Dần dịch hướng đầu tư

Trong khi thị trường nhà đất khu vực phía Tây đang trầm lắng sau cơn sốt thì khu vực phía Bắc Hà Nội đang dần thiết lập mặt bằng giá mới. Giá thấp, vốn nhỏ, lợi nhuận cao thêm vào đó nguồn cung khá dồi dào đã kéo các nhà đầu tư dần dịch chuyển từ phía Tây sang phía Bắc Hà Nội để tìm cơ hội đầu tư. Thị trường bất động sản Hà Nội đang âm thầm chứng kiến sự dịch chuyển có lợi cho nhiều bên.

Trong khi thị trường nhà đất khu vực phía Tây đang trầm lắng sau cơn sốt thì khu vực phía Bắc Hà Nội đang dần thiết lập mặt bằng giá mới. Giá thấp, vốn nhỏ, lợi nhuận cao thêm vào đó nguồn cung khá dồi dào đã kéo các nhà đầu tư dần dịch chuyển từ phía Tây sang phía Bắc Hà Nội để tìm cơ hội đầu tư. Thị trường bất động sản Hà Nội đang âm thầm chứng kiến sự dịch chuyển có lợi cho nhiều bên.

Phía Tây "sập sùi"

 

Từ đầu tháng 6 đến nay, thị trường nhà đất khu vực phía Tây Hà Nội đang chứng kiến sự suy giảm sau hội chứng “đội giá”. Hầu hết đất dự án, đất giao dịch ngoài dự án đều giảm giá, mức giảm mạnh nhất tập trung vào các “điểm nóng” tăng giá trước đó. Từ nửa tháng 6, theo khảo sát, đất nền khu vực đường Lê Trọng Tấn, khu đô thị Gleximco, dự án Tân Tây Đô, dự án KĐT Kim Trung – Di Trạch giá đều giảm từ 3,5-5 triệu đồng/m2. Khu đô thị Gleximco Lê Trọng Tấn, đất mặt đường vào khoảng tháng 5 đạt mức đỉnh với giá trị giao dịch từ 47-50 triệu đồng/m2 thì vào giữa tháng 6 chỉ còn trên dưới 45 triệu đồng/m2. Lô mặt đường 13m, mức giá có thời điểm đạt 38 triệu đồng/m2 thì nay đều giảm từ 3,5-4 triệu đồng xuống ngưỡng trên dưới 34 triệu đồng/m2. Với khu nhà vườn, biệt thự, giá hiện thời được các rao bán chỉ trên dưới 59 triệu đồng/m2. Giá cùng loại tại lô D11, mặt đường 42m, chuyển nhượng dạng sang tên hợp đồng giá cũng giảm nhiều so với thời gian đỉnh điểm. Tại khu vực này, nhiều nhà đầu tư đã phải rao bán với thông tin “cần bán lô đất suất ngoại giao”, “chuyển nhượng giá mềm”… để tìm khách hàng giao dịch.

Dự án khu đô thị Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng – Hà Nội), đất nền lô mặt đường trên 13m, vào tháng 6 giảm xuống chỉ còn khoảng 31 triệu đồng/m2. Các khu đất liền kề khu đô thị này hiện giá được rao bán cũng chỉ đạt ngưỡng trên dưới 22 triệu đồng/m2. Chị Lan, chủ mảnh đất liền kề khu đô thị Tân Tây Đô, mặt tiền trên 8m, dài 24m, chính chủ, cách đường 32 khoảng 700m, ô tô tải vào được tận nơi đang ra giá với mức 22 triệu đồng/m2. Theo chị giá này đã giảm rất nhiều so với thời điểm “sốt” cách đây chưa lâu, ai trả dưới mức 22 triệu đồng/m2 chị nhất định không đàm phán. Hiện chủ các khu đất trong và liền kề khu đô thị này cũng phải vận tới “chiêu” kích cầu bằng cách đăng tải những thông tin như: “Cần tiền bán gấp, chuyển nhượng gấp” để mong đẩy được “hàng” để quay vòng vốn.

Theo các sàn bất động sản, mức giảm của đất khu vực phía Tây Hà Nội không chỉ giảm về giá trị giao dịch/diện tích mà số giao dịch thành công cũng giảm mạnh. Một nhân viên sàn giao dịch bất động sản đường Phạm Hùng cho biết, so với thời điểm cách đây 2 tháng thì mức giao dịch đã giảm tới 70%. Thậm chí trong 1 tháng, chỉ có vài giao dịch thành công, chỉ bằng một phần mười so với thời điểm trước.

Về nguyên nhân suy giảm, các nhà đầu tư cho rằng sau những thông tin “hốt bạc” như dời “đô” lên Ba Vì, xây dựng trục Thăng Long được làm sáng tỏ thì các dự án bất động sản phía Tây dần đi vào trầm lắng. Một nguyên nhân nữa, xuất phát từ ý đồ của nhà đầu tư. Phần lớn nhà đầu tư mua đất khu vực phía Tây đều nhằm vào mục đích hưởng lợi lâu dài, sau khi các dự án “ngon” ăn được nhà đầu tư “săn” hết thì thị trường tất yếu sẽ đi vào ổn định khi chưa có các động thái mới để họ tung hàng.

