Đảm bảo kinh phí cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

(PLVN) -Sau gần 5 năm thi hành Thông tư số 338/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, một số quy định đã bộc lộ hạn chế, bất cập, cần được nghiên cứu sửa đổi.

Ngày 28/12/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 338/2016/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Sau gần 5 năm thi hành, một số quy định của Thông tư này đã bộc lộ hạn chế, bất cập, cần được nghiên cứu sửa đổi.

Thông tư số 338/2016/TT-BTC được ban hành đã góp phần giải quyết được rất nhiều các vướng mắc trong quá trình lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước, bảo đảm cho công tác xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Thông tư này đã tăng mức chi cho soạn thảo một số văn bản; bổ sung một số nội dung chi như chi xây dựng báo cáo thẩm định, báo cáo thẩm tra đối với đề nghị xây dựng Luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết, nghị quyết liên tịch của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định; bổ sung quy định định mức phân bổ kinh phí đảm bảo cho công tác xây dựng dự án Luật, pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; tăng mức phân bổ kinh phí đảm bảo cho công tác xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ…

Thực hiện Thông tư số 338, hàng năm, HĐND tỉnh, thành phố căn cứ khả năng ngân sách và tình tình thực tế quy định mức phân bổ cụ thể đối với từng loại VBQPPL để thực hiện cho phù hợp. Cơ quan phục vụ hoạt động của HĐND, UBND các cấp lập dự toán đối với kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng ban hành VBQPPL của HĐND, UBND trình cấp có thẩm quyền quyết định phân bổ kinh phí để thực hiện và thanh quyết toán theo quy định hiện hành. Sau 5 năm triên khai, kinh phí dành cho công tác xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật tại các địa phương cơ bản được đảm bảo.

Tuy nhiên, một số quy định của Thông tư số 338 dần bộc lộ tồn tại, hạn chế gây khó khăn cho việc áp dụng. Cụ thể, Thông tư này chưa quy định cụ thể định mức chi cho một số nội dung công việc phục vụ công tác xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật như mức chi cho việc tổ chức họp tư vấn thẩm định. Trong khi đó, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và các văn bản hướng dẫn có quy định hình thức tổ chức họp này.

Thông tư số 338/2016/TT-BTC quy định định mức phân bổ kinh phí dựa trên 2 tiêu chí là mức độ phức tạp của văn bản và số lượng lấy ý kiến tham gia vào văn bản để đưa ra 2 loại định mức phân bổ kinh phí. Tuy nhiên, Thông tư lại chưa đưa ra được tiêu chí để xác định văn bản như thế nào là phức tạp, ít phức tạp và số lượng lấy kiến tham gia bao nhiêu là nhiều, bao nhiêu là ít. Việc quy định như trên mang tính định tính, thiếu cụ thể dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật, đặc biệt là trong công tác thẩm định và phân bổ dự toán

Các nội dung chi trong Thông tư số 338 chưa bao quát hết các hoạt động liên quan đến công tác theo dõi thi hành pháp luật như: Thu thập, tiếp nhận và xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; thù lao cộng tác viên theo dõi thi hành pháp luật...

Mặt khác, do tình hình kinh tế - xã hội hiện nay đã có nhiều thay đổi, Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu để phù hợp với mức sống của người dân, vì vậy, mức chi quy định tại Thông tư số 338 không còn phù hợp, nhất là đối với công tác xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở địa phương. Đặc biệt, đối với những văn bản có tính chất phức tạp, lĩnh vực chuyên ngành, phải tiến hành khảo sát, đánh giá thực tế, thuê chuyên gia, tổ chức các cuộc họp với nhiều cá nhân, đơn vị liên quan tham gia… thì định mức 10 triệu đồng/văn bản theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 5 Thông tư số 338 là rất thấp, chưa đảm bảo hiệu quả cho công này.

Do đó, để đảm bảo nguồn kinh phí phục vụ cho công tác xây dựng VBQPPL, theo dõi tình hình thi hành pháp luật được đầy đủ, cần sửa đổi, bổ sung Thông tư số 338 theo hướng nâng các mức chi cho công tác xây dựng văn bản, đặc biệt là đối với cấp tỉnh để đảm bảo tương đồng với các dự thảo Thông tư của các bộ, ngành Trung ương, phù hợp với tính chất, thẩm quyền, nội dung của văn bản và tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.

Cùng với đó, cần quy định rõ việc xác định văn bản như thế nào là phức tạp, ít phức tạp và quy định cụ thể số lượng các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần lấy ý kiến tham gia để xác định mức phân bổ kinh phí cho việc xây dựng dự thảo VBQPPL cho phù hợp. Ngoài ra, cần hướng dẫn cụ thể hơn việc sử dụng kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo hướng toàn diện, đầy đủ các nội dung chi, mức chi.

Đọc thêm