Dám nghĩ, dám nói, dám làm

Một thế kỷ đã trôi qua, nhìn lại câu chuyện Bác Hồ đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin trên hành trình tìm đường cứu nước, có rất nhiều điều để chúng ta học tập. Trong đó, phải kể đến đức tính dám nghĩ và dám nói của Bác, dù ở vị trí một đảng viên trẻ ở xứ thuộc địa, vốn tiếng Pháp còn hạn chế vậy mà Người vẫn không chút tự ti, dám “đập mạnh” những quan điểm trái chiều.

Chiều 29-12-1920, tại Đại hội Tua của Đảng Xã hội Pháp, 70% đại biểu bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản, trong đó có lá phiếu của Nguyễn Ái Quốc, người thanh niên tha hương yêu nước vừa tròn 30 tuổi. Sau này trong đoạn hồi ký “Con đường dẫn tôi tới chủ nghĩa Lê-nin”, chính Người kể lại rằng, hồi đó đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa cộng sản là gì, Người đều chưa hiểu. Trước Đại hội, nghe người ta bàn Quốc tế thứ hai, hai rưỡi, hay Quốc tế thứ ba (tức Quốc tế Cộng sản), Người cũng chưa hiểu. Dù vậy, Người vẫn “xông vào” các cuộc tranh luận sôi nổi và “đập mạnh” những lời lẽ chống lại sự nghiệp giải phóng thuộc địa. Không chỉ tham gia các cuộc họp của chi bộ mình, Người còn đến các chi bộ khác để thảo luận và để nhận thức rõ hơn vấn đề mình đang quan tâm. Chính nhờ tích cực thảo luận, hỏi các đảng viên khác, Người đã được giải thích, được tiếp cận Luận cương của Lê-nin và tìm ra chân lý, tìm ra con đường cứu nước.

Một thế kỷ đã trôi qua, nhìn lại câu chuyện Bác Hồ đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin trên hành trình tìm đường cứu nước, có rất nhiều điều để chúng ta học tập. Trong đó, phải kể đến đức tính dám nghĩ và dám nói của Bác, dù ở vị trí một đảng viên trẻ ở xứ thuộc địa, vốn tiếng Pháp còn hạn chế vậy mà Người vẫn không chút tự ti, dám “đập mạnh” những quan điểm trái chiều. Các chữ “xông vào”, “đập mạnh” trong hồi ký cho thấy thái độ rất cách mạng của một người cách mạng đang khát khao tìm đường đưa dân tộc mình và các dân tộc thuộc địa thoát khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân.

Cùng với tư duy dám nghĩ, dám nói thì câu chuyện trên còn bộc lộ một phẩm chất đáng quý: Tư duy độc lập, sáng tạo. Tuổi trẻ khát khao sáng tạo và cống hiến. Lúc đó, với Người “điều mà tôi muốn biết hơn cả - và cũng chính là điều mà người ta không thảo luận trong cuộc họp là: Vậy thì cái quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa?”. Từ suy nghĩ ấy, chính Người đã mạnh dạn nêu câu hỏi ấy lên, một “câu hỏi quan trọng nhất”, đã góp phần khơi nguồn hình thành một dòng chảy chủ lưu trong nhận thức và hành động của Đảng Xã hội Pháp trước khi tán thành Quốc tế Cộng sản.

Bài học từ sự mạnh dạn của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc thời trai trẻ gợi cho chúng ta hôm nay, nhất là lớp trẻ cần có tư duy dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thực tiễn đất nước trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay đang rất cần tư duy dám nghĩ, dám nói, dám làm và “nghĩ, nói, làm” những điều mới mẻ, thiết thực, giải đáp được những câu hỏi hóc búa nảy sinh từ thực tiễn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu cao cả dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mà toàn dân ta đang phấn đấu./.

Theo: qdnd.vn

Đọc thêm