Từng tham gia tổ chức Thanh niên cứu quốc, tham gia kháng chiến ở chiến trường Khu V, khu VI thời kỳ chống Pháp; tham gia giải phóng Sài Gòn, làm trong văn phòng Quân ủy T.Ư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi làm thư kí cho Đại tướng Văn Tiến Dũng; sau sang làm cán bộ cao cấp của ngành Dầu khí Việt Nam nhưng đối với Đại tá Trần Thái Vĩnh, những ngày được tham gia giành chính quyền và bảo vệ Lễ tuyên ngôn Độc lập vẫn là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm cách mạng của ông….
Đại tá Trần Thái Vĩnh cùng bạn ôn lại kỷ niệm vào mùa thu của 68 năm về trước. |
Chúng tôi tìm gặp ông trong ngôi nhà nằm khiêm nhường ở khu tập thể Nam Đồng (Hà Nội) khi ông đang cùng ông Phạm Thạch Tâm- một cán bộ lão thành cách mạng- ôn lại kỉ niệm của những ngày sôi sục giành chính quyền vào mùa thu của 68 năm về trước.
Tốt nghiệp bậc Thành chung Trường Bưởi, vừa tròn 18 tuổi, người thanh niên Hà Nội Trần Thái Vĩnh gia nhập tổ chức Thanh niên cứu quốc và hăng hái tham gia các hoạt động đấu tranh chính trị như in tài liệu, rải truyền đơn, dự các buổi mít tinh, biểu tình.
Ngôi nhà số 57 phố Phùng Hưng của gia đình ông lúc đó đã trở thành một trong những cơ sở in truyền đơn và cất giấu súng, đạn cho cách mạng. Ông bảo: “Thời ấy chỉ cần khám thấy có một tờ truyền đơn trong người là cũng bị địch bắt nên gia đình tôi đã bố trí sẵn cửa ở phía sau nhà để thoát hiểm nếu không may bị địch khám xét".
Ông nhớ lại: “Càng gần đến những ngày khởi nghĩa, tinh thần đấu tranh ngày càng dâng cao. Không khí ở khắp Hà Nội rất sôi động. Việt Minh đã biểu tình công khai, diễn thuyết công khai tại rạp Chuông Vàng, rạp Olympia, chợ Hàng Da…”.
Ngày 17/8/1945, Trần Thái Vĩnh đã tham gia trong đoàn người đi phá cuộc mít tinh của Trần Trọng Kim ở Nhà hát lớn. Đại diện của Việt Minh đã gí súng, cướp micro kẻ đang diễn thuyết. Tổ của ông Trần Lâm còn treo một lá cờ đỏ sao vàng khổ to ở nhà hát. Đoàn người đứng ngoài hô vang những khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “ủng hộ Việt Minh”…
Ngày 19/8, biết tin xứ ủy Bắc Kỳ ra lệnh khởi nghĩa, ông cùng tổ nội thành tranh thủ xuống kho vũ khí ở Nhị Khê, Hà Đông lấy mấy thanh kiếm đem về. Đội thanh niên cứu quốc được triệu tập đến khu Giảng Võ, ông được phân công cùng cánh quân biểu tình diễu qua Hàng Gai, Bờ Hồ rồi tiến đến Bắc Bộ phủ.
Đến nơi, thấy cánh cổng vẫn chưa kịp mở khóa, anh em công nhân cứu quốc trèo cổng xông vào tòa nhà lớn. Đồng chí Trần Tử Bình- Thường trực của xứ ủy Bắc Kỳ - ra lệnh giải khâm sai Nguyễn Xuân Chữ về Vạn Phúc. Ngụy quyền Bắc kì sụp đổ, ngụy quyền các tỉnh đến nhận lệnh đầu hàng Việt Minh. Việt Minh cùng nhân dân Hà Nội hô vang “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Những tiếng hô bị kìm nén lâu ngày, giờ vỡ òa như sóng cuộn….
Sau khi tập trung ở Bắc Bộ phủ, ông được lệnh cùng một số anh em sang hỗ trợ Việt Minh đang chiếm trại Bắc Bộ Phủ. Ở đó, phát xít Nhật đã đưa một số xe tăng sang, hạ nòng đại bác nhằm án ngữ và uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân. Ông cùng đông đảo quần chúng dàn hàng ngang ngay trước cổng trại, đối đầu những cỗ xe hung tợn. Trước khí thế sôi sục và hiên ngang của quần chúng cách mạng lẫm liệt vây kín xung quanh, viên chỉ huy quân Nhật đành ra lệnh rút quân sau khi thống nhất với phái viên đại diện Việt Minh.
Sáng mùng 2/9, ông Thái Vĩnh nhận lệnh tham gia Lễ tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Lần đầu tiên nhìn thấy Bác Hồ, cũng như mọi người, ông vui mừng khôn tả. Với chiếc quần âu, cái áo ngắn tay và đôi giày của bảo án binh, lại tự trang bị thêm súng ngắn cầm tay, ông lặng lẽ quan sát xung quanh và thực hiện nhiệm vụ.
Nghe Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, Trần Thái Vĩnh thấy tâm đắc và thấm thía mỗi câu, mỗi lời Bác nói. Khi Bác kêu gọi nhân dân, đồng bào quyết tâm bảo vệ chính quyền non trẻ vừa giành lại được, ông cùng cả rừng tay giơ lên nhiệt liệt hưởng ứng. Quyết tâm được thể hiện rất rõ trên mỗi gương mặt, mỗi cánh tay đưa lên quyết liệt.
Tinh thần đấu tranh của tuổi trẻ, vinh dự của một người được trực tiếp tham gia giành chính quyền trong mùa thu lịch sử năm 1945 đã hun đúc nhiệt huyết cách mạng suốt mấy mươi năm sau. Hình ảnh Bác Hồ giản dị cùng với sức mạnh to lớn được thể hiện trong phong thái và giọng nói ấm áp đọc Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam DCCH và hiệu triệu quốc dân, đồng bào trước Quảng trường năm ấy vẫn theo Đại tá Trần Thái Vĩnh đến tận bây giờ. Đã ở tuổi 86, ông vẫn luôn gương mẫu học tập và làm theo gương Bác để lớp lớp cháu con soi vào đó mà tự răn mình…
Hồng Linh - Khoa Lâm