Đắk Nông: Đầu tư tiền tỷ xây chợ dưới chân đồi rồi bỏ hoang

(PLVN) - Dù được đầu tư với số tiền hàng tỷ đồng nhằm phục vụ việc buôn bán cho người dân cũng như phát triển kinh tế tại địa phương nhưng đưa vào hoạt động được một thời gian, chợ nông sản Tuy Đức nay bị bỏ hoang. 

Chợ nông sản Tuy Đức được đầu tư xây dựng năm 2009, hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2014 với tổng diện tích là 1.950m2 (quy mô 2 tầng), 176 sạp buôn bán. Ở thời điểm xây dựng, từng được xem một trong những ngôi chợ có quy mô nhất tỉnh Đắk Nông.

Nhiều tiểu thương cho biết, chợ nông sản Tuy Đức nằm ở dướ” thung lũng, lại xa khu dân cư, nên buôn bán rất ế ẩm. Chỉ một thời gian ngắn hoạt động, đầu năm 2016, hàng chục tiểu thương lần lượt rời bỏ chợ ra ngoài kinh doanh.

Một hộ tiểu thương đã từng kinh doanh trong chợ cho hay:  “Năm 2012, tôi có thuê một ki ốt trong chợ với giá 39 triệu đồng, thời hạn trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, do chợ vắng khách, nên chỉ hoạt động được một thời gian ngắn thì đóng cửa. Số tiền 39 triệu đồng mua kiốt đã được chính quyền địa phương trả lại, còn số tiền đầu tư vào ki ốt hơn 10 triệu đồng thì bị mất trắng”.

Chợ nông sản Tuy Đức đang xuống cấp trầm trọng theo thời gian
Chợ nông sản Tuy Đức đang xuống cấp trầm trọng theo thời gian 

Theo các hộ tiểu thương, Tuy Đức là huyện biên giới còn khó khăn, hạ tầng nhiều nơi còn thiếu thốn, việc ngôi chợ bề thế “đắp chiếu” thì rất lãng phí. Chợ không hoạt động, chúng tôi là người dân nhìn vào ai cũng xót xa. Chợ bỏ hoang 4-5 năm nay, nhưng lãnh đạo địa phương thì vẫn “ngồi yên”. Tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến nhưng tình trạng của chợ vẫn y như cũ. Việc lãng phí ngân sách không biết khi nào mới chấm dứt.

Do bị bỏ hoang nên nhiều hàng mục trong chợ đã bị hư hỏng, xuống cấp.
Do bị bỏ hoang nên nhiều hàng mục trong chợ đã bị hư hỏng, xuống cấp.

Theo tìm hiểu của PV được biết, mặc dù chợ để hoang, nhưng mỗi tháng ngân sách nhà nước tiếp tục phải chi trả thêm 6 triệu đồng cho việc thuê 2 người dân làm nhiệm vụ bảo vệ.

Một lãnh đạo Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Tuy Đức ( Đắk Nông) nói: “Trong khi chờ chuyển đổi công năng sử dụng, chợ vẫn còn tải sản thì phải có người trông coi, không mất mát ai chịu. Phòng chúng tôi ký hợp đồng thời vụ thôi, bao nhiêu năm nay cứ khoán tất tần tật là 3 triệu đồng/người/tháng. Chúng tôi làm theo chủ trương, kết luận của lãnh đạo UBND huyện".

Đọc thêm