Nguyễn Công Trứ bị vướng án vu cáo như thế nào?

(PLO) -Nói đến Nguyễn Công Trứ (1778-1858), là hậu thế nhớ đến một vị quan nhà Nguyễn có tài, và cũng là người có tính cách nổi loạn. Con người ấy, xứng là một danh nhân, một kẻ sĩ ở đời. Ấy thế, trong đời cụ, cũng từng rơi vào cái cảnh “Xuống ngựa, lên xe, nọ tưởng  phàm/Lợm mùi giáng chức với thăng quan”. Dĩ nhiên, việc “xuống ngựa, lên xe” nơi quan trường là lẽ thường. Và đó là lúc quan họ Nguyễn vướng án. 
Nguyễn Công Trứ
Nguyễn Công Trứ

Nguyễn Công Trứ, vốn người đất Hà Tĩnh. Thân thế của ông, trong “Giai thoại làng Nho” có ghi rõ. Ông tự là Tôn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn (ấy thế nên sau này ông có câu tự trào là “Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng”). Quê ông, xem qua “Từ điển nhân vật xứ Nghệ”, là làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Sau này, ông được gọi là Uy Viễn tướng công là vì thế. 

Xứng bậc kỳ tài

Cha Nguyễn Công Trứ là Nguyễn Công Tấn (?-1800) cũng là một danh thần thời Lê Trung hưng, từng đỗ Hương giải rồi làm quan. Nối gót phụ thân, Nguyễn Công Trứ cũng thuộc hàng có tài học. Theo “Việt Nam danh nhân từ điển” miêu tả, thì lúc nhỏ, Nguyễn Công Trứ “đã tỏ ra đĩnh ngộ khác thường, lại được thụ nghiệp với quan Tham đốc họ Lê”.

Nơi “Thân  thế và thơ văn Nguyễn Công Trứ” còn cho biết thêm “Tính cụ rất tự nhiên, phóng khoáng. Trong lúc giao tiếp với đời, cảm xúc thế nào, xuất khẩu thành chương; cho nên văn thơ cụ vừa tự nhiên, vừa thiết thực”. 

Bởi cha ra làm quan cũng từ đường khoa bảng, nên Nguyễn Công Trứ cũng theo gương mà lập thân nơi cửa Khổng, sân Trình. Năm Quý Dậu (1813), ông đỗ tú tài. Đến năm Kỷ Mão (1819) khi ở tuổi 41, ông mới đỗ Giải nguyên. Từ đây, họ Nguyễn trở thành một ông quan ăn lộc nước, kinh qua nhiều chức vụ khác nhau cho đến khi trí sĩ hồi hưu. 

Theo ghi chép trong “Giai thoại làng Nho”, ta được biết Nguyễn Công Trứ thuở hàn vi khi chưa đỗ đạt, từng tương kiến với Tả quân Lê Văn Duyệt. Chuyện ấy, như một giai thoại ly kỳ, mà cũng tỏ được phần nào tài năng của Nguyễn Công Trứ vậy. Số là hôm ấy, Nguyễn Công Trứ đi chơi thì gặp trời mưa, bèn vào một nhà bán hàng, nằm trên ổ rơm nhà họ đánh một giấc.

Lúc sau, đại binh của Lê Văn Duyệt đi qua, ghé vào quan. Mọi người thấy thì nép hết, chỉ mỗi Trứ đang say giấc điệp. Lúc ấy, Tả quân cưỡi ngựa tới, Nguyễn Công Trứ thức dậy, thấy cảnh ấy, nhưng không lấy làm sợ. Tả quân thấy ông có vẻ đĩnh đạc, sai người dẫn đến, hỏi: “- Cớ sao thấy đại quân ta trẩy qua mà cứ nằm đó không chịu đứng dậy cho phải phép?”

Trứ đáp: “- Quân của đại tướng là quân nhân nghĩa, đi tới đâu, dân vẫn yên ổn làm ăn, không bị kinh động. Bởi vậy, tiểu sinh vẫn nằm yên không lo ngại gì. Vả lại đi đường mệt, gặp nơi ấm nên ngủ quên, thành ra đắc tội. Xin đại tướng lượng thứ.” 