Phía Bắc "hưởng lợi"

 

Trong bối cảnh thị trường bất động sản khu vực phía Tây khá trầm lắng thì hàng loạt các dự án mới tại phía Bắc đang kéo thị trường nhà đất tại vùng đất này lên một mặt bằng mới. Sở hữu nhiều ưu thế vượt trội như gần sân bay, gần nội thành, gần các trục đường quan trọng như cao tốc Thăng Long – Nội Bài, Hoàng Quốc Việt kéo dài, đường vành đai III, vành đai IV, nhiều dự án gần trục đường 2A, hay có dự án nằm giữa tỉnh lộ 317… khiến cho thị trường bất động sản trong và liền kề các dự án được hưởng lợi. Các dự án khu đô thị như Cienco 5 Mê Linh, Tiền Phong, Xuân Hoà, Chi Đông, Hùng Vương đang thu hút được lượng giao dịch đáng kể cho dù mặt bằng giá thấp hơn nhiều so với khu vực phía Tây. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố cạnh tranh, thu hút nhiều nhà đầu tư dòm ngó trong thời điểm trầm lắng này.

Khu đô thị Cienco 5 Mê Linh, nằm trong sơ đồ, cơ cấu phát triển không gian thủ đô Hà Nội mở rộng từ năm 2005 đến 2020. Nằm giữa vành đai 3 và vành đai 4 với diện tích 49,9472 ha nằm trên địa bàn 3 xã Tiền Phong, Đại Thịnh và xã Mê Linh, huyện Mê Linh, khu đô thị Cienco 5 có nhiều yếu tố thuận lợi khiến nhà đầu tư quan tâm. Ưu thế về vị trí địa lý có nhiều cạnh tranh, cách trung tâm Hà Nội 21km, cách sân bay Quốc tế Nội Bài 11km… Khu đô thị Cienco 5 có đầy đủ các tiêu chuẩn của khu đô thị loại, trục đường lớn có lộ giới 24 m, trục nhỏ nhất có lộ giới 15,5 m với vỉa hè rộng từ 4 - 5 m, diện tích cây xanh, hồ nhân tạo lớn phục vụ cộng đồng dân cư.

Cùng đó, dự án Xuân Hoà, phường Xuân Hoà (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cách cầu Thăng Long 19km, sân bay Nội Bài 12km, đường Xuyên Á đang xây dựng 5km. Sắp tới, khi đường Xuyên Á hoàn thiện, khoảng cách từ KĐT Xuân Hoà đến sân bay Nội Bài sẽ chỉ còn 8km. Cách Khu đô thị mới Phường Xuân Hòa 3 – 3,5km là trường Đại Học Sư phạm Hà Nội II, Trung tâm giáo dục quốc phòng Hà Nội II và khu du lịch Hồ Đại Lải. Khu đô thị mới Xuân Hoà được quy hoạch hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế gồm các hạng mục nhà biệt thự, nhà liền kề, chung cư cao tầng, văn phòng cho thuê, siêu thị, nhà trẻ, trạm y tế, khu vui chơi… Theo tìm hiểu được biết, KĐT này đã giải phóng mặt bằng xong, có hệ thống đường nội bộ, hệ thống thoát nước… và theo dự kiến đến tháng 8 sẽ hoàn thiện và thể tiến hành bàn giao đất đến khách hàng. Ngoài 2 dự án trên, các dự án khu đô thị khác như Tiền Phong, Chi Đông… cũng đang được giới đầu tư quan tâm.

Trái ngược với các cơn sốt sình sịch trên thị trường nhà đất và các phương tiện thông tin đại chúng tại các khu đô thị phía Tây, các dự án phía Bắc đang được các nhà đầu tư âm thầm “vét” những khoảnh đất cuối cùng khi giá chưa thật sự cao. Thị trường nhà đất khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Phúc Yên đang dần trỗi dậy. Anh Đạt, người từng tham gia phân phối nhà đất dự án Xuân Hoà cho biết sở dĩ đất khu vực phía Bắc đã và đang hút khách bởi vì các dự án phía Tây giá cao đã không thu hút được nhiều nhà đầu tư. Thay vào đó, khu vực phía Bắc đang sở hữu mặt bằng giá cạnh tranh với trên dưới 6-8 triệu đồng/m2. Anh Đạt cũng cho biết thêm, các dự án tại T.X Phúc Yên (Vĩnh Phúc) cũng đang dần vào guồng, nhiều nhà đầu tư đã tới đặt vấn đề ngay khi có thông tin chào bán.

Cũng theo các nhà đầu tư, xu hướng tìm các vùng đất mới giàu tiềm năng như khu vực phía Bắc đang dần được chú ý. Theo đó, thay vì bỏ vốn lớn để đầu tư vào bất động sản phía Tây Hà Nội, các nhà đầu tư đã dùng khoản tiền đó để mua được lượng bất động sản lớn hơn tại khu vực phía Bắc vì mức giá hiện tại giữa 2 khu vực chênh nhau đến cả chục lần. Giá thấp, vốn nhỏ, lợi nhuận tăng là những nhân tố chính kéo các nhà đầu tư bất động sản từ phía Tây đổ dồn về phía Bắc Hà Nội.

Theo Hànộimới

Đọc thêm