Ký sự ngược nguồn (P2): Giữ Phai Khắt theo lời Đại tướng dặn

(PLO) -Phai Khắt, chiến thắng mở đầu của đội quân của nhân dân ngày nay, nằm ở xã Tam Kim. Đã 20 năm nay, chị Nông Thị Bích vẫn lặng lẽ gìn giữ vẹn nguyên dấu tích ngôi nhà của ông Nông Văn Lạc, nơi năm 1944 người Pháp đã chiếm để đóng đồn.
Ký sự ngược nguồn (P2): Giữ Phai Khắt theo lời Đại tướng dặn
Gọi là đồn, nhưng đồn Phai Khắt vốn dĩ là nhà riêng của ông Nông Văn Lạc (xóm Phai Khắt, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình), xây dựng năm 1940, tới năm 1944 thì bị người Pháp chiếm giữ đóng đồn, án ngữ ngay ngã 3 đường từ Nguyên Bình vào xã Tam Kim hoặc rẽ trái sang xã Hoa Thám.
Đó là một ngôi nhà 3 gian 2 mái, có gác lửng theo lối cầu thang dẫn lên đặc trưng của người Tày vùng cao miệt Đông Bắc, nằm hòa lẫn giữa rất nhiều nhà dân như một cộng đồng tề tựu.
Năm 1994, một sự kiện diễn ra ở Tam Kim: Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại vùng đất căn cứ địa này. Trước đó, từ tháng 12/1941, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về châu Nguyên Bình trực tiếp mở các lớp huấn luyện hội viên Việt Minh.
Cuối tháng 4/1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng đã rời Pác Bó đến Gia Bằng, nơi có phong trào Việt Minh phát triển mạnh của Nguyên Bình mở lớp huyến luyện cán bộ Tỉnh ủy và các Châu ủy lâm thời tại hang Kéo Quảng (Bác Hồ đặt tên là hang Lê-nin, thuộc xã Minh Tâm ngày nay).
Những gì còn sót lại tại đồn Phai Khắt
Những gì còn sót lại tại đồn Phai Khắt 
 

Gặp ông Nông Văn Lạc và người cháu dâu năm đó mới 20 tuổi, Đại tướng dặn: “Ông Lạc này, ông và con cháu phải giữ gìn đồn Phai Khắt nguyên vẹn, để sau này mọi người có thể đến còn chứng kiến được nơi diễn ra trận đánh đầu tiên của quân đội ta”.

Chị Nông Thị Bích 20 năm nay chăm sóc "ngôi nhà" đặc biệt này, gìn giữ di tích theo lời dạy của Đại tướng.
Chị Nông Thị Bích 20 năm nay chăm sóc "ngôi nhà" đặc biệt này, gìn giữ
di tích theo lời dạy của Đại tướng. 
Năm 1994, nhà bia được dựng lên trong rừng Trần Hưng Đạo, Đại tướng cắt băng khánh thành, thì năm 1995, ông Lạc quyết định hiến tặng ngôi nhà cho Nhà nước để làm khu di tích, dặn cháu Bích trông nom, giữ gìn, còn ông về Thái Nguyên.
Từ đó, Nông Thị Bích gắn bó với từng viên ngói vỡ, từng mảnh tường tróc, từng gốc cây, ngọn lá, gìn giữ hơn 100 hiện vật trưng bày… trong “ngôi nhà” đặc biệt này, gìn giữ di tích theo lời dạy của Đại tướng, không một phút lơ là.

Nay, khi khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo đã được xây mới, toàn bộ hiện vật ở đồn Phai Khắt đã được chuyển về nhà trưng bày, để trả lại một đồn Phai Khắt nguyên dạng ban đầu.

(Còn tiếp)

Đọc thêm