Tả quân nghe vậy, hỏi: “- Mi là học trò hả? Vậy hãy thử vịnh cảnh nằm ổ rơm đắp chiếu ta nghe. Hay thì ta tha cho, bằng không sẽ chiếu theo quân pháp.” Nguyễn Công Trứ liền ứng khẩu ngay: “Ba vạn anh hùng đè xuống dưới/Chín lần thiên tử đội lên trên”.

Binh thời Nguyễn
Binh thời Nguyễn

Tả quân nghe xong kinh ngạc, thưởng tiền và cho về. Tài năng của ông từ đó được Lê Văn Duyệt để ý, và thường nói với các quan trong triều rằng: “Người ấy thực là bậc kỳ tài, lại có chí lớn. Nếu triều đình biết dùng, chắc sẽ thành một bề tôi lương đống mai sau”. Và quả vậy… 

Công lớn khẩn hoang

Ngay từ khi chưa đỗ đạt, nhưng với trách nhiệm của kẻ sĩ, ông từng vào kinh đô Phú Xuân dâng bản điều trần lên vua Gia Long khi nhà Nguyễn mới lập. Việc ấy, được “Đại Nam thực lục” ghi lại, nhằm năm Quý Hợi (1803): “Người huyện Nghi Xuân là Nguyễn Công Trứ điều trần mười việc. Sai bộ Lại duyệt kỹ để tâu”. Bản điều trần ấy, tương truyền tên gọi là “Thái bình thập sách”.

Sau khi thi đỗ Giải nguyên, Nguyễn Công Trứ nhận đỉnh đai, chức tước phục vụ triều đình. Ông được bỏ làm Hành tẩu Quốc sử quán, rồi Tri huyện Đường Hào thuộc Hưng Yên. Tiếp đó, ông được bổ vào dạy học nơi Quốc Tử Giám, làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên.

Trong đời làm quan, họ Nguyễn cũng nhiều phen được giao việc đi đánh dẹp các cuộc nổi loạn chống lại triều đình, như khởi nghĩa Phan Bá Vành, rồi cuộc nổi dậy ở Trà Vinh… Nhưng dấu ấn lớn nhất của ông, chắc chắn là ở lĩnh vực khai khẩn đất đai.

Theo “Thân thế và thơ văn Nguyễn Công Trứ”, lược từ những ghi chép tỉ mỉ nơi “Đại Nam thực lục”, ta được biết năm Mậu Tý (1828), từ đề xuất của ông với vua Minh Mạng, ông được sung chức Dinh điền sứ, ra các hạt Nam Định, Ninh Bình chiêu mộ dân khẩn hoang miền duyên hải,

“Vì cụ có lòng công bằng, lại biết cách yên ủy người dưới nên dân tình được thuyết phục, lũ lượt kẻ xa người gần đến làm ăn. Chẳng bao lâu, một giải Tiền Châu, ruộng khẩn được hơn một vạn tám nghìn chín trăm bảy mươi mẫu, đinh mộ được hơn hai nghìn ba trăm năm mươi người”. 

Mà nào chỉ dừng ở đó…Cũng năm ấy, ông tâu lên vua xin lập huyện mới là Tiền Hải (thuộc Thái Bình nay). Ở đất Nam Định, ông mộ dân khẩn thêm được nhiều làng, lập thêm một tổng thuộc Nam Trực, một tổng thuộc Giao Thủy. Năm sau, huyện Kim Sơn (thuộc Ninh Bình) được lập nên.

Vậy là nhờ có Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ mộ dân khẩn hoang, hai huyện mới Tiền Hải, Kim Sơn được thành hình. Công cuộc khẩn hoang sau đó, còn được quan họ Nguyễn mở ra nơi đất thuộc hạt Quảng Yên, Hải Dương nữa chứ không dừng vậy.

