Dân hiến kế giúp phòng chồng tham nhũng

(PLO) - Sáng nay (25/9), Thanh tra Chính phủ tổng kết Chương trình sáng kiến phòng, chống tham nhũng (PCTN) Việt Nam.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Thị Thủy cho biết, Chương trình sáng kiến PCTN (VACI) do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức, với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, nhất là Bộ Phát triển Vương quốc Anh, đã kết thúc. 
Chủ đề xuyên suốt của Chương trình là “Tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình”. Các đề án đạt giải cũng được tập trung vào 4 nhóm chủ đề chính gồm nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của người dân về PCTN; giáo dục PCTN cho thanh thiếu niên; giám sát cộng đồng và nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Thị Thủy, VACI được coi như một thử nghiệm mới về cách tiếp cận chống tham nhũng. Mục đích chính của VACI là tuyên truyền nâng cao chính sách PCTN, tạo cơ hội để  người  dân hiến kế đóng góp những sáng tạo, huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, làm cho cuộc đấu tranh PCTN ngày càng thiết thực tại địa phương.
Mặc dù trong triển khai có gặp một số khó khăn, vướng mắc nhưng sau 6 năm triển khai với nhiều nỗ lực, Chương trình đã nhận được sự quan tâm của các cá nhân, tổ chức, thu hút được nhiều ý tưởng nhỏ, sáng tạo, thiết thực đóng góp vào quá trình cải thiện cuộc sống, phát triển xã hội và kinh tế, PCTN, lãng phí ở nhiều  lĩnh vực, vùng miền.
Giám đốc WB Victoria Kwakwa nhấn mạnh, PCTN là việc của mọi người, còn Chính phủ chỉ đóng vai trò mấu chốt, chủ trì. Thông qua VACI nhiều nhiệt huyết, sáng tạo ở các Đề án đã được lan rộng. Điển hình là kết quả của nhóm báo chí điều tra của Học viện Báo chí tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, truyền tải thông tin và soi rọi vào những sáng kiến PCTN ở Việt Nam
Đại diện cơ quan phát triển quốc tế Anh cũng lưu ý, dù đã đạt nhiều kết quả nhưng công tác PCTN của Việt Nam còn nhiều việc phải làm vì Việt Nam đứng thứ 175 về minh bạch và giải trình nên kỳ vọng là phải giải quyết được vấn đề tham nhũng. Dù VACI sắp kết thúc nhưng nhiều quốc gia trong đó có Vương quốc Anh vẫn muốn tiếp tục hỗ trợ cho các sáng kiến PCTN.
Chương trình nhận được 504 đề án dự thi từ 39 tỉnh, TP trên cả nước với nhiều thành phần trong xã hội tham gia và có 102 đề án đã được trao giải, hỗ trợ kinh phí thực hiện. Mỗi đề án đạt giải được hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng để thực hiện trong 1 năm.
Các đề án gắn liền với công tác PCTN ở cấp cơ sở, thiết thực với đời sống dân sinh. Một số địa phương đã ban hành chính sách và giải pháp PCTN nhằm nhân rộng kinh nghiêm thành công, duy trì tính bền vững của Đề án ngay cả khi không còn nhận được sự tài trợ của Chương trình. 
Có khoảng 60% đề án duy trì một số hoạt động sau khi kết thúc Chương trình như cách thức quản lý theo mô hình HTX nhà ở Thụy Điển được đưa vào Luật Nhà ở, UB MTTQ tỉnh Quảng Nam ký quy chế phối hợp với Thanh tra tỉnh trong vệc hỗ trợ các ban giám sát đầu tư cộng đồng; UBND huyện Bình Chánh ban hành Quy chế giám sát việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư…/.

Đọc thêm