Đảm bảo nhà ở cho bà con người H’Mông theo chuẩn “3 cứng”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cử tri kiến nghị nghiên cứu, hướng dẫn việc lựa chọn vật liệu thay thế phù hợp, đảm bảo chất lượng với chi phí hợp lý, đồng thời ban hành thiết kế điển hình, thiết kế mẫu phù hợp với phong tục, tập quán sinh hoạt, điều kiện sống, giúp cho bà con người H’Mông.
Đảm bảo nhà ở cho bà con người H’Mông theo chuẩn “3 cứng”.
Đảm bảo nhà ở cho bà con người H’Mông theo chuẩn “3 cứng”.

Gửi thắc mắc đến Bộ Xây dựng, cử tri tỉnh Yên Bái cho biết: Theo thói quen và phong tục tập quán của người H’Mông, việc làm nhà chủ yếu bằng vật liệu gỗ. Với chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ, người dân sống tại các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng tự nhiên phòng hộ, rừng tự nhiên đặc dụng không còn được khai thác vật liệu gỗ để làm nhà; trong khi việc vận chuyển vật liệu xi măng, gạch xây, cát, đá, sỏi, đến nơi ở rất khó khăn, giá thành cao, dẫn đến chi phí làm nhà xây rất lớn, vượt quá khả năng chi trả của người dân.

Do vậy, cử tri kiến nghị nghiên cứu, hướng dẫn việc lựa chọn vật liệu thay thế phù hợp, đảm bảo chất lượng với chi phí hợp lý, đồng thời ban hành thiết kế điển hình, thiết kế mẫu phù hợp với phong tục, tập quán sinh hoạt, điều kiện sống, giúp cho bà con người H’Mông làm nhà ở an toàn chắc chắn, định cư ổn định, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Giải đáp thắc mắc của cử tri, Bộ Xây dựng cho hay, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm giải quyết vấn đề nhà ở và ban hành nhiều chính sách nhằm nâng cao đời sống, hỗ trợ các hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững của các hộ dân nghèo có khó khăn về nhà ở.

Đặc biệt là các hộ dân sinh sống tại các vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn 2012-2020, các hộ gia đình nghèo có khó khăn về nhà ở đã được Nhà nước hỗ trợ theo các Quyết định của Thủ tướng, với tổng số nhà hỗ trợ khoảng 650.000 căn. Riêng tỉnh Yên Bái hỗ trợ được hơn 10.000 căn nhà.

Nhà ở được hỗ trợ theo các chương trình, phải đảm bảo diện tích tối thiểu 24m2; tuổi thọ căn nhà tối thiểu đạt 10 năm; đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn “3 cứng” gồm: “Nền cứng” là nền nhà làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: vữa xi măng - cát, bê tông, gạch lát; “khung - tường cứng” gồm hệ thống khung, cột, tường kể cả móng đỡ.

Theo Bộ Xây dựng, do mức hỗ trợ để xây nhà ở theo các chính sách còn thấp, nên các chính sách trên đều cho phép xây dựng nhà ở bằng vật liệu sẵn có của địa phương nhưng đảm bảo tiêu chuẩn “3 cứng” nêu trên.

Liên quan đến việc đóng cửa rừng tự nhiên, dẫn đến khó khăn trong tìm kiếm vật liệu thay thế, vận chuyển, chi phí làm nhà vượt quá khả năng chi trả của người dân nghèo, Bộ Xây dựng cho biết, đã tham gia phối hợp cùng Ủy ban Dân tộc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để triển khai Nghị quyết 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội. Trong đó, có nội dung về hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Tổng mức hỗ trợ nhà ở đã được nâng lên để đảm bảo cho các hộ gia đình vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thể thay thế vật liệu làm nhà theo truyền thống (chủ yếu bằng gỗ) sang vật liệu xây dựng hiện nay (xi măng, gạch, cát, đá, sỏi...).

Dự kiến suất đầu tư cho căn nhà có diện tích tối thiểu 30m2, có tuổi thọ tối thiểu 20 năm và đạt chuẩn 3 “cứng” (phù hợp với Chương trình nông thôn mới) là 80 triệu đồng/căn (trong đó: ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp là 40 triệu đồng; Nhà nước cho vay ưu đãi lãi suất 3%/năm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội là 25 triệu đồng; số vốn còn lại 15 triệu đồng được huy động từ gia đình, dòng họ và cộng đồng). Báo cáo nghiên cứu khả thi về Chương trình này đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua, hiện đang trình Chính phủ phê duyệt.

Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách mới triển khai thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo trên các huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 24/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách mới để triển khai thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo tại các vùng còn lại trình Thủ tướng xem xét, ban hành.

Đọc thêm