Đại tướng Văn Tiến Dũng: Nhà quân sự xuất sắc của dân tộc Việt Nam

(PLO) - Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917-2002) là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội, vị tướng tài ba, mưu lược, nhà quân sự xuất sắc của dân tộc Việt Nam. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, Báo Pháp luật Việt Nam trích đăng một phần bài viết của Thượng tướng Lê Chiêm - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về những đóng góp xuất sắc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Đại tướng Văn Tiến Dũng điện báo tin chiến thắng Tây Nguyên tháng 3/1975.

… Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đảm nhiệm nhiều trọng trách khác nhau, càng trải qua khó khăn, gian khổ với những thử thách gay go, ác liệt, tài năng quân sự của Đại tướng Văn Tiến Dũng càng được bộc lộ rõ nét. Trong đó, phải kể đến hai thời kỳ: Thời kỳ ông làm Chính ủy kiêm Tư lệnh Đại đoàn 320, chiến đấu trong vùng địch hậu Đồng bằng Bắc bộ và thời kỳ ông làm Tổng Tham mưu trưởng tham gia chỉ đạo, chỉ huy nhiều chiến dịch lớn tầm chiến lược.

Vị tướng tài ba trong kháng chiến chống Pháp

Đầu năm 1951, trước yêu cầu xây dựng, phát triển quân đội và đẩy mạnh kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Văn Tiến Dũng được Trung ương Quân ủy và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ thành lập Đại đoàn 320-một trong những đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về người, vật chất và vũ khí trang bị nhưng với tài thao lược của Đại đoàn trưởng Văn Tiến Dũng, Đại đoàn 320 đã liên tiếp giành thắng lợi trong hàng trăm trận đánh, hàng chục chiến dịch. 

Đánh giá về tài thao lược của Đại đoàn trưởng Văn Tiến Dũng trong những năm tháng chỉ huy Đại đoàn 320 hoạt động trên chiến trường Bắc bộ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Văn Tiến Dũng được Trung ương điều về Liên khu 3 tăng cường lãnh đạo chiến tranh du kích ở Đồng bằng Bắc bộ. Đầu năm 1951, khi thành lập Đại đoàn 320, đồng chí được chỉ định làm Tư lệnh, kiêm Chính ủy Đại đoàn. Có thể nói, chiến trường đồng bằng và Đại đoàn 320 là nơi đồng chí Văn Tiến Dũng phát triển tài năng quân sự xuất sắc của mình, chỉ huy bộ đội đánh bại nhiều cuộc càn lớn của các binh đoàn cơ động quân Pháp, cùng các lực lượng vũ trang địa phương phát triển phong trào du kích chiến...

Bước sang năm 1953, diễn biến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng có lợi cho ta. Ta càng đánh càng mạnh, thực dân Pháp càng kéo dài cuộc chiến càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng. Đáp ứng nhu cầu chỉ đạo chiến tranh ngày càng cao ở cơ quan chiến lược, tháng 11/1953, Bộ Chính trị quyết định điều động Thiếu tướng Văn Tiến Dũng - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320 về làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhận nhiệm vụ mới trong điều kiện chiến sự đang diễn ra dồn dập trên khắp các chiến trường, ông đã nhanh chóng tổ chức lực lượng nghiên cứu, rà soát các phương án đánh địch; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuẩn bị người, vật chất cho mặt trận và khắc phục những khó khăn, vướng mắc nhằm chuẩn bị tốt nhất cho cuộc tổng công kích vào sào huyệt cuối cùng của thực dân Pháp.

Trong những ngày diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, theo sự phân công của Bộ Tổng Tư lệnh, Thiếu tướng Văn Tiến Dũng đã cùng đồng chí Nguyễn Chí Thanh tham mưu, giúp Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chỉ đạo chiến trường đồng bằng, đồng thời tổ chức huy động sức người, sức của chi viện cho Mặt trận Điện Biên Phủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng gặp lại nhau sau giải phóng Sài Gòn ngày 5/5/1975.

