Con kiến leo cành đa
Trình bày tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền Tp.HCM diễn ra ngày 23/04/2015, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, phó giám đốc công ty Etec cho biết, "Để giải quyết lô hàng đó, doanh nghiệp bắt buộc phải chung chi vì tiến độ giao hàng đã quy định trong hợp đồng, không thể quay lại từ đầu để làm lại các thủ tục để giải phóng hàng.". Sau đó doanh nghiệp tiếp tục làm các thủ tục hải quan để rút kinh nghiệm cho những lô hàng tiếp theo. Lúc đó cán bộ hải quan yêu cầu đọc các nghị quyết liên quan và đi hỏi cơ quan chức năng khác.
"Doanh nghiệp cũng đã hỏi Trung tâm 3, Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương... nhưng hầu hết các cơ quan này đều không có câu trả lời. Tổng cục năng lượng chuyển về Bộ Khoa học công nghệ. Bộ KHCN lại chuyển về Cục Trí tuệ. Mãi đến hôm nay doanh nghiệp vẫn chưa có câu trả lời rốt ráo.", bà Ngọc bức xúc.
Đại diện doanh nghiệp mô tả quá trình đi tìm câu trả lời về việc dán tem năng lượng cho sản phẩm của mình như sau: "Doanh nghiệp nghiệp lấy hàng mẫu gửi cho Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) để giám định xem hàng của mình có thuộc đối tượng phải dán nhãn năng lượng không thì Quatest 3 trả lời là hàng này không thuộc đối tượng dán nhãn năng lượng nhưng Quatest 3 lại không có chức năng trả lời nội dung này. Thế là doanh nghiệp phải chạy sang Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 1 (Quatest 1). Quatest 1 cũng khẳng định mặt hàng này không thuộc đối tượng dán nhãn năng lượng nhưng cũng không có thẩm quyền để trả lời chính thức.
Theo họ, để Quatest 1 xác nhận được thì phải đi từng bước là từ chỉ đạo của Bộ công Thương xuống Tổng Cục năng lượng rồi mới đến Quatest 1. Hỏi Bộ Công Thương và Tổng Cục năng lượng thì các cơ quan này đòi cataloge. Sau năm lần bảy lượt liên hệ, đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Kế hoạch nhập hàng về bán đã có hơn 1 năm nay vẫn chưa thực hiện được.".
|
Nhãn năng lượng xác nhận. Ảnh: ECC HCMC |
Doanh nghiệp hỏi lãnh đạo Cục Hải Quan là cách tiếp cận như thế đã đúng hay chưa và xin hướng dẫn cho doanh nghiệp một lộ trình để giải quyết việc này.
Ông Nguyễn Thanh Long, phó trưởng phòng Giám sát & quản lý về hải quan, Cục hải quan TP. HCM cho biết việc dán nhãn năng lượng đã gây bức xúc ngay từ đầu. "Có nhiều trường hợp tôi thấy vô lý lắm. Thí dụ cái motour điện nếu không khai báo mà nhập chung với máy thì không là vấn đề gì. Nhưng khi nhập riêng thì lại thuộc diện dán nhãn năng lượng.".
Nói về trách nhiệm hướng dẫn, ông Long cho biết: "Văn bản quy định của Bộ KHCN không rõ ràng nên doanh nghiệp và cơ quan Hải Quan rất khó thực hiện. Hải Quan khi làm thủ tục, yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy xác nhận của cơ quan chuyên ngành là Bộ KHCN.
Còn quá trình làm thủ tục như thế nào thì phải xác định đó có phải đối tượng phải dán nhãn năng lượng hay không. Nếu không thuộc đối tượng thì chúng ta không phải thực hiện. Bộ KHCN ban hành văn bản mà họ cứ ỡm ờ mà không xác định rõ phạm vi điều chỉnh, không nói trường hợp loại trừ. Trách nhiệm không phải của Hải Quan mà Bộ KHCN phải hướng dẫn cho doanh nghiệp biết.".
Ông Nguyễn Quốc Toản, phó trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục hải quan TP. HCM, nguyên là cán bộ phòng Giám sát & quản lý về hải quan cho hay Thủ tướng ban hành quyết định số 51/2011/QĐ-TTg ngày 12/09/2011 Quy định "Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện" nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Sau đó là quyết định số 03/2013/QĐ-TTg năm 2013 điều chỉnh một số nội dung của quyết định 51/2011/QĐ-TTg. Đến nay Bộ Công Thương ban hành thông tư 07 ngày 4/4/2012 quy định dán nhãn năng lượng cho thiết bị.
Từ trình bày của doanh nghiệp, ông Toản cảm nhận "Tôi thấy tình trạng của chị như một trái bóng, các cơ quan cứ đá qua đá lại.".
Ông Toản cho biết thêm: "Văn bản của Chính phủ rất chung chung. Hiện nay tôi không biết là cơ quan Bộ Công Thương, Bộ KHCN, Tổng Cục năng lượng... đang làm gì với quyết định của Thủ tướng chính phủ. Ở góc độ hải quan, tất cả những hàng hóa phải dán nhãn năng lượng thì tại khâu thông quan hàng hóa, doanh nghiệp không cần phải dán nhãn năng lượng. Vì nếu dán nhãn năng lượng ngay tại cửa khẩu thì sẽ ách tắc hàng hóa. Dán nhãn năng lượng chỉ thực hiện khi doanh nghiệp đưa hàng hóa ra thị trường tiêu dùng.".
Trong việc thực hiện quyết định 53, quyết định 51 và quyết định 03 của thủ tướng chính phủ, "chủ xị" là Bộ Công Thương và Bộ KHCN còn Hải Quan chỉ là nơi thực thi. Nhưng cũng may là Hải Quan không phải kiểm tra việc dán nhãn năng lượng hoặc là giấy phép dán nhãn năng lượng. Tuy nhiên, "Trong khâu thị trường thì tôi không biết hiện nay như thế nào.", ông Toản cũng thành thực thừa nhận.
Điều này sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nhập hàng về và đành bán luôn, không dán nhãn năng lượng. Khi nào cơ quan chức năng hỏi đến thì lại chung chi.
|
Nhãn năng lượng so sánh. Ảnh: ECC HCMC |
Nhãn năng lượng xác nhận là nhãn thể hiện hình biểu tượng Tiết kiệm năng lượng (hay còn gọi là Ngôi sao năng lượng Việt) được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường khi những phương tiện, thiết bị này có mức hiệu suất năng lượng đạt hoặc vượt mức hiệu suất năng lượng cao (HEPS) do Bộ Công Thương quy định theo từng thời kỳ.
Nhãn năng lượng so sánh là nhãn được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường có mức hiệu suất năng lượng khác nhau ứng với năm cấp hiệu suất năng lượng ( từ một sao đến năm sao ). Nhãn năm sao là nhãn có hiệu suất tốt nhất nhằm cung cấp cho người tiêu dùng biết các thông tin về hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị này so với các phương tiện, thiết bị cùng loại khác trên thị trường, giúp người tiêu dùng lựa chọn được phương tiện, thiết bị có mức tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hơn.