầm trong lòng. “Còn biết xấu hổ là vẫn còn biết quay đầu lại”. Hân nắm tay Sương dịu dàng bảo, không có gì phải xấu hổ cả, em cứ kể đi cho nhẹ lòng, mà biết đâu chuyện của em còn có ích cho nhiều người đấy...
“Vâng, chị đã nói vậy, em sẽ kể, xin chị đừng cười em nhé!...”.
Hân lại cười, nụ cười khiến Sương cảm thấy ấm áp và tin cậy.
Và câu chuyện được Sương kể lại với giọng buồn buồn, có lúc cô bé còn thút thít khóc. “Chị ơi, mẹ bảo em dại khờ lắm, có đúng không chị?”. Hân không trả lời mà ôm cô bé vào lòng, cứ để cho cô bé khóc. Rồi Hân chậm rãi bảo vẫn còn may là em biết tự thoát ra, không thì không biết hậu quả sẽ như thế nào nữa, chị mừng cho em, thật đấy, giờ thì ổn rồi, em không phải sợ ai hết, kể tiếp đi em!
Mấy hôm nay được gần gũi với Hân, Sương cảm thấy tự tin hơn. Và nhất là với Hân, cô coi Hân như một người chị gái...
“Chị tốt với em quá, em sẽ không giấu chị điều gì đâu...”.
Cô mạnh bạo nói ra những cái tên cụ thể, chứ không còn ấp úng dùng đại từ “anh ta, chị ta” nữa. Cô bảo, em sợ bị trả thù chị ạ, lúc đầu em nghĩ thế, nên em không dám nói... Bây giờ nghĩ lại em mới thấy mình thật khờ dại, chị ạ!
“Em giỏi lắm, rồi tất cả sẽ tốt thôi em ạ”.
“Vâng, em tin chị, em sẽ làm theo hướng dẫn của chị, chị tin em đi!...”.
“Cái Hạnh có chị tên là Liễu, xinh lắm, chị ạ. Nó hay mang khoe bọn em những món quà sau mỗi chuyến chị nó đi xa về, nó bảo chị nó còn nhiều thứ đẹp lắm... Rồi hôm đó nó rủ mấy đứa bọn em đến chỗ chị Liễu chơi. Thì đi, mất gì! Cái Mai quả quyết. Thế là bốn đứa hăm hở đạp xe đi. Đến nơi đã thấy chị Liễu bày la liệt các thứ đồ dùng của phụ nữ, nhìn cứ hoa cả mắt... Cái Hoa bạn em xuýt xoa kêu lên: Trời ơi tuyệt quá! Thế là từ hôm đó bọn em như bị hút vào “mê trận” của chị em Liễu, Hạnh... Mấy đứa cùng nhau lập kế hoạch chuẩn bị kinh phí để đi “làm ăn”. Cái Hạnh bàn, chỉ đi vào cuối tuần thôi chứ không bỏ học. Nghe vậy cả mấy đứa đều hoan hỉ...”.
Sương chợt dừng lại, nhếch miệng cười...
“Em cười gì thế?” - Hân ngạc nhiên hỏi.
“Em cười em, chị ạ...”. Sương nói mà nước mắt lại ứa ra. “Người ta có những khi dễ bị lừa thế, chị nhỉ?”.
“Ừ, người ta nói: khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già mà, quan trọng là ngã rồi phải biết đứng dậy, em ạ...”.
“Vâng, để em kể tiếp chị nhé. Nhóm em có bốn đứa, kể cả cái Hạnh. Sau mấy ngày tích cực chuẩn bị, chúng em quyết định đi chuyến đầu tiên. Khi đến địa điểm tập kết, mấy đứa đều ngạc nhiên vì ngoài chị Liễu ra còn có hai thanh niên nữa. Chị Liễu nói nhỏ rằng đó là hai vệ sĩ đi theo bảo vệ cho cả nhóm. Cái Mai và cái Thủy khen: Chị Liễu chu đáo quá. Chuyện, kinh nghiệm có thừa mà lị... Đến chợ biên giới, chị Liễu bảo hai anh kia dẫn ba đứa bọn em vào chợ mua hàng, còn chị ấy và cái Hạnh đi tìm người quen. Lúc ấy em đã hơi chột dạ nhưng nghĩ mình có ba đứa, lo gì, nhìn cái Mai, cái Thủy thấy chúng nó vô tư quá, em im lặng không nói gì... Hai chàng vệ sĩ dẫn bọn em tới một sạp hàng lớn, ba đứa mải mê ngắm nhìn hàng hóa sặc sỡ, còn hai vệ sĩ vào nhà trong làm gì đó. Một lúc sau họ đi ra cùng hai người lạ, giới thiệu rằng đây là hai chủ hàng có nhiều hàng mới mà độc, ở đây không có, mấy em đi theo họ mà chọn hàng, gần đây thôi, bọn anh sẽ đợi ở đây, khẩn trương còn về kẻo muộn nhé... Hai người lạ dẫn bọn em đi một quãng ngắn, đúng là không xa, rẽ vào một ngôi nhà trong hẻm nhỏ, cũng không xa mặt đường. Chủ nhà là một người đàn bà chừng bốn mươi tuổi, cũng đẹp chị ạ. Bà ta đon đả mời bọn em uống nước, bảo các em đi đường xa mệt rồi, uống nước cho mát rồi tha hồ mà lựa chọn... Ba đứa bọn em sẵn đang khát nước nên bảo nhau “uống đã”. Mà sao lúc đó quên hết, uống vào đến đâu cảm giác lịm người đến đó... Rồi chẳng biết gì nữa chị ạ...”.
