Dân phố cổ chưa biết sẽ làm gì khi đến nơi mới

Nếu di dời dân trong phố cổ thì Nhà nước sẽ có chính sách như thế nào để người dân tạo được việc làm mới?

Nếu di dời dân trong phố cổ thì Nhà nước sẽ có chính sách như thế nào để người dân tạo được việc làm mới? Hiện những hộ thuộc diện giãn dân hầu hết đều nghèo, có khi chỉ trông vào một ấm nước chè để nuôi cả nhà, nếu không có việc làm thì dân sống bằng gì?

Đó là câu hỏi lớn mà tại cuộc họp bàn về Đề án giãn dân phố cổ, do Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi chủ trì ngày 5/5, vẫn chưa có hướng giải quyết thoả đáng.

1.800 hộ sẽ di dời khỏi phố cổ

Theo báo cáo của Ban quản lý phố cổ Hà Nội, mật độ dân sống trong khu phố cổ thuộc loại cao nhất nước và việc giãn dân là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Nếu không, đời sống của người dân không những không được cải thiện mà sẽ tạo thêm gánh nặng trong việc xử lý các vấn đề xã hội ở khu vực này

Với lý do đó, Ban quản lý phố cổ cũng đề xuất, trong giai đoạn trước mắt, đề án nên nghiên cứu di dời 1.800 hộ dân đến khu đô thị mới Việt Hưng. 
Mô tả ảnh.
Đến nơi ở mới dân sẽ làm gì? Chưa rõ. Ảnh minh họa
Theo bà Quỳnh Anh, Phó trưởng ban quản lý phố cổ Hà Nội, trong 1.800 hộ dân di dời thì có 1.618 hộ tự nguyện. Khu vực mới dành cho người dân được di dời dự kiến là 14 ô đất thuộc khu giãn dân, gồm cả khu hỗn hợp và cao tầng. Trong đó sẽ xây dựng nhà ở cao tầng và thấp tầng trong diện tích đất 11, 12 ha gồm 7 ô quy hoạch sẽ đáp ứng được khoảng 1.800 hộ (mỗi căn hộ khoảng 60-80m2). Trong đó, căn hộ ở thông thường chiếm 35%, cho kinh doanh chiếm 63%. Về đối tượng thuộc diện giãn dân, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Vũ Văn Viện cho biết, nên ưu tiên những hộ dân ở khu di tích, ở công sở, trường học, thậm chí những biển số nhà đông hộ, có nhu cầu giãn dân mà chỗ ở hiện tại bình quân đầu người dưới 2m2/hộ sẽ phải nghiên cứu giãn dân.Đến nơi ở mới dân sẽ làm gì?: Chưa rõ! Ông Vũ Văn Viện cho rằng, đã là giãn dân thì có nghĩa là hạn chế và không cho việc gia tăng dân số trở lại ở khu phố cổ.“Vì vậy, những phần diện tích đất đã được giải phóng cần sẽ phải quản lý theo quy định hiện hành, bằng việc đấu giá thông qua sàn bất động sản, do UBND quận Hoàn Kiếm kiểm soát. Tuy nhiên phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, bởi nếu để tăng dân số trở lại ở những diện tích đã được giải phóng sẽ lại gây sức ép cho khu phố cổ vốn đã chật chội”, ông Viện kiến nghị. Tuy nhiên, một vấn đề mà hầu hết các thành viên trong tổ soạn thảo đề án vẫn chưa có một phương án khả thi là liệu chuyển dân đi thì tạo việc làm mới cho họ thế nào? Bà Lã Thị Kim Ngân - Giám đốc viện quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng cho rằng: Trong tương lai, phải phân loại rõ các đối tượng, nếu trước đây những hộ trong khu phố cổ có lợi thế mặt tiền thì chỗ ở hiện tại của họ cũng ưu tiên như vậy. Tóm lại, chỗ ở mới phải hấp dẫn và có điều kiện sống hơn hẳn nơi họ ở trước đây, mới khuyến khích được người dân yên tâm đến nơi ở mới. Theo bà Quỳnh Anh, trong số 1.800 hộ dân thì có nhiều hộ thuộc diện bắt buộc phải di dời và hầu hết là những hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về chỗ ở và đang phải sống trong khu di tích, hành lang tạm, trường học… Vì vậy, đề án cũng phải tính đến việc hỗ trợ cho vay lãi suất thấp cho những người di dời làm ăn buôn bán, bởi thực tế nhiều hộ dân quá nghèo, chỉ trông vào một ấm nước chè nuôi cả nhà. Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho rằng: Đề án cần phải nghiên cứu và xây dựng kỹ hơn vì vẫn còn nhiều thông số chưa đạt.“Đây là Đề án giải quyết các vấn đề xã hội, chứ không phải là một dự án đầu tư cho nên trước khi di dời phải gặp gỡ trao đổi với những hộ chuyển đi sau đó tập hợp đầy đủ ý kiến đề xuất, nhu cầu như cơ chế, chính sách, tạo công ăn việc làm, kinh phí hỗ trợ di chuyển. Ngay cả những hộ tự nguyện di dời chỗ ở cũng phải điều tra nhu cầu của họ vì đề án có thành công hay không, phụ thuộc rất nhiều vào sự đáp ứng tối đa các nhu cầu của người dân. …”, ông Khôi chỉ đạo. Phó chủ tịch thành phố cũng thống nhất một quan điểm rằng: Tới đây dù có thực hiện ra sao, nhưng hiệu quả cuối cùng vẫn là cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người dân.
Mạnh Hùng
Theo Khoa học đời sống online

Đọc thêm