Gương sáng Pháp luật

Đại úy Đào Duy Công: Vận dụng sáng tạo nhiều mô hình đảm bảo an ninh trật tự

(PLVN) -  Tiên phong viết đơn tự nguyện về cơ sở nhận nhiệm vụ, Đại úy Đào Duy Công (SN 1989, Trưởng Công an xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình như giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; lập tổ tự quản an ninh trật tự… qua đó huy động sức mạnh toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Đại úy Đào Duy Công được biết đến là Trưởng Công an xã nhiệt huyết, đam mê sáng tạo trong công việc.
Đại úy Đào Duy Công được biết đến là Trưởng Công an xã nhiệt huyết, đam mê sáng tạo trong công việc.

Hiệu quả từ tuyên truyền, răn đe trực quan

Vốn là đoàn viên năng nổ, nhiều năm liền làm phó Bí thư Chi đoàn Công an huyện Bảo Lâm nên với anh Công, quãng thời gian hơn 10 năm công tác tại Đội Cảnh sát trật tự giao thông Công an huyện Bảo Lâm chưa phát huy được hết nhiệt huyết, sở trường của anh. “Làm công tác đảm bảo trật tự giao thông chỉ là một lĩnh vực nhỏ. Còn nếu về địa bàn, đòi hỏi phải có cái nhìn bao quát, lĩnh vực nào cũng phải biết. Biết là vất vả hơn trong công việc, đi lại cũng xa hơn, nhưng đây là cơ hội để trau dồi bản thân”, anh Công chia sẻ lý do viết đơn xin về công an xã công tác.

Cũng nhờ nhận định rõ khó khăn, thách thức nên Đại úy Công đã có cách tiếp cận địa bàn kỹ lưỡng, sâu sát. Trước tiên là tích cực đi cơ sở để nắm rõ địa bàn. Cũng nhờ những chuyến đi miệt mài đó mà vị Trưởng Công an xã vừa về nhận nhiệm vụ sớm nhận diện được thách thức.

Địa bàn xã Lộc Nam là địa bàn đa tôn giáo, có hơn 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số; một số người không biết chữ; nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, Lộc Nam là địa bàn tiếp giáp với huyện Di Linh (Lâm Đồng), giáp với 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh của tỉnh Bình Thuận nên nhiều tội phạm lợi dụng vùng giáp ranh để hoạt động, nhất là tội phạm đánh bạc.

“Để tường tận địa bàn, lực lượng công an xã phải thường xuyên xuống thôn bản gặp những người có chức sắc, già làng, đại diện các tổ chức tôn giáo đóng trên địa bàn như cha xứ, linh mục; tiếp xúc với tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở như chi bộ, mặt trận thôn để tìm hiểu đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên động viên các công an viên bán chuyên trách tích cực nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân để kịp thời giải thích, tránh phát sinh điểm nóng”, anh Công nói và cho biết thêm không ngần ngại trao đổi với các Đội nghiệp vụ của công an huyện để nâng cao nghiệp vụ.

Sau khi đã nắm rõ địa bàn, Đại úy Công bắt đầu lên kế hoạch ổn định tình hình cụ thể. Ví dụ với tội phạm cờ bạc, Đại úy Công thường xuyên phối hợp với công an địa phương giáp ranh tổ chức các đợt truy quét. Từ khi về quản lý địa bàn, Đại úy Công đã chỉ đạo Công an xã Lộc Nam tổ chức hàng chục đợt truy quét, xử lý nhiều tụ điểm và 16 đối tượng đánh bạc. Cùng với đó là tăng cường gặp gỡ, răn đe những đối tượng nghi vấn.

Công an xã Lộc Nam tuyên truyền pháp luật đến người dân.

Công an xã Lộc Nam tuyên truyền pháp luật đến người dân.

Một trong những cách tuyên truyền ấn tượng được Công an xã Lộc Nam thời gian qua là cho người vi phạm xem những thước phim về tệ nạn cờ bạc. Cách tuyên truyền trực quan này phát huy hiệu quả rõ rệt, đặc biệt với người dân không biết chữ, hạn chế hiểu biết pháp luật: “Đọc điều luật, người dân có thể không hiểu hết, nhưng chỉ cần xem phim trực quan, nhìn thấy những hệ lụy từ cờ bạc dẫn tới nhà cửa tan nát, nợ nần “tín dụng đen”, nghiện hút… sẽ dễ hiểu hơn rất nhiều”, Đại úy Công nói.

Phương thức phổ biến pháp luật trên được Công an xã Lộc Nam triển khai đều đặn 3 - 4 lần mỗi tháng tại các cuộc họp thôn, họp chi bộ cơ sở theo từng chuyên đề, tùy từng thời điểm. Ví dụ sắp tới mùa thu hoạch cà phê, lao động tự do nơi khác về địa phương tăng lên sẽ tiềm ẩn nguy cơ tội phạm trộm cắp tài sản, do đó công an xã tập trung phổ biến quy định về tội trộm cắp tài sản cũng như cách chủ động phòng ngừa.

Hay như thời gian qua cả nước rộ lên hình thức lừa đảo qua mạng, công an xã đã kịp thời phổ biến cho người dân nắm và phòng ngừa như không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại cho người lạ, không tải các ứng dụng tài chính mà không nắm rõ.

Nhiều năm qua tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã Lộc Nam luôn ổn định.

