Trong dân gian, truyền khẩu một câu thơ: “Anh hùng tiếng đã gọi rằng/ Giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”. Có người không phải là anh hùng, cũng không muốn trở thành anh hùng nhưng họ sẵn sàng can thiệp, ngăn chặn một việc làm xấu hoặc bênh vực những người yếu thế, không chịu được những cảnh trái tai, gai mắt hoặc những hành động phi nhân tính, gây bất bình. Họ làm như vậy theo một bản năng thuần túy đạo lý, không nghĩ đến việc trả ơn hay phải chịu những hệ quả của việc mình làm. Ví như thấy người đuối nước thì lao xuống cứu, không cần biết người được cứu đó là ai, họ bị tai nạn hay họ tự tử, ngay bản thân mình cũng có thể bị chết đuối theo. Hoặc, những người làm từ thiện đúng nghĩa, thấy đồng loại lâm cảnh khốn cùng thì ra tay cứu giúp chứ không coi đó là hành vi “tích đức” hoặc hy vọng được trả ơn.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà nhiều khi lòng tốt bị nghi ngờ bởi thật giả lẫn lộn, khó phân biệt. Người đang ra sức giúp đỡ một trường hợp tai nạn giao thông kia, có thể là một tên ăn cắp, lợi dụng móc túi mà thôi. Người đưa nạn nhân đi cấp cứu té ra là một tên lưu manh tống tiền, đòi thân nhân của nạn nhân phải trả công mình hậu hĩnh. Vì thế, mới có bà già không chịu cho ai dắt tay mình sang đường, có thiếu phụ con nhỏ nhưng không dám cho người xách đồ hộ. Nghịch lý hơn, tình thương lại có khi gieo họa cho chính mình, đó là trường hợp mới đây của gia đình ông Trưởng ban dân vận huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu), kẻ thủ ác gây nên cái chết cho vợ con ông chính là người đã được đối xử tử tế, cho ăn cơm uống rượu trong nhà, cho mượn xe đi lại... Vụ trộm đánh chết chủ nhà này khiến người ta nhớ lại trường hợp chủ nhà bắt được trộm nhưng sau đó lại bị bỏ tù vì tội “bắt giữ người trái pháp luật”. Pháp luật áp vào trường hợp này là khiên cưỡng bởi xét về mặt đạo lý thì không thuận, hơn nữa, nhìn vào tấm gương này, không ai dám bắt trộm nữa.
Dù có thế nào thì những chuyện giữa đường, xảy ra mà không có gì liên quan đến mình nhưng người ta vẫn can thiệp, bảo vệ người yếu thế vẫn là hành động đáng hoan nghênh và cổ vũ. Chúng ta lên án sự vô cảm nhưng lại “truy nguyên” hành động vị nghĩa thì sự lên án kia chẳng còn tác dụng gì nữa bởi vô hình trung, việc truy nguyên đó đã khuyến khích xã hội làm ngơ trước những chuyện bất bằng!