Hôm 13/8, TAND tỉnh Thái Nguyên đã xét xử lưu động và tuyên mức án tử hình cho bị cáo Ngô Hồng Sơn - kẻ lái xe chở gỗ lậu đã đâm chết kiểm lâm viên Lê Văn Phượng.
Chất chứa nỗi đau
Mới hơn 7 giờ sáng, hàng ngàn người dân đã tập trung đến trụ sở UBND xã Phú Thịnh (Đại Từ, Thái Nguyên) tham dự phiên tòa lưu động. Cùng đến phiên tòa còn có các cán bộ Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm các huyện và tỉnh Thái Nguyên nơi anh Phượng công tác và các thầy cô giáo đồng nghiệp của chị Hường.
Lực lượng công an được huy động tối đa để bảo vệ an ninh phiên tòa. Không ai cầm được nước mắt khi nhìn cảnh mẹ con chị Hường khóc ngất trong trang phục áo tang, ôm Huân chương Dũng cảm mà Chủ tịch Nước tặng thưởng cho sự hy sinh anh dũng của anh Phượng và di ảnh của nạn nhân đến phiên tòa...
|
Thân nhân của anh Lê Văn Phượng - người đàn ông chân chính và dũng cảm. |
Bé Lê Thảo Vân (9 tuổi, con út nạn nhân) nói với tôi những lời nghe như dao cứa vào lòng: “Có những buổi sáng trở dậy, thấy nhà trống vắng con cứ ngỡ bố con đi trực chưa về... Rồi con nhìn lên ảnh bố, con chỉ dám khóc thầm vì sợ mẹ con biết sẽ cảm thấy đau lòng hơn”. Cùng ngồi hàng ghế bị hại còn có một bà cụ liên tục đưa khăn thấm những dòng nước mắt chan hòa trên gò má nhăn nheo. Đó là cụ Thái - người thân sinh ra chị Hường. Chị Hường là con gái út của cụ, xinh đẹp, thông minh nhất nhà, sau lại là một cô giáo tiểu học.
Bà cụ bồi hồi kể lại: “Đêm đó nhận tin báo con rể út bị cảm đột ngột đang cấp cứu trong viện, linh cảm của người mẹ cho thấy con rể đã gặp chuyện chẳng lành, tôi nhất quyết đòi vào viện nhưng không ai chở đi...”. Suốt đêm đó cụ Thái không ngủ, mong trời sáng để vào thăm con, không ngờ... Nỗi bất hạnh đột ngột ập xuống cuộc đời người con gái út khiến cụ Thái cũng bị suy sụp nhiều.
Bà cụ bảo:“Phượng nó hiền lành, đúng mực, yêu vợ thương con, có trách nhiệm với gia đình nên tôi coi như con trai. Nó mất đi, tôi đau đớn lắm. Rồi đây, gánh nặng gia đình, nuôi dạy con cái... chẳng biết đôi vai son trẻ của vợ nó có gánh vác được không?”.
Tội ác không thể dung thứ
Trước vành móng ngựa, không chút ăn năn, bị cáo Ngô Hồng Sơn lạnh lùng trình bày về hành vi phạm tội. Bị cáo thừa nhận đêm 15/12/2009, Sơn điều khiển xe ô tô đến địa phận xã Phú Thịnh thì phát hiện xe U-oát của Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ, thấy cán bộ kiểm lâm bấm đèn pin, cầm cờ ra hiệu dừng đỗ để kiểm tra xe. Vì biết trên xe chở gỗ nghiến trái phép, không giấy tờ, nếu bị bắt sẽ bị xử lý nên Sơn chủ đích không dừng xe mà bỏ chạy.
|
Ngô Hồng Sơn trước vành móng ngựa |
Sơn điều khiển xe đi chậm lại, đến gần xe U-oát thì bất ngờ tăng ga lao thẳng vào xe kiểm lâm, đâm trực diện vào anh Phượng khiến nạn nhân ngã đập đầu xuống đường. Gây án xong, Sơn lái xe bỏ chạy, bình tĩnh đổ gỗ lậu xuống ven đường rồi rẽ về thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc), đến một ga-ra sửa xe, xoá dấu vết.
