Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động THADS
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn cho biết, Luật THADS năm 2008 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với yêu cầu, đặc điểm tình hình trong từng giai đoạn; các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động THADS cũng tiếp tục được hoàn thiện, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; hệ thống pháp luật THADS và các quy định liên quan đã đảm bảo tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Với hành lang pháp lý ngày càng đầy đủ, đồng bộ, hoạt động THADS đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét, góp phần quan trọng thực thi công lý, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp thẩm định |
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện Luật THADS cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Luật THADS chưa dự liệu, quy định bao quát hết phạm vi các bản án, quyết định được giao cho cơ quan THADS tổ chức thi hành để phù hợp, tương thích với quy định của một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; quy định về phí thi hành án chưa đảm bảo cơ chế người phải thi hành án tự nguyện thi hành án, dẫn đến việc, trốn tránh kéo dài thời gian thi hành án; chưa có cơ chế xử lý trong trường hợp người phải thi hành án là pháp nhân, doanh nghiệp phải thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện hoặc buộc không thực hiện công việc nhất định; tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan THADS, vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong THADS còn bất cập; quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự, của các cơ quan, tổ chức trong quá trình THADS còn nhiều điểm bất cập, hạn chế; cần có các chính sách, quy định phù hợp, đảm bảo nhân lực, vật lực cho công tác này để nâng cao hiệu quả công tác THADS,...
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn báo cáo tại phiên họp |
Theo đó, việc ban hành Luật THADS (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đổi mới tổ chức và hoạt động THADS; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, nâng cao chất lượng tổ chức THADS, đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia; phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại được tổ chức thực hiện hiệu quả; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước; góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội.
Rà soát nội dung chính sách để xác định đúng phạm vi điều chỉnh của Luật
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Cục THADS thành phố Hà Nội đã cho ý kiến về dự án đề cương chi tiết, theo đó, tại mục 2, chương III của dự thảo đề cương, đồng chí cho rằng cần cân nhắc thêm, phân định rõ vai trò của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và kiểm sát viên; đồng chí cũng nhận định dự thảo đề cương đang quy định số lượng lớn vai trò của chấp hành viên trong quá trình thi hành án, mong muốn Luật mới sẽ được ban hành theo hướng bình đẳng giữa các chủ thể trong THADS, bình đẳng trong vai trò của chấp hành viên, để họ không quá áp lực trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Chủ tịch Hội thừa phát lại thành phố Hà Nội cho biết, chế định thừa phát lại được thực hiện theo chủ trương của Đảng, trong đó có nhiệm vụ thi hành án. Đồng chí mong muốn khái niệm thừa phát lại được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung nhằm hợp thức hóa, xác định rõ vai trò của hoạt động thừa phát lại trong việc phối hợp với công tác thi hành án dân sự.
Tại phiên họp, đại diện Bộ Công an cho rằng cơ quan chủ trì soạn thảo nên cân nhắc tham khảo những kinh nghiệm nước ngoài trong quá trình hoàn thiện dự án; đối với chính sách 2 và chính sách 4 về "hoàn thiện quy định pháp luật”, cần điều chỉnh lại tên các chính sách cho phù hợp; hồ sơ đánh giá tác động chính sách cần bổ sung cho phù hợp, còn nhiều đánh giá còn chưa cụ thể, rõ ràng; đưa ra tối thiểu 03 giải pháp thay vì 02 giải pháp như dự thảo, từ đó làm cơ sở đối chiếu, lựa chọn, đánh giá kỹ hơn.
Liên quan đến lĩnh vực đấu giá tài sản, Đại diện Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp cho rằng, đề cương có 23 điều liên quan đến đấu giá tài sản, tuy nhiên có một số điều mang tính chất trùng lắp, do đã được quy định rõ tại Luật đấu giá tài sản. Theo đó, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại, không quy định chồng chéo các điều khoản đã được quy định tại Luật Đấu giá tài sản như quy định về tiền đặt trước, hủy kết quả đấu giá tài sản,.... Ngoài ra, đề cương còn tồn tại 1 số vướng mắc trong thiết kế các quy định về quyền, nghĩa vụ của người bán đấu giá tài sản, chậm trả tiền bán đấu giá, giao tài sản thi hành án,...
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát các văn bản, chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị có liên quan đến công tác thi hành án dân sự nhằm cũng cố cơ sở chính trị của việc đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), đảm bảo bám sát và thể chế đầy đủ các chính sách tại Luật. Đặc biệt, việc kiểm soát quyền lực trong công tác THADS cần được quy định tại một chương riêng, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, chủ thể; quy chế phối hợp cần được xây dựng đảm bảo tính khả thi, tránh chồng chéo, trùng lắp; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phân cấp, phân quyền của chấp hành viên, lãnh đạo các cấp cũng phải được quy định một cách cụ thể, rõ ràng.
Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần tập trung nghiên cứu một số vấn đề như: thể chế hóa quy định về thừa phát lại tại Luật; việc đấu giá tài sản thi hành án cần có điểm dừng, giảm rủi ro cho cơ quan THADS, Viện kiểm sát nhân dân; nghiên cứu, làm rõ hơn các biện pháp khẩn cấp tạm thời; cấp độ, phạm vi của các vụ việc có yếu tố nước ngoài; ứng dụng công nghệ thông tin cần được nâng lên thành cấp độ chuyển đổi số, nhằm tạo các biện pháp hỗ trợ trong công tác thi hành án dân sự,...
Việc sửa đổi Luật THADS tập trung vào 05 nhóm chính sách, định hướng lớn như sau: (1) Xác định rõ phạm vi hoạt động, phạm vi các bản án, quyết định mà cơ quan THADS tổ chức thi hành và các nguyên tắc cơ bản trong THADS; (2) Hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự, người tham gia THADS khác; (3) Hoàn thiện tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan THADS; nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan THADS, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, người có thẩm quyền trong THADS; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác trong THADS; (4) Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả THADS; (5) Đảm bảo nguồn lực để tổ chức THADS.