Những thắng lợi mang đậm dấu ấn vị tướng Tổng Tham mưu trưởng 

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Thượng tướng Văn Tiến Dũng luôn đi sâu, đi sát các đơn vị và chiến trường để nắm bắt tình hình, đúc kết thành quy luật, phương châm chỉ đạo tác chiến, đề xuất ý kiến với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đưa các quyết sách đúng đắn, kịp thời cho từng chiến trường, từng giai đoạn lịch sử của đất nước.

Thực tiễn chiến đấu và thắng lợi trong các cuộc đụng đầu với quân Mỹ là cơ sở quan trọng để Ban Chấp hành Trung ương Đảng hình thành và hoàn chỉnh Nghị quyết Trung ương 12, khóa II (tháng 12/1965), khẳng định quyết tâm, đường lối đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Lịch sử đã chứng minh, trong các năm sau đó, chúng ta đã đánh bại 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô thứ nhất (1965-1966) và mùa khô thứ hai (1966-1967) của Mỹ. Đặc biệt, chúng ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, bất ngờ đánh mạnh vào các mục tiêu trong đô thị trên toàn miền Nam, làm chấn động nước Mỹ, buộc giới lãnh đạo Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và thừa nhận sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Thắng lợi đó mang đậm dấu ấn của Bộ Tổng Tham mưu do Thượng tướng Văn Tiến Dũng làm Tổng Tham mưu trưởng.

Khi đế quốc Mỹ thực hiện Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Thượng tướng Văn Tiến Dũng được Bộ Chính trị tin tưởng trực tiếp giao nhiệm vụ chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn có ý nghĩa quan trọng, như: Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (từ 30/1 đến 23/3/1971), đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch, làm thay đổi căn bản cục diện chiến trường ba nước Đông Dương, làm lung lay chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ; Chiến dịch Trị - Thiên (tháng 3/1972), tiêu diệt Sư đoàn 3 cùng toàn bộ hệ thống phòng ngự của quân đội Sài Gòn, giải phóng tỉnh Quảng Trị.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng được giao trọng trách thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3/1975). Trong chiến dịch này, ông đã chỉ đạo dùng các binh đoàn cơ động thọc sâu vào Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Với nghệ thuật “nở hoa trong lòng địch”, chiến dịch đã giành thắng lợi, mở ra khả năng kết thúc sớm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tháng 4/1975, trên cương vị là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã chỉ đạo quân và dân ta thực hiện cách đánh táo bạo, thọc sâu, kết hợp vu hồi, đột phá, tạo và nắm thời cơ, chủ động tiến công, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, đầu não của chính quyền Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, với các trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Văn Tiến Dũng tiếp tục có những cống hiến to lớn trong việc chỉ đạo các lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân tham gia củng cố các vùng mới giải phóng, từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh và triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân, củng cố nền quốc phòng toàn dân, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Thập niên 1980, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư thứ Nhất rồi Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã tập trung chỉ đạo xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, tăng cường khả năng phòng thủ đất nước, làm thất bại thủ đoạn chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch; đồng thời, cứu giúp nhân dân Campuchia đánh đổ tập đoàn phản động Khơ-me Đỏ, góp phần to lớn vào việc củng cố, tăng cường tình đoàn kết giữa ba nước Đông Dương.

Đánh giá về công lao đóng góp và tài thao lược của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Đại tướng Văn Tiến Dũng - một vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài thao lược xuất chúng, một người cộng sản kiên cường, bất khuất đã cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng của Đảng, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Không chỉ là vị tướng cầm quân xuất sắc, Đại tướng Văn Tiến Dũng còn là một nhà lý luận quân sự khoa học tài ba. Từ năm 1986, khi được Ban Chấp hành Trung ương Đảng phân công chỉ đạo công tác tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự, Đại tướng đã có nhiều đóng góp to lớn vào kho tàng lý luận và nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là lý luận và nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng.
Những bài viết, công trình tiêu biểu của ông như: “Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự Việt Nam” được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2007, tập hồi ký “Đại thắng mùa Xuân” viết về cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân 1975; “Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học”... là những pho sử quý và là cẩm nang để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hôm nay và mai sau nghiên cứu, học tập và noi theo.

Đọc thêm