Nhiều nguy cơ rình rập
Các bậc phụ huynh đi du lịch cùng trẻ em cần tìm hiểu kỹ lưỡng để chuẩn bị và đề phòng rất nhiều mối nguy hiểm tiềm tàng trong chuyến đi. Một số rủi ro, tai nạn phổ biến có thể xảy ra bao gồm: trẻ mắc bệnh, bị thương tích như xước xát da, gãy xương, bỏng, hoặc bị ngộ độc, hóc dị vật, dị ứng hay bị đuối nước, bị lạc, … Bên cạnh đó, thời tiết, môi trường và thức ăn thay đổi, là những yếu tố gây tác động đến sức khoẻ của trẻ em.
Trước hết về vấn đề thời tiết. Theo dự báo của chuyên gia khí tượng thuỷ văn, mùa hè năm nay nóng hơn năm 2022 trên phạm vi toàn quốc, kể cả ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Cụ thể là số ngày nắng nóng có thể xuất hiện nhiều hơn, nhiều khả năng xuất hiện giá trị nhiệt độ cao nhất vượt kỷ lục đã từng được quan trắc. Các đợt nắng nóng trung bình kéo dài từ 2-4 ngày, có đợt dài hơn, khoảng 5 – 7 ngày. Thời gian nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung từ tháng 5 đến tháng 8, trong đó cao điểm ở miền Bắc là tháng 6 – 7, ở miền Trung là tháng 7. Hiện nay, nhiều khu vực trên cả nước đã và đang trải qua những đợt nắng nóng, nắng nóng gay gắt.
Ngay từ đầu mùa hè, Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cảnh báo hiện tượng này là một trong những hiện tượng thời tiết nguy hiểm, khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài đường vào những thời điểm nắng nóng mạnh nhất nhằm bảo vệ sức khoẻ. Trẻ em đặc biệt nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, bởi vậy việc xem trước dự báo thời tiết tại điểm đến và lựa chọn những thời điểm thời tiết thích hợp để đi du lịch là một trong những yếu tố cần thiết phải cân nhắc trong khâu lập kế hoạch chuyến đi. Mặt khác, trong chuyến đi, các bậc phụ huynh có thể chuẩn bị thêm cho con trẻ các vật dụng chống nắng nóng như kem chống nắng, áo khoác, khẩu trang, găng tay, kính mát, chai nước nhỏ, …..
Mặt khác, theo các khuyến cáo của ngành y tế, thời tiết mùa hè với khí hậu nóng ẩm kéo dài tạo điều kiện cho nhiều loại virus, vi khuẩn, côn trùng phát triển, cùng với việc đi lại của người dân tăng cao sẽ là những điều kiện thuận lợi cho nguy cơ dịch bệnh gia tăng, bùng phát như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy do virus Rota, lỵ, thương hàn, viêm não do virus, viêm não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản, bạch hầu, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. Trẻ em, đặc biệt trẻ nhỏ, là đối tượng sức đề kháng kém nên có nguy cơ lây nhiễm các bệnh do virus khi tập trung đông người như cảm cúm, ho, sốt…
Bên cạnh đó, trong những chuyến đi du lịch, thói quen ăn uống, nếp sinh hoạt thường ngày của trẻ cũng thường bị xáo trộn đột ngột, dễ dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa như đau bụng, ngộ độc,… Bởi vậy, các bậc cha mẹ cần cảnh giác và không lơ là việc thực hiện biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo của ngành y tế để giảm nguy cơ trẻ bị lây nhiễm khi đi xa nhà. Đồng thời, chuẩn bị sẵn một số loại thuốc dự phòng như thuốc cảm cúm, hạ sốt, thuốc ho, thuốc chống dị ứng, men tiêu hóa, băng, gạc y tế, các loại kem chống muỗi, dầu gió…
Một mối nguy thường gặp khác ở trẻ khi du lịch hè là nguy cơ đuối nước. Do mùa hè nóng nực nên đa phần các gia đình lựa chọn du lịch biển, hoặc các địa điểm mát mẻ gần sông, suối, hồ. Đuối nước cũng là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số tai nạn thương tích ở trẻ em Việt Nam. Dù đi chơi biển hay về vùng nông thôn, các bậc cha mẹ không được chủ quan cho trẻ em tự dùng phao bơi hoặc tự chơi tại những khu vực biển, sông, suối, ao, hồ, mà phải luôn bên cạnh để trông giữ trẻ. Nếu trẻ biết bơi thì cũng chỉ cho bơi gần bờ, không cho trẻ tắm ở xa bờ vì có nhiều khả năng sẽ bị sóng đánh úp hay gặp các hố ngầm, vùng nước xoáy khiến trẻ bị đuối nước.
