Đả thông nhận thức mới hiện thức hóa được Luật Luật sư

(PLO) - Quan điểm “Luật sư (LS) chỉ để kiếm tiền” đã tạo nên “cái khó” trong giải quyết mối quan hệ giữa LS với các cơ quan nhà nước nói chung, các cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng và những rào cản, ác cảm về nghề LS cũng một phần do sự thiếu thống nhất trong cách hiểu khi áp dụng các qui định pháp luật về LS…
LS trình bày… VKS giữ nguyên quan điểm
LS Chu Đức Lưu (Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Đắk Lắk) nhận thấy, tham gia tố tụng là lĩnh vực hành nghề chủ yếu của các LS, nhưng hoạt động tham gia tố tụng của LS vẫn vướng mắc về thủ tục, nhất là khi bào chữa cho bị can, bị cáo bị tạm giam, do qui định của các ngành chưa thống nhất trong việc đảm bảo điều kiện hành nghề của LS theo qui định.
Bên cạnh đó, mặc dù việc tranh tụng của LS luôn được đề cao, quan tâm theo yêu cầu cải cách tư pháp, thậm chí đã được Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC liên tục khẳng định tại diễn đàn Quốc hội như “một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án” thì tình trạng “LS cứ trình bày quan điểm bào chữa, Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố và Hội đồng xét xử phán quyết theo hồ sơ vụ án” vẫn đang phổ biến. 
Bồi dưỡng thường xuyên cho LS để hết “xử chay”
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai phản ánh, còn tình trạng LS chưa chấp hành nghiêm các qui định của pháp luật về LS, vi phạm Qui tắc đạo đức nghề nghiệp. Do chất lượng của LS và một số nguyên nhân mà đến nay chỉ có 20% vụ án hình sự có LS. 
Đó là điều kiện cho “tình trạng “xử chay” giữa Tòa và Viện kiểm sát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến oan, sai, vi phạm pháp luật” như nhận định của ông Bùi Văn Xuyền (Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình). Vì vậy, nhiều LS và đại diện một số Sở Tư pháp cơ bản nhất trí cần có hoạt động bồi dưỡng bắt buộc thường xuyên để chất lượng LS tiệm cận sự phát triển của xã hội.
Nhưng “nếu không có các tiêu chuẩn định lượng, định tính trong hoạt động bồi dưỡng cho LS thì LS sẽ tìm cách “trốn tránh” nghĩa vụ này”. Thực tế cho thấy, LS có “cái tôi” rất lớn và nghề LS có tính cạnh tranh bằng uy tín cá nhân nên LS không dễ chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức với đồng nghiệp. 
Vì thế, cơ quan chức năng cần có cơ chế, chính sách phù hợp cho các LS tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ ngay trong Dự thảo Thông tư bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của LS (đang được Bộ Tư pháp xây dựng để hướng dẫn thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LS).      

Đọc thêm