“Đấy, thế nên em mới bảo là dễ bị lừa mà...”-Sương dừng lại hồi lâu rồi bặm môi nói như tự trách mình. Hân động viên: Thôi mà em, tiếp đi, rồi sao nữa?
“Chị biết không, khi tỉnh dậy em thấy mình nằm trên giường lạ, nhìn quanh chẳng thấy cái Mai, cái Thủy đâu, hoảng quá em khóc gọi mẹ, rồi em gào lên thật to. Căn phòng bị khóa trái cửa. Em bắt đầu nhận ra tình trạng của mình, chắc là Mai và Thủy cũng vậy rồi... Lúc đó em cảm giác mình như một con thú bị nhốt, em ra sức đập phá, cào cấu tất cả những gì em vớ được trong phòng. Đến lúc mệt quá em lại thiếp đi... Rồi trong mơ màng, em thấy có bàn tay ai vuốt ve trên người mình, em choàng dậy. Một người đàn ông trạc năm mươi tuổi ngồi trước mặt em. Ông ta nhăn nhở bảo: Em đỡ mệt chưa? Đây là nhà của em, anh đã chờ em suốt một ngày một đêm rồi, thấy em tỉnh anh mừng lắm...
Chị biết lúc đó em nghĩ gì không? Em chỉ muốn chết quách cho rồi, nhưng nghĩ đến mẹ, em lại thấy mình cần phải sống để về với mẹ. Chị ơi mẹ em thương em lắm, mà em thì chưa làm được gì cho mẹ vui, chỉ toàn chuyện buồn thôi... Cô bé mếu máo.
“Thôi nào, thì em đã về với mẹ rồi còn gì? Còn đoạn cuối kể nốt đi, chị đang muốn biết mưu trí của em sao đây. Đi em!”.
“Em nhẫn nhục ở trong căn nhà đó mấy ngày. Em nghĩ ra cách giả vờ ốm để lão chủ không dám động vào người mình. Lão lại còn ra sức bồi bổ cho em mau khỏe nữa chứ!”
Tới hôm đó, lão bảo em chờ lão đi cắt cho mấy thang thuốc bổ. Em vờ ngoan ngoãn vâng dạ cho lão yên tâm. Lão đi một lúc lâu chưa thấy quay về, thế là em trốn luôn chị ạ. Lúc đó thì phải liều thôi. Em cứ tìm đường rừng mà đi, để tránh bị phát hiện, chị ạ. Đến khi trời tối, em vẫn đang ở giữa một khu rừng rậm. Cảm giác bị lọt thỏm giữa bóng đêm dày đặc khiến em sởn gai ốc. Em nghĩ giờ mà gặp hổ chắc tiêu thôi... Em muốn gọi mẹ lắm mà cổ cứ tắc nghẹn lại, chị ạ. Quờ quạng một hồi rồi em cũng tìm được một cái hang nhỏ, em chui vào và tự nhủ sẽ ẩn qua đêm. Lúc đầu em không dám ngủ đâu, sợ lắm. Rồi mắt cứ díp lại... Đang mơ màng thì nghe có tiếng gầm gừ đâu đây, em nghĩ phen này mình chết chắc rồi. Rồi một ý nghĩ vùng lên mạnh mẽ thúc giục em: đằng nào cũng chết thì tội gì ngồi đây chờ chết? Thế là em vùng chạy thục mạng, mặc cho tiếng gầm gừ đuổi theo phía sau, có lúc em vấp ngã, lại vùng dậy, lại chạy... May sao gặp được mấy anh biên phòng đi tuần. Rồi chuyện gì đến nữa thì chị đã biết rồi đấy... Còn cái Mai, cái Thủy không biết chúng nó giờ ra sao nữa...”.
Sương ngừng kể, ngước đôi mắt ướt nhìn Hân thăm dò. Hân cầm tay cô bé, muốn nói cho Sương biết về hai cô bạn kia nhưng chợt nghĩ là chưa phải lúc nên lại thôi.
“Em giỏi lắm, rồi em sẽ sống tốt. Hôm nay em đã làm được một việc tốt, chị cảm ơn em!”.
“Em phải cám ơn chị mới đúng chứ! Vì chị đã chịu nghe em kể chuyện, cho em được trút bỏ tội lỗi để em có thêm nghị lực mà đứng dậy...”.
Hai chị em ôm nhau xúc động. Những giọt nước mắt cùng ứa ra trên khóe mắt của hai người...