Đảm bảo quy định thống nhất trong ủy thác thi hành án

(PLVN) -Việc thực hiện ủy thác thi hành án tại theo quy định tại Điều 16 Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật THADS hiện nay còn một số nội dung chưa thống nhất với Luật THADS, đòi hỏi cần sửa đổi bổ sung kịp thời để áp dụng đồng bộ.

Theo đó, Điều 55 Luật THADS quy định: Thủ trưởng cơ quan THADS phải ủy thác thi hành án cho cơ quan THADS nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật THADS quy định: có thể ủy thác cho cơ quan THADS nơi có tài sản tổ chức thi hành là chưa phù hợp dẫn đến việc áp dụng tùy nghi, không thống nhất.

Để khắc phục bất cập trên, cần sửa đổi khoản 1, Điều 16 Nghị định 62/2015/NĐ-CP theo hướng khẳng định “phải” ủy thác theo quy định tại Điều 55 Luật THADS. Bên cạnh đó, để đảm bảo việc thi hành án kịp thời, rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án, Nghị định sửa đổi Nghị định 62/2015/NĐ-CP cũng cần quy định rõ cơ quan THADS có thể căn cứ vào bản án, quyết định được thi hành hoặc kết quả xác minh để làm cơ sở cho việc ủy thác (có thể không cần ra quyết định thi hành án mà ủy thác thẳng trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã xác định rõ địa chỉ, nơi cư trú, nơi có tài sản của người phải thi hành án).

Tại điểm c khoản 2 Điều 16 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định “trường hợp tài sản không đủ để thi hành án thì ủy thác đến nơi có tài sản giá trị lớn nhất, nơi có nhiều tài sản nhất”. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể ủy thác đến đâu trong trường hợp có cả “nơi có tài sản giá trị lớn nhất” và “nơi có nhiều tài sản nhất”. Trong khi đó, tổng giá trị tài sản mới là điều cần quan tâm. 

Bên cạnh đó, nội dung khoản 2 Điều 16 đang xem xét về thứ tự thực hiện ủy thác chứ không phải về căn cứ để ủy thác. Do đó, đoạn “trường hợp tài sản không đủ để thi hành án thì ủy thác” là không cần thiết và không phù hợp khi quy định tại khoản 2 Điều 16. Để giải quyết các vướng mắc trên, cần sửa đổi quy định trên theo hướng ủy thác đến nơi có giá trị tài sản lớn nhất.

Một quy định khác liên quan đến ủy thác đó là: Trước khi ủy thác, cơ quan THADS phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác (khoản 1 Điều 57 Luật THADS). Tuy nhiên, có nhiều trường hợp tài sản tại nơi ủy thác đang có tranh chấp, đã được tòa án thụ lý nhưng người phải thi hành án vẫn còn tài sản ở các địa phương khác. Trường hợp này cần phải có quy định về việc ủy thác để xử lý đối với những tài sản này để đảm bảo thi hành án hiệu quả, rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án, đồng thời quy định trách nhiệm để các cơ quan THADS biết được kết quả tổ chức thi hành án của nhau để phối hợp và xử lý tài sản cho phù hợp. 

Vì vậy, Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP cần bổ sung quy định: Trường hợp tài sản đang xử lý để thi hành án nhưng có tranh chấp và đã được tòa án thụ lý giải quyết mà đương sự có tài sản ở địa phương khác thì ủy thác đến cơ quan THADS nơi có tài sản để thi hành án. Đồng thời, các cơ quan ủy thác và nhận ủy thác phải thường xuyên thông tin trao đổi để biết về kết quả giải quyết.

Ngoài ra, hiện nay, pháp luật quy định trước khi ủy thác thì cơ quan THADS phải thu hồi quyết định thi hành án. Trong trường hợp này, sẽ có khoảng trống trong thời gian cơ quan được ủy thác chưa nhận được quyết định ủy thác và chưa ra quyết định mới. Do đó, cần quy định rõ hiệu lực của các quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải thi hành án đã được ban hành (nếu có) để tránh trường hợp đương sự cho rằng quyết định thi hành án đã được thu hồi thì các quyết định kèm theo hết hiệu lực để tẩu tán tài sản.

 Vì vậy, cần sửa đổi khoản 4, Điều 16 Nghị định 62/2015/NĐ-CP theo hướng: Các quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, quyết định tạm hoãn xuất cảnh và các quyết định về thi hành án khác liên quan đến khoản ủy thác có hiệu lực cho đến khi có quyết định thay thế của cơ quan nhận ủy thác. Quyết định thay thế trong trường hợp này là các quyết định liên quan đến việc xử lý hoặc không xử lý tài sản, duy trì hoặc giải tỏa việc tạm hoãn xuất cảnh…của cơ quan nhận ủy thác.  

Đọc thêm