Dân số - lao động và việc làm

Đà Nẵng là một thành phố đang trên đà phát triển có tốc độ đô thị hóa cao, nên dân số cũng tăng nhanh trong những năm qua. Tốc độ tăng trưởng dân số bình quân hằng năm của thành phố từ năm 1999 đến nay khoảng 2,6%, xếp thứ 6 trên cả nước về tốc độ tăng trưởng. Trong đó, tỷ lệ tăng tự nhiên khoảng 12‰ và tỷ lệ tăng do di cư khoảng 14‰. Đây cũng là lợi thế cho thành phố trẻ năng động có cơ hội phát triển kinh tế.  

Đà Nẵng là một thành phố đang trên đà phát triển có tốc độ đô thị hóa cao, nên dân số cũng tăng nhanh trong những năm qua. Tốc độ tăng trưởng dân số bình quân hằng năm của thành phố từ năm 1999 đến nay khoảng 2,6%, xếp thứ 6 trên cả nước về tốc độ tăng trưởng. Trong đó, tỷ lệ tăng tự nhiên khoảng 12‰ và tỷ lệ tăng do di cư khoảng 14‰. Đây cũng là lợi thế cho thành phố trẻ năng động có cơ hội phát triển kinh tế.

Lớp tập huấn giáo viên dạy nghề tại quận Liên Chiểu.

Lớp tập huấn giáo viên dạy nghề tại quận Liên Chiểu.

Với sự phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, chất lượng sống của người dân Đà Nẵng ngày càng được nâng cao. Năm 2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng đạt 11,2% và là một thành phố có chỉ số tiêu dùng cao nhất nước.

Thành phố Đà Nẵng đang bước vào thời kỳ “Dân số vàng”, tỷ lệ những người dưới 15 tuổi trên 35%, tỷ lệ những người trên 60 tuổi dưới 10%, tỷ lệ phụ thuộc của dân số ở mức 50/100. Tỷ lệ phụ thuộc đo được năm 2008 là 56,1 (nghĩa là sẽ có 56 người ngoài tuổi lao động trên 100 người trong độ tuổi lao động). Tuổi bình quân dân số Đà Nẵng trong những năm gần đây đang dao động ở độ tuổi 30. Đây cũng là thời kỳ dân số có độ tuổi lý tưởng cho thành phố Đà Nẵng phát triển kinh tế-xã hội.

Đà Nẵng là nơi “đất lành chim đậu” , thu hút dân cư từ nơi khác đến để học tập, làm ăn, sinh sống... Điều này cũng đặt ra cho thành phố mỗi năm tăng dân số cơ học khoảng 1 vạn người. Nếu không có những tác động đột biến trong tương lai thì với tốc độ tăng trưởng dân số những năm gần đây, dự báo Đà Nẵng sẽ đạt 1 triệu dân vào đầu năm 2014 và 1,1 triệu dân vào đầu năm 2018. Dân số thành phố hiện nay (theo tổng điều tra dân số ngày 1 tháng 4 năm 2009) là 887.069 người.

Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng các hoạt động đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị đã cải thiện đáng kể môi trường sống của người dân, việc thực hiện mục tiêu “có việc làm” cho người ở độ tuổi lao động, được triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị cuối năm 2009 giảm xuống còn 4,95%. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên tổ chức Hội chợ việc làm thu hút hàng nghìn người lao động. Sở Nội vụ tổ chức thi tuyển các chức danh công chức, viên chức, thu hút nhân tài từ các nơi khác về Đà Nẵng.

Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng phải đối mặt với thực tế là sự gia tăng dân số nhanh tạo ra sức ép về việc làm lớn, trong khi khả năng mở rộng và phát triển sản xuất còn hạn chế; nguồn vốn, thiết bị, nguyên nhiên liệu cho sản xuất còn thiếu. Quá trình phát triển dân số - lao động và việc làm đòi hỏi sử dụng tối đa nguồn nhân lực, tạo nên tình trạng di dân do nhu cầu tìm kiếm việc làm và sự phân bổ dân cư không đồng đều giữa các vùng, nhất là dân cư từ vùng nông thôn vào thành thị… Như vậy, quá trình kiểm soát di cư gặp không ít khó khăn.

Mối quan hệ giữa dân số - lao động và việc làm không thể tách rời nhau, nó có sự gắn bó mật thiết với nhau. Dân số vừa là người sản xuất vừa là người tiêu dùng. Là người sản xuất, dân số quyết định quy mô, cơ cấu, phân bổ dân cư và lực lượng lao động. Là người tiêu dùng, dân số quyết định quy mô, cơ cấu, phân bổ dân cư, các ngành nghề, các lĩnh vực hoạt động sản xuất của xã hội, chi phối nội dung việc làm...

Do vậy, sự phối hợp chặt chẽ giữa dân số - lao động và việc làm là một vấn đề lớn, đòi hỏi có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và có sự chỉ đạo xuyên suốt của các cấp ủy Đảng và chính quyền mới tạo cơ hội cho Đà Nẵng phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa - xã hội trong tương lai.

Bài và ảnh: MAI KHUÊ

Đọc thêm