Đại sứ Peru tại Việt Nam: APEC 2024 là cơ hội đưa hai nền kinh tế xích lại gần nhau hơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC), với sự tham gia của 21 quốc gia thành viên, trong 35 năm qua đã thúc đẩy hiệu quả hội nhập thương mại và đầu tư tại khu vực kinh tế năng động nhất hành tinh. Năm nay, Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 sẽ diễn ra từ ngày 9-16/11 tới tại Thủ đô Lima (Peru).
Đại sứ Peru tại Việt Nam: APEC 2024 là cơ hội đưa hai nền kinh tế xích lại gần nhau hơn

Đại sứ Peru tại Việt Nam – Bà Patricia Yolanda Ráez Portocarrero cho biết, với phương châm “Trao quyền, Bao hàm, Tăng trưởng”, 3 ưu tiên của APEC 2024 là: Thương mại và đầu tư để tăng trưởng bao trùm và kết nối; sáng tạo và số hóa để tăng cường chuyển đổi sang kinh tế chính thức cũng như kinh tế toàn cầu; Và tăng trưởng bền vững để phát triển tự cường. Đồng thời, APEC 2024 là cơ hội để Peru giới thiệu cảng biển quốc tế Chancay Megaport như một trung tâm khu vực, giúp kết nối Nam Mỹ với châu Á, dự kiến sẽ khánh thành ngay trước Hội nghị cấp cao này.

Đại sứ Peru tại Việt Nam – Bà Patricia Yolanda Ráez Portocarrero.

Đại sứ Peru tại Việt Nam – Bà Patricia Yolanda Ráez Portocarrero.

Bà Patricia cũng khẳng định, một trong những thành tựu lớn nhất của nhiệm kỳ chủ tịch APEC 2024 của Peru lần này là giúp khôi phục sự đồng thuận trong diễn đàn, sau 2 năm không thể đạt được do tình hình phức tạp của bối cảnh quốc tế hiện nay.

Tính đến nay, 15 văn kiện đã được nhất trí thông qua, trong đó có 10 văn bản cấp Bộ và 5 công cụ kỹ thuật - chính trị về hội nhập kinh tế dành cho người khuyết tật; Sự phát triển của hydro phát thải thấp ở Châu Á Thái Bình Dương; Các nguyên tắc ngăn ngừa và giảm thiểu thất thoát, lãng phí lương thực; Sáng kiến chuyển đổi năng lượng công bằng; Và Sáng kiến tài chính bền vững để chia sẻ thông tin tự nguyện và xây dựng năng lực về các vấn đề tài chính bền vững. Cuối cùng, dự kiến sẽ có sự đồng thuận thông qua 4 tuyên bố cấp Bộ trưởng và và văn kiện quan trọng nhất của APEC lần này: lộ trình chuyển đổi sang nền kinh tế chính thức và toàn cầu, sẽ được ký kết trong Hội nghị cấp cao APEC 2024.

Theo Đại sứ Patricia, chuyến thăm Peru của Chủ tịch nước Lương Cường cùng với đoàn lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp Việt Nam lần này sẽ góp phần đưa hai nền kinh tế xích lại gần nhau hơn, đồng thời, giúp thiết lập mối liên hệ, tạo tiền đề cho các dự án hợp tác, cơ hội kinh doanh và đầu tư mới. Thêm vào đó, các ưu đãi thuế quan của CPTPP được mong đợi sẽ giúp thương mại song phương trở nên năng động hơn, đồng thời giúp đưa sản phẩm hai nước vào thị trường của nhau. Cuối cùng, liên quan đến các đầu tư của Bitel và Petrovietnam vào Peru, các hoạt động từ 10 năm trước được mong đợi mở rộng, đồng thời sẽ có thêm nhiều đầu tư mới vào các lĩnh vực khác.

Đọc thêm