Án đeo vào mình

Lập được nhiều công lao là thế, nhưng cũng có lúc, Nguyễn Công Trứ vướng tội đến nỗi quan lộ ghập ghềnh. Việc này, xảy ra đời vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, được “Đại Nam liệt truyện”, khi ghi tiểu sử của ông, đã chép lại.

Năm Tân Sửu (1841), khi Nguyễn Công Trứ đang làm Tán lý nơi Trấn Tây (đất Cao Miên triều Nguyễn bảo hộ), ông từng bị vua Thiệu Trị định tội lỗi “tước hết quan tước của Công Trứ, lại sai Trứ cùng Phạm Văn Điển đi ngay quân thứ Lạc Hóa để hội đánh giặc”. Sau nhờ dẹp được loạn Lâm Sâm, nên Nguyễn Công Trứ được khởi phục chức Thị lang bộ Binh. 

Nhưng tính ra, tội trạng của ông bị nặng nhất, là năm Giáp Thìn (1844) mà trong “Liệt truyện” có ghi: “Năm thứ 4, Trứ bị tội, phải phát đi làm binh ở miền ven biên giới Quảng Ngãi”. Vậy, ông mắc tội gì nặng đến nỗi đương làm quan triều đình, bị cách hết chức tước, trở thành anh lính vác giáo đi canh giữ miền biên giới? 

Đền thờ Nguyễn Công Trứ tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình
Đền thờ Nguyễn Công Trứ tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình

Về việc này, theo “Từ điển nhân vật xứ Nghệ” cho hay, khi ông về kinh đô năm Quý Mão (1843) làm Tham tri bộ Binh, “nhưng bị vu cáo, cách hết chức tước, phải làm lính thú lên trấn ở biên thùy Quảng Ngãi”. Ai là người vu cáo ông? Xem trong “Đại Nam thực lục” và “Đại Nam liệt truyện”, thì biết rằng, người ấy là Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn.

Vì Công Nhàn và Công Trứ làm quan nhưng không ưa nhau, nên mới xảy ra việc Nguyễn Công Nhàn “vu tấu Công Trứ phái riêng người đi đặt phá mua sừng tê và đậu khấu các hạng”. Bởi thế, Nguyễn Công Trứ bị cách tuột hết chức tước. 

Đang áo dài, đai rộng, giờ lại thành anh lính đội nón, đi chân đất, ấy vậy mà Nguyễn Công Trứ chẳng lấy làm phiền lòng, đúng như bản tính “ngất ngưởng” của ông. Cũng bởi thế mới có chuyện hay, được “Giai thoại làng Nho” kể lại.

Ấy là hôm vào trình diện quan Tuần vũ Quảng Ngãi “ông mặc quần áo lính, lưng đeo dao và túi gạo, quan tỉnh mời ngồi, ông từ chối, mời thay áo ông cũng không chịu, nói: “Lúc làm tướng tôi không lấy làm vinh, nay làm lính tôi cũng không lấy làm nhục. Người ta ở địa vị nào phải sống theo địa vị ấy. Vả lại, làm lính mà không mặc đồ lính thì sao cho ra người lính”. Nên nhớ lúc ấy, ông đã ở tuổi khao lão 66 rồi chứ chẳng trẻ trung gì. 

Vua Thiệu Trị vì việc này, đã sai Tham tri Trần Ngọc Dao đi điều tra cho rõ ngọn ngành, thì mới phát hiện ra sự thực Nguyễn Công Nhàn vu khống, thế là “Án xử Công Nhàn phải tội phạt trượng đem đi lưu”, nhưng vì Công Nhàn có công, nên chỉ cách chức, theo dưới trường Tôn Thất Bật chỉ huy.

Còn với Nguyễn Công Trứ thì năm sau đó, ông được khôi phục lại chức tước, xóa án vu cáo kia đi. Rõ là làm quan, ăn bổng lộc triều đình, nhưng “con gà tức nhau tiếng gáy” đến nỗi hại nhau, cũng là thói thường chưa bỏ được của con người vậy…

Đọc thêm