Nhiều năm qua tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã Lộc Nam luôn ổn định.

Cảm hóa, giúp đỡ người mãn hạn tù hòa nhập cộng đồng

Trong công tác, Đại úy Công còn được biết đến là người luôn mạnh dạn đề xuất, triển khai nhiều mô hình hiệu quả góp phần đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn. Tiêu biểu như mô hình cảm hóa, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng triển khai từ năm 2021.

Theo đó, ngay khi nhận được danh sách những người chấp hành xong án tù chuẩn bị về địa phương, Công an xã Lộc Nam sẽ tham mưu UBND xã lập tổ cảm hóa, vận động gồm đầy đủ thành phần từ chi bộ thôn, mặt trận đến hội phụ nữ, đoàn thanh niên, trong đó công an đóng vai trò chủ công.

Tổ công tác thường xuyên gặp gỡ những người mãn hạn tù để tuyên truyền, động viên, tránh để họ tái phạm. Bên cạnh đó, tổ cảm hóa cũng làm việc với các DN trên địa bàn nhằm tạo công ăn việc làm ổn định cho những người này.

Nói thì đơn giản nhưng theo Đại úy Công, một số người từng lầm lỗi sẽ có sự tự ti, mặc cảm nhất định. Nếu các đoàn thể ồ ạt tới nhà tuyên truyền sẽ dễ phản tác dụng, khiến người từng sai phạm có thể có cảm giác họ bị quản lý chứ không phải được giúp đỡ.

“Do đó, khi tới gặp gỡ người tái hòa nhập cộng đồng sau khi mãn hạn tù có thể mặc thường phục thôi, có thể gặp gỡ họ bất cứ đâu, qua các mối quan hệ thân thiết để xóa khoảng cách, trò chuyện cũng thoải mái hơn. Nếu gặp người khép kín, không hợp tác thì cũng không được mặc kệ họ mà vận động thông qua bố mẹ, vợ, bạn bè. Đặc biệt cần chủ động kiểm tra các mối quan hệ của họ rồi tuyên truyền kết hợp răn đe khi thấy có dấu hiệu nguy cơ”, Đại úy Công chia sẻ.

Nhờ áp dụng cách làm này mà tỷ lệ người mãn hạn tù tái phạm ở Lộc Nam gần như không có. Thậm chí nhiều người đã vươn lên trở thành điển hình phát triển kinh tế ở địa phương như anh Nguyễn Xuân Báo (thôn 7, Lộc Nam) hiện có vườn sầu riêng thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Thành công lớn nhất tại xã Lộc Nam là sau khi áp dụng một số giải pháp, người dân có sự chuyển biến lớn trong chấp hành quy định pháp luật.

Thành công lớn nhất tại xã Lộc Nam là sau khi áp dụng một số giải pháp, người dân có sự chuyển biến lớn trong chấp hành quy định pháp luật.

Hoặc như mô hình tổ tự quản ANTT ở xã Lộc Nam cũng cho thấy hiệu quả rõ rệt. Hiện 10 thôn của xã đều có tổ tự quản do công an viên làm tổ trưởng. Mỗi tổ có từ 10 - 20 người được hướng dẫn các nghiệp vụ cơ bản đảm nhận nhiệm vụ tuần tra, kịp thời phát hiện tội phạm trên địa bàn. Mô hình này đặc biệt phát huy hiệu quả trong các đợt cao điểm lễ, Tết, mùa vụ thu hoạch nông sản.

“Thành viên tổ tự quản đều tự nguyện tham gia, không hề có chế độ tiền bạc nào nhưng nhân dân đều nhiệt tình tham gia vì mang lại lợi ích rõ rệt. Nói đơn giản, khi đến mùa thu hoạch nông sản, gần như nhà nào cũng lên rẫy, lúc đó tổ tự quản tuần tra liên tục sẽ giúp nhân dân an tâm sản xuất, không lo bị mất cắp tài sản. Nói dễ hiểu hơn, các hộ gia đình luân phiên cử người trông nhà cho nhau, qua đó còn góp phần củng cố sự đoàn kết, tình làng nghĩa xóm”, Trưởng Công an xã Lộc Nam nói.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như vậy, nhiều năm qua tình hình ANTT trên địa bàn xã Lộc Nam luôn ổn định, tỷ lệ tội phạm đã giảm. Đặc biệt tội phạm cờ bạc cơ bản được khống chế.

Tuy nhiên, thành công lớn nhất như lời Đại úy Công là người dân có sự chuyển biến lớn trong chấp hành quy định pháp luật. Đơn cử như trước đây nhiều người khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn đều tự xử lý, khi không xử lý được mới trình báo chính quyền, nhưng hiện nay có mâu thuẫn gì đều trình báo công an địa phương giải quyết.

Gương thanh niên Công an xã có thành tích xuất sắc

Đại úy Đào Duy Công, Trưởng Công an xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) năm 2021 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, năm 2022 được Bộ Công an tuyên dương là gương thanh niên Công an xã có thành tích xuất sắc.

Trong công tác, Đại úy Công được đánh giá luôn tận tụy và trách nhiệm, chủ động rà soát, đánh giá thực trạng các loại tội phạm trên địa bàn để triển khai các biện pháp quản lý hiệu quả; chủ động tham mưu xây dựng mới và đưa vào hoạt động hiệu quả nhiều mô hình. Qua đó đảm bảo ANTT trên địa bàn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đọc thêm