Đại lễ tưởng niệm 715 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 13/12 (nhằm ngày 01/ 11 năm Quý Mão), tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), Thường trực Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam (GHPGVN) TP Cần Thơ trang nghiêm tổ chức Đại lễ tưởng niệm 715 năm Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Đại lễ có gần 1000 phật tử về tham dự.

Đại lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm và thành kính. Đây là dịp để các để chư Tăng, Ni trong GHPGVN cùng giới phật tử và du khách thập phương ôn lại về cuộc đời, sự nghiệp trị nước an dân, sự nghiệp hoằng dương phật pháp và sáng lập dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Trong không khí trang nghiêm, chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo giáo hội, chính quyền các cấp và toàn thể Phật tử thực hiện nghi thức dâng hương tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Quang cảnh buổi Đại lễ tưởng niệm 715 năm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

Quang cảnh buổi Đại lễ tưởng niệm 715 năm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

Theo sử sách lưu lại, Phật hoàng Trần Nhân Tông được ngợi ca là một trong những vị hoàng đế anh minh, hiền tài trong lịch sử nước Đại Việt. Dưới sự trị vì của ông, nhà Trần đã trở thành một triều đại hiển hách nhất trong lịch sử Đại Việt. Đồng thời, ông đã trực tiếp lãnh đạo 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông và giành thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến đã giúp nhà Trần giữ vững nền độc lập dân tộc, đặt nền móng cho việc mở mang bờ cõi, yên định biên cương và xây dựng nền văn hóa Đại Việt phát triển hưng thịnh.

Đến năm 1299, Vua Trần Nhân Tông rời hành cung Vũ Lâm về Yên Tử tu hành khổ hạnh tại am Tử Tiêu, núi Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và xưng là Trúc Lâm đại sĩ. Tại đây, ngài đã sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một dòng thiền Phật giáo mang đậm màu sắc Việt Nam, với chủ trương gắn đạo với đời, gắn xu thế nhập thế của việc thiền với việc gìn làng, giữ nước.

Trong không khí trang nghiêm, chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo giáo hội, chính quyền các cấp và toàn thể Phật tử thực hiện nghi thức dâng hương tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Trong không khí trang nghiêm, chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo giáo hội, chính quyền các cấp và toàn thể Phật tử thực hiện nghi thức dâng hương tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Tại Đại lễ, Thượng tọa Thích Bình Tâm đã đọc lời tưởng niệm Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông của Trung ương GHPGVN: “Nguyện phụng trì Phật pháp, phát huy chân lý Đạo nhà, giữ gìn Tổ ấn vàng son, làm rạng rỡ vang danh Non thiêng Phật Tổ huy hoàng tráng lệ, non sông gấm vóc thiên thành, một cõi vững bền muôn thuở.
Đồng thành kính nguyện thực hành giữ gìn tinh thần đoàn kết hòa hợp dân tộc, độc lập Tổ quốc; nêu cao tinh thần phóng khoáng, bao dung trong cộng đồng dân tộc và xã hội, đoàn kết các Tôn giáo, để cùng tồn tại và phát triển, thực hiện hữu hiệu phương châm “Tốt đời đẹp Đạo”; Duy trì truyền thống dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy nội lực, đồng thời nhờ ngoại lực để phát huy đạo giáo và đất nước phồn vinh, văn minh tiến bộ…”.

Ông Đoàn Văn Hiếu - Phó Trưởng ban Tôn giáo Sở Nội vụ TP Cần Thơ phát biểu tại Đại lễ.

Ông Đoàn Văn Hiếu - Phó Trưởng ban Tôn giáo Sở Nội vụ TP Cần Thơ phát biểu tại Đại lễ.

Đến tham dự Đại lễ, ông Đoàn Văn Hiếu - Phó Trưởng ban Tôn giáo Sở Nội vụ TP Cần Thơ phát biểu ghi nhận những đóng góp của GHPGVN nói chung, Phật giáo Cần Thơ nói riêng trong quá trình đồng hành xây dựng và phát triển đất nước, lợi đạo ích đời. Đồng thời, xứng đáng là một tôn giáo của sự từ bi và trí tuệ với giáo lý vô ngã, vị tha, cứu khổ độ sinh.

Theo ông Đoàn Văn Hiếu, trong quá trình dựng nước và giữ nước, Phật giáo Việt Nam luôn thể hiện tinh thần hòa hợp, cứu khổ độ sinh và có những đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước. Trải qua các thời kỳ phát triển của đất nước, lịch sử đã ghi nhận những nhà Sư đại đức, đại trí vì Quốc gia, Dân tộc. Đặc biệt, đất nước ta mãi mãi ghi nhớ công lao của Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông.