Đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân

(PLVN) - Các hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc đã vào cuộc… trữ hàng hóa ứng phó với dịch nCoV được dự báo sẽ diễn biến phức tạp thời gian tới. Cá biệt, có những mặt hàng thiết yếu tăng dự trữ lên đến 300%, phục vụ liên tục người dân đến sau 21h hàng ngày.
Mì gói, gạo, dầu ăn… là các mặt hàng được nhiều người tích trữ trong những ngày gần đây
Mì gói, gạo, dầu ăn… là các mặt hàng được nhiều người tích trữ trong những ngày gần đây

Khuyến khích mua bán trực tuyến

Ngày 5/2, trước luồng dư luận cho rằng các nguồn hàng thiết yếu đang dần khan hiếm do người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn công tác đột xuất tìm hiểu về tình hình dự trữ hàng hóa tại các hệ thống phân phối lớn ở Hà Nội. Theo ghi nhận của PLVN, các mặt hàng nông sản thiết yếu vẫn đầy đủ trên các kệ hàng hóa. 

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (TTTN - Bộ Công Thương) cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch cúm nCoV, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị về ngăn chặn dịch cúm, trong đó giao Vụ TTTN theo dõi sát sao tình hình cung ứng và giá cả các mặt hàng thiết yếu, giá dầu trên thế giới và tiêu thụ thanh long, dưa hấu trong nước khi chưa thể xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Vụ này đã làm việc với các hệ thống phân phối lớn như Big C, Co.opmart, Vinmart, Megamaket, Aeon… để đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu hàng ngày, các mặt hàng phục vụ cho phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay...

Ngoài việc đề nghị các hệ thống siêu thị tăng lượng dự trữ hàng hóa lên cao hơn nhiều so với dịp Tết, Vụ TTTN cũng đề nghị các hệ thống phân phối phải báo cáo số liệu 13 mặt hàng thiết yếu cũng như 3 nhóm hàng phục vụ công tác phòng dịch hàng ngày. Vụ này cũng đã xây dựng các kịch bản khác nhau trong đợt dịch này để vừa đảm bảo giữ giá ổn định vừa tăng lượng hàng hóa bán ra. 

Dịp này, Vụ TTTN cũng khuyến khích các hệ thống phân phối lớn tăng cường kênh thương mại điện tử giao hàng tận nhà cho khách hàng, hạn chế lượng người dân tụ tập đông một chỗ. Theo đó, Saigon Co.op đã đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử ở phía Bắc. Bà Nga tiết lộ thêm, Vụ TTTN cũng đang vận động Vinmart mở cửa trở lại Adayroi.com (mới đóng ngay dịp trước Tết) và phía Vinmart cũng đã hứa sẽ mở cửa trở lại kênh bán hàng điện tử này. 

“Chắc chắn đảm bảo đủ nguồn hàng thiết yếu cho nhân dân nếu dịch kéo dài. Các mặt hàng phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô cũng đã được tăng cường đưa ra thị trường. Vụ TTTN kết nối liên tục với các kênh phân phối để nắm bắt tình hình hàng hóa mỗi ngày nên người dân không phải lo lắng tích trữ hàng hóa”, bà Nga khẳng định.

Hàng dự trữ dồi dào

Ngay trước và sau Tết Nguyên đán, các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng mạnh bởi các cơn mưa đá nên các nhà cung cấp rau xanh miền Bắc không kịp trở tay, do đó việc cung cấp rau xanh cho các hệ thống siêu thị toàn miền Bắc gặp nhiều khó khăn. Do vậy, các hệ thống này đã phải chuyên chở rau từ Đà Lạt và TP Hồ Chí Minh ra để cung cấp cho toàn hệ thống phân phối miền Bắc. 

Ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc Big C miền Bắc cho biết, tại hệ thống siêu thị Big C trên miền Bắc, các mặt hàng rau nông sản được tăng cường từ Đà Lạt ra, rất dồi dào và đảm bảo đủ cung ứng cho nhu cầu khách hàng. Riêng các mặt hàng khô như mỳ tôm, dầu ăn, gạo, sữa… Big C đã tăng dự trữ trong kho gấp 3 lần (tương đương 300%) trong khi đó hàng vẫn còn về tiếp mỗi ngày. 

Cũng theo thông tin ông Hà cung cấp, lượng khách hàng tăng gấp 2, gấp 3 so với bình thường; Sản lượng hàng hóa bán ra tăng đến 30% so với cùng kỳ năm trước. Hiện khách hàng đã lựa chọn mua nhiều hơn các loại đồ khô như mỳ tôm, dầu ăn, đồ hộp nhưng không thấy có hiện tượng khách hàng hoang mang, lo lắng thiếu thực phẩm khi lo sợ dịch sẽ kéo dài. Cùng với đó, Big C cũng đang kết nối với Vinatex để đưa mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn vào hệ thống siêu thị để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho khách hàng. 

“Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ và nhiều phương án để giúp người dân ứng phó với mùa dịch nCoV. Thậm chí, sau 9h tối vẫn còn đủ các mặt hàng rau cho khách, giá cũng thấp hơn so với thị trường nên khách hàng không cần lo lắng việc phải tích trữ hàng hóa” , ông Hà khẳng định. 

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Co.op mart Hà Nội cũng cho biết, đơn vị này đã kịp làm việc với các nhà cung ứng để tăng lượng hàng hóa cung cấp từ 40-50%, riêng rau xanh được tăng cường thêm từ Đà Lạt và TP Hồ Chí Minh.

Theo bà Dung, sức mua lại Co.opmart Hà Nội tăng lên khoảng 30% so với thời điểm sau Tết năm 2019, mặt hàng tăng chủ yếu là rau, củ, quả, mỳ gói. Bà Dung cũng khẳng định, luôn có đủ hàng hóa trong kho để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Riêng mặt hàng khẩu trang do phải chuyên chở từ TP Hồ Chí Minh ra nên hiện thời chỉ có thể bán hạn chế, mỗi khách hàng chỉ được mua 10 chiếc. 

Saigon Co.op cũng tăng cường kênh bán hàng thương mại điện tử, có chế độ ưu đãi riêng cho đội ngũ nhân viên giao hàng tận nhà, tất cả các mặt hàng tươi sống đều giao trong ngày và đảm bảo có đủ người cũng như hệ thống giao hàng chuyên dụng bằng xe tải, xe máy để khách hàng có thể nhận được hàng ngay trong ngày. 

Báo cáo từ Vinmart cũng cho thấy kế hoạch chuẩn bị ổn định nguồn hàng so với quý I năm ngoái, tăng khoảng 50% tùy từng mặt hàng, ví dụ, mặt hàng gạo, nguồn cung tăng 50%, thịt lợn tăng 30%, thịt gà 30%, các loại như thịt bò, hải sản, thực phẩm chế biến thì đều tăng khoảng 40%, rau, củ, quả, dầu ăn cũng có khối lượng dự trữ tương ứng.

Đọc thêm