Bị cáo cho rằng không chủ đích sát hại anh Phượng, không thừa nhận hành vi xoá dấu vết tội phạm.Nhưng hắn không thể biện minh cho hành vi đâm xe quá mạnh, quá bất ngờ đã khiến anh Phượng vỡ lún xương sọ, chảy máu trong hộp sọ, tổn hại thần kinh trung ương dẫn đến tử vong.
Trước đó, CQĐT đã tiến hành điều tra, thực nghiệm hiện trường rất thận trọng, tỉ mỉ. Trình bày tại Tòa, nhân chứng Nguyễn Thế Phượng (Tổ trưởng Tổ công tác) vẫn chưa hết bàng hoàng: “Hôm đó bị cáo Sơn “tấn công” quá bất ngờ và hung hãn, tôi chỉ kịp nhảy vội sang một bên nên may mắn thoát chết. Tôi mong muốn Tòa xét xử bị cáo thật nghiêm minh để làm gương cho những kẻ coi thường pháp luật, có như thế cán bộ kiểm lâm chúng tôi mới yên tâm công tác”.
Vẻ lạnh lùng biến mất, bị cáo Sơn suýt ngất xỉu khi nghe VKS đề nghị mức án tử hình về tội “Giết người”. Khi được nói lời sau cùng, bị cáo tỏ ra ân hận và xin được giảm án để có cơ hội trở về giúp vợ nuôi cha già, ba đứa con còn nhỏ.
“Giá mà có thể xin giảm nhẹ cho bị cáo...”
8 tháng kể từ ngày anh Phượng hy sinh, đồng đội và gia đình nhỏ bé của anh dường như vẫn không tin vào sự thật nghiệt ngã trên. Người vợ trẻ mới ngoài 30 tuổi tưởng như hóa dại sau cái chết của chồng. Thương cảm với hoàn cảnh của mẹ con chị, Phòng Giáo dục huyện Đại Từ đã đặc cách điều chuyển chị Hường về công tác tại một trường tiểu học gần nhà khi chị chưa hết thời gian phải tăng cường đi vùng sâu, vùng xa.
Tại Tòa, trong tột cùng nỗi đau, chị Hường vẫn nhân hậu nói rằng dù sao thì chồng chị cũng mất rồi, dù Tòa tuyên bị cáo mức án tử hình chăng nữa thì cũng không thể làm cho bố của các con chị trở về như xưa được. Cũng là người vợ, người mẹ, chị rất xót lòng khi biết vợ bị cáo Sơn cũng trạc tuổi mình, con bị cáo Sơn cũng sàn sàn tuổi như con của chị.
“Thật lòng, tôi muốn khép lại nỗi đau để giải quyết hậu quả vụ án theo hướng tích cực nhưng gia đình bị cáo không hề biết thiện chí đó. Sau khi bị cáo Sơn gây ra cái chết cho chồng tôi, gia đình họ chỉ đến thăm viếng một cách qua loa chiếu lệ cho phải phép, rồi gửi vào cơ quan thi hành án 10 triệu đồng để bồi thường. Nhưng trước tội ác không thể biện minh và thái độ không hề biết ăn năn đó, tôi làm sao có thể tha thứ được?”.
TAND tỉnh Thái Nguyên đã tuyên phạt bị cáo Ngô Hồng Sơn mức án tử hình về tội “Giết người” cộng mức bồi thường dân sự cho gia đình nạn nhân. Mức án trên được dư luận đồng tình, có lẽ cũng vợi bớt phần nào nỗi đau thương và căm phẫn của dư luận. Trong ngạt ngào nước mắt, chị Hường nói rằng chị vẫn nhớ như in hình ảnh người chồng rất mực yêu vợ, thương con trong buổi tối định mệnh 14/12/2009 mà anh Phượng mãi mãi không trở về.
Tối ấy, gia đình chị liên hoan để sáng mai chị tham dự Hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh. Sau đó, anh Phượng đèo chị lên nhà bà ngoại để mượn tài liệu. Trước khi đi trực ca đêm, anh còn hứa sẽ mở tiệc liên hoan chúc mừng “cô giáo dạy giỏi cấp tỉnh” của gia đình! Không ngờ, mơ ước ấy đã vĩnh viễn không thể thực hiện được bởi dã tâm tàn độc của kẻ thủ ác Ngô Hồng Sơn.
Nguyễn Lê