Chú ý trang bị áo phao, phao bơi cho con trẻ khi đến các địa điểm có sông nước. (Ảnh minh hoạ) |
Đáng nói, trẻ em thường hiếu động, ham chơi nên dễ bị lạc. Bởi vậy, bố mẹ cần đặc biệt để ý đến con tại chỗ đông người, hạn chế tầm nhìn như như sân bay, bến xe, trung tâm thương mại… Trong nhiều tình huống bố mẹ không để ý nên lạc mất con, họ thường đứng tại chỗ gọi tên con thật to trước khi đi tìm hoặc nhờ tới sự trợ giúp của ban quản lý ở khu công cộng và lực lượng an ninh. Đặc biệt, nếu gia đình lựa chọn đi du lịch nước ngoài cùng với trẻ em, thì vấn đề thất lạc còn có thể gặp nhiều khó khăn hơn, đơn cử như rào cản ngôn ngữ, không thông thuộc đường sá,…
Rõ ràng, đi du lịch cùng với trẻ em không chỉ đơn giản là “xách ba lô lên và đi”. Cho con tiếp cận khám phá thế giới qua những chuyến đi là cơ hội tốt để trẻ em mở mang hiểu biết. Tuy nhiên, trước những nguy cơ nguy hiểm luôn luôn tiềm ẩn xung quanh thì cha mẹ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cũng như luôn luôn quan sát, để ý con trẻ, đồng thời cũng phải trang bị cho trẻ em những kiến thức và kỹ năng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Để trẻ em du lịch an toàn, vui vẻ
Mặc dù có nhiều nguy cơ nhưng nếu gia đình có sự chuẩn bị kĩ thì đều có thể phòng, tránh được, để đem đến cho trẻ em và cả gia đình những trải nghiệm và kỷ niệm tốt nhất. Trước khi khởi hành chuyến đi, đi du lịch trong nước hay quốc tế, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về điểm đến du lịch, các gói bảo hiểm du lịch, kỹ năng cần có cho cả cha mẹ và trẻ em trước chuyến đi, cùng với các vật dụng cần thiết, thức ăn cho trẻ, quần áo,…
Trong đó, điểm đến du lịch phù hợp, an toàn với trẻ em chính là thông tin quan trọng nhất, quyết định trải nghiệm của cả gia đình. Đơn cử, nếu lựa chọn đến những điểm đến có biển, các phụ huynh có thể chú ý tìm hiểu những vùng biển an toàn, thường có cắm cờ báo hiệu. Nếu một vùng biển không có cờ báo hiệu vùng an toàn thì hãy trực tiếp hỏi ý kiến đội cứu hộ để biết vùng nào là an toàn. Nếu không có vùng an toàn, gia đình có thể cân nhắc đưa con trẻ đến một địa điểm khác đảm bảo an toàn hơn. Đồng thời, điểm đến cũng cần đảm bảo các tiêu chí như khu du lịch kết hợp nhà nghỉ với các tiện ích, khoảng cách di chuyển từ nhà đến vị trí vui chơi không nên quá xa, có các vật dụng cho trẻ em…
Trẻ em ngày nay có nhiều cơ hội đi du lịch hơn, do vậy hầu hết các gia đình đều chú ý đến việc trang bị cho các em các kiến thức và kỹ năng cần thiết từ khi còn nhỏ trước các chuyến đi. Cha mẹ thường phải dạy trẻ những kỹ năng cơ bản như: tuyệt đối không đi theo người lạ, nhắc trẻ thông báo một cách bí mật cho bố mẹ ngay lập tức nếu có ai đó chạm vào cơ thể, không nên đến gần những nơi ao, suối, sông, hồ khi không có bố mẹ, học cách ghi nhớ tên tuổi cha mẹ, địa chỉ, điện thoại liên lạc, luôn bám sát bố mẹ và cho bố mẹ biết khi định đi đâu, không bao giờ tự ý rời khỏi chỗ du lịch và không có người nhà đi cùng… Với những trẻ lớn hơn, phụ huynh có thể đưa ra các tình huống và hướng dẫn trẻ cách xử lý như tìm sự giúp đỡ của cảnh sát hay nhân viên an ninh, cũng như cách giúp đỡ các anh chị em khác trong gia đình. Nhiều phụ huynh cẩn thận có thể cài vào balo hay túi áo bé mảnh giấy ghi tên, địa chỉ, số điện thoại của gia đình để phòng các trường hợp đi lạc.
Cha mẹ cần theo sát con cái mọi lúc mọi nơi trong suốt chuyến đi. (Ảnh minh hoạ) |
Trong quá trình du lịch, các bậc cha mẹ không bao giờ được lơ là con cái. Ở những nơi đông người, chỉ một chút lơ là của cha mẹ cũng có thể khiến con bị lạc. Ở những nơi có nước, cha mẹ chủ quan không trông giữ con cẩn thận, không dùng phao bơi cho trẻ mà để con ham chơi dưới nước có thể xảy ra những trường hợp đáng tiếc như bị sóng cuốn ra xa, say nắng, chuột rút,.. dẫn đến bị đuối nước. Bố mẹ cũng nên theo dõi nhiệt độ thân thể trẻ trong suốt chuyến đi để tránh việc trẻ bị nóng, mất nhiệt, mất nước, hoặc các biểu hiện bệnh tật như ho, sốt… để phòng tránh từ sớm.
Một điều quan trọng không kém là bố mẹ cũng cần quan tâm đến tâm lý, cảm xúc của con trẻ. Khi đi chơi xa nhà, trẻ em có thể có những diễn biến tâm lý như căng thẳng, lo lắng hoặc ham chơi, quấy phá. Do vậy, khi con phạm lỗi hoặc không muốn tham gia cùng gia đình một số trải nghiệm trong chuyến đi thì nên tránh việc trách mắng nặng lời, thay vào đó, các bậc cha mẹ nên hỏi han, lắng nghe và dạy bảo nhẹ nhàng để con trẻ tận hưởng kỳ nghỉ với tâm lý thoải mái.