Tại Diễn đàn “Đẳng cấp quốc tế - Lời giải từ sản phẩm Việt” do VCCI tổ chức mới đây, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - kể, cách đây 15 năm khi sang dự Hội nghị công nghệ thông tin ở Bangalore của Ấn Độ. Khi xuống cửa hàng lưu niệm dưới khách sạn, cô nhân viên bán hàng hỏi “Ông có phải là người Nhật không?”. TS Lộc trả lời: “Tôi là người Việt Nam” và hỏi cô bán hàng có biết Việt Nam không? Cô gái thật thà nói không biết và hỏi Việt Nam có phải nằm ở…châu Mỹ La Linh không? Ông Lộc “chất vấn”: “Tại sao cô biết Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan lại không biết Việt Nam?”. Cô giải thích vì hàng ngày ra đường thấy ô tô của Nhật, món ăn Hàn Quốc, hàng hóa Thái Lan… nhưng không có sản phẩm nào của Việt Nam… Ông Lộc mới tỉnh ra một điều: Đại sứ quan trọng nhất là đại sứ của sản phẩm, đại sứ thương hiệu.
Ông Vũ Tiến Lộc. |
15 năm sau thì đã khác. Chủ tịch VCCI cho biết, tháng 4 vừa rồi, Tổng thống Mỹ Obama đến một cửa hàng thể thao mua áo tặng vợ, sản phẩm đó “Made in Việt Nam”. “Tất nhiên sản phẩm đó mang thương hiệu nước ngoài nhưng được sản xuất tại Việt Nam, làm bởi người Việt Nam. Sản phẩm Việt Nam đã chinh phục được Tổng thống Obama..”- ông Lộc nói.
Không bằng lòng với sản phẩm diệt vi rút BKAV, cách đây 10 năm Bkav quyết định làm chủ công nghệ để tham gia vào công đoạn có giá trị lớn nhất trong chuỗi giá trị gia tăng đó là nghiên cứu, thiết kế phát triển… với bốn trọng tâm là nguồn nhân lực, sản xuất phụ trợ, văn hóa DN và vốn, trong đó con người và văn hóa là yếu tố quyết định. Kết quả, Bkav đã ra mắt sản phẩm mới và thuần Việt SmartHome với phần mềm và các thiết kế phần cứng tinh xảo, có thể điều khiển và kiểm soát ngôi nhà thông minh qua một giao diện trực quan 3D trên điện thoại thông minh, máy tính bảng để điều khiển từ ánh sáng, rèm mành, kiểm soát môi trường sống, an ninh, giải trí tới bình nóng lạnh… trong mỗi ngôi nhà. Ông Vũ Thanh Thắng - Phó Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav - không giấu được tự hào, chia sẻ: “Khác biệt của Bkav SmartHome so với giải pháp của các hãng khác trên thế giới như Schneider (Pháp), Siemens (Đức) chính là triết lý tiếp cận “nhà thông minh” từ phần mềm, khiến hệ thống thực sự thông minh, có thể hiểu và giao tiếp với người dùng thay vì chỉ là nhà tự động như giải pháp của các hãng khác...”
Có mặt từ năm 1970, nhưng đến tháng 11/2014, gốm sứ Minh Long mới “đổ bộ” ra thị trưởng miền Bắc. Ông Lý Ngọc Minh- Tổng giám đốc Cty Minh Long I - chia sẻ, thương hiệu Minh Long được gây dựng chính từ sự… tự ái dân tộc. Năm 12 tuổi, ông được cha dẫn đi xem triển lãm gốm sứ và mê mẩn với sứ Trung Hoa, Nhật Bản. 16 tuổi, ông mở phòng thí nghiệm, 20 tuổi mở Cty để sản xuất gốm sứ, mỗi lần ra nước ngoài là lại khuân đồ gốm sứ về nghiên cứu. Lý Ngọc Minh quyết tâm làm cho gốm sứ Minh Long có thương hiệu trên thế giới, để thế giới biết người Việt Nam mình là ai …
Sản phẩm gốm sứ của Minh Long. |
Giờ thì sản phẩm của Minh Long đã có mặt ở Đức, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Malaysia, Singapore… Không chỉ đẹp, sang trọng, kiểu dang phong phú, sản phẩm còn và có khả năng cạnh tranh cao nhờ độ bền, chắc, khó vỡ và điều ông tâm huyết hơn cả là văn hóa Việt được kết tinh trên mỗi sản phẩm…
Không nghi ngờ gì nữa, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và sự thông minh, khéo léo của người Việt Nam đã cho ra những sản phẩm mang đẳng cấp quốc tế nhưng vẫn thấm đượm văn hóa, tinh hoa của dân tộc. Song làm thế nào những thương hiệu sản phẩm đó thực sự trở thành “đại sứ” vẫn là bài toán mà các DN Việt Nam cần tiếp tục giải…/.