Quy định rõ cơ chế bảo đảm bản án có tính khả thi

(PLO) - Quy định chặt chẽ, đầy đủ, minh bạch hơn về trình tự, thủ tục, rõ hơn quyền và trách nhiệm của các đương sự trong hoạt động thi hành án dân sự (THADS) là một trong những nội dung đáng lưu ý trong Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) được đưa ra trong Phiên họp lần thứ nhất của Ban soạn thảo Luật hôm qua (3/12).
Quy định rõ cơ chế bảo đảm bản án có tính khả thi
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường-  Trưởng ban soạn thảo và Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam đã tham dự phiên họp. 
Lo “làm phát sinh thủ tục hành chính”
Về vai trò của Tòa án trong THADS, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy cho biết: Bản chất của THADS là hoạt động tư pháp, là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng, do đó Tòa án phải có trách nhiệm đến cùng với bản án, quyết định mà mình ban hành; không để tình trạng cắt khúc, tách rời các giai đoạn tố tụng làm hạn chế mối quan hệ giữa hoạt động xét xử với hoạt động THADS, giữa Tòa án với cơ quan thi hành án (THA). 
Vì vậy, định hướng sửa đổi, bổ sung theo hướng giao Tòa án ra các quyết định liên quan trực tiếp đến việc khởi động việc THA, làm dừng, thay đổi và hủy bỏ bản án, quyết định của Tòa án. Dự thảo cũng quy định rõ cơ chế để bảo đảm bản án, quyết định được ban hành phải có tính khả thi, Tòa án kịp thời áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời phục vụ cho việc THA; quy định rõ hơn trách nhiệm của Tòa án trong việc khắc phục hậu quả các bản án, quyết định đã được thi hành xong nhưng quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm làm thay đổi các nội dung, quyết định trước đó; quy định rõ hơn trách nhiệm của Tòa án trong việc chuyển giao bản án, quyết định, các tài liệu, giấy tờ liên quan đến việc THA…
Ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét vì nếu quy định như Dự luật thì sẽ có sự mâu thuẫn. Bởi, Tòa án ra quyết định khởi động, còn THA lại ra quyết định thi hành, như vậy sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính. 
Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Công an và đại diện TANDTC đều lưu ý Ban soạn thảo vấn đề này cần có tổng kết cả về lý luận và thực tiễn để từ đó đưa ra những quy định phù hợp. Còn ông Chu Hồng Thanh, Hội Luật gia Việt Nam thì đề nghị cần làm rõ các khái niệm trong Luật mới và rõ hơn vị trí, vai trò của cơ quan THADS.
Giao quyền chủ động cho người được thi hành án
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Thủy, Dự luật bổ sung các quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người được THA chủ động hơn trong việc tham gia vào các hoạt động THADS, nhất là trong trường hợp THA theo đơn yêu cầu. Theo đó, tăng cường vai trò, quyền và trách nhiệm của người được THA: được quyền chỉ định việc kê biên tài sản (loại tài sản, tài sản nào trước, tài sản nào sau…) của người phải THA và chịu trách nhiệm về yêu cầu THA của mình. 
“Hiện nay công việc này đang thuộc quyền của Chấp hành viên nhưng nay Dự thảo quy định quyền này cho người được THA và họ cũng có thể phải chịu những rủi ro nhất định với quyết định của mình” - ông Thủy lý giải thêm. Ngoài ra, người được THA là cơ quan, doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện nghiêm việc yêu cầu THA và tích cực, chủ động phối hợp với cơ quan THADS để THA.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát THADS, VKSNDTC Nguyễn Mạnh Hùng lại rất băn khoăn về quy định này. Ông dẫn chứng: Hiện việc người được THA xác minh tài sản của người phải THA gặp rất nhiều khó khăn nếu họ muốn cố tình che giấu tài sản. “Quy định này nhẹ cho cơ quan THA nhưng nặng cho dân, nên phải xem xét lại” - ông Hùng nói.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật Thi hành án dân sự:
- Việc Quốc hội thông qua Luật Thi hành án dân sự đầu tiên (năm 2008) đã tạo sự lan tỏa lớn để công tác THADS – vốn yếu kém trong nhiều năm - nay đã tạo chuyển biến cơ bản, hứa hẹn sự bền vững đã được Quốc hội, Chính phủ ghi nhận.
Năm 2013 là năm đầu tiên thi hành án thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác tư pháp, THADS đã nỗ lực và đạt những kết quả quan trọng. Chúng ta xây dựng Luật THADS trong bối cảnh thuận lợi là Hiến pháp sửa đổi mới được thông qua, các luật về tổ chức bộ máy cũng đang được sửa đổi, Bộ Chính trị đang chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 49, Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp TW cũng đang có Đề án về vấn đề này, trong đó ý nghĩa bước ngoặt là gắn trách nhiệm của Tòa án vào hoạt động THA, coi THA là khâu cuối cùng của quá trình tố tụng.
Thời gian cho việc xây dựng luật không còn nhiều, vì thế ngoài những định hướng lớn, cần phải làm rõ sửa đổi, bổ sung quy định nào, các bên cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo trình Dự luật đúng tiến độ và chất lượng.

